“Tuổi thơ tôi gắn với những mùa hè phải đi mót lạc, thóc để đổi lấy tiền mua sách cũ từ các anh chị khóa trước. Cho đến khi học lớp 9, tôi mới được đọc một cuốn sách ngoài sách giáo khoa”, anh Nguyễn Anh Tuấn, người sáng lập dự án “Ngôi nhà trí tuệ” kể.
Trải qua thời “khát khao” sách, khi trưởng thành và có công việc ổn định, anh quyết tâm học hỏi các mô hình hay, nhằm trao tặng sách đi muôn nơi. Huyện Thanh Chương (Nghệ An) quê anh cũng chính là nơi có “Ngôi nhà trí tuệ” đầu tiên của cả nước.
Anh Tuấn, cũng như nhiều người khởi xướng các dự án thiện nguyện đưa sách đến mọi vùng, miền, đều mang trong mình tình yêu sách và mong muốn thắp sáng tình yêu đó tới nhiều trẻ em và gia đình ở mọi miền Tổ quốc.
Lễ trao tặng thư viện và khai trương "Ngôi nhà trí tuệ" ở Lâm Đồng. Ảnh: NVCC. |
Trao tặng hơn 12.000 tủ sách và thư viện
“Tủ sách nhân ái” là dự án được triển khai 5 năm nay. Đây là chương trình tập trung xây dựng chuỗi các mô hình tủ sách và thư viện trong trường học, cũng như khắp các cộng đồng dân cư, nhằm kiến tạo hệ sinh thái đọc sách trong cộng đồng, góp phần bồi đắp trí tuệ và lòng nhân ái cho mọi lứa tuổi.
Tại đây, các “chuyến xe sách” được gửi đi đều được thành viên trong nhóm tuyển chọn kỹ với sự tư vấn hỗ trợ của thầy, cô, nhà xuất bản. Sách được trao tặng đến từ các nhà xuất bản và công ty sách như Nhà xuất bản Trẻ, Kim Đồng, Phụ nữ Việt Nam, First News, Alpha Books, Nhã Nam, Đinh Tị…
Anh Trần Thanh Hoài - đồng sáng lập dự án - cho biết từ đầu tháng 6 tới nay, trong bối cảnh dịch bệnh, học sinh gặp nhiều khó khăn. “Tủ sách nhân ái” đã tổ chức các hoạt động đọc sách cộng đồng trên ứng dụng zoom.
Trong đó, các hoạt động tích cực được chú trọng có thể kể đến cuộc thi “Vui đọc sách - Sợ gì giãn cách” (với thử thách đọc sách 21 ngày) dành cho học sinh các cấp, chương trình “Kể chuyện cùng những vì sao” dành cho các bé từ 3-8 tuổi...
“Thông qua các hoạt động này, chúng tôi không chỉ mong muốn tạo dựng và duy trì thói quen đọc sách, mà còn hướng tới việc tạo sân chơi chung cho cả phụ huynh và con trẻ, để mọi người cùng nhau đọc sách, biến khoảng thời gian phải ở nhà mùa dịch thành hoạt động vui vẻ và bổ ích”, đại diện dự án “Tủ sách nhân ái” bày tỏ.
Tính đến giữa năm nay, “Tủ sách nhân ái” đã trao tặng được hơn 12.000 tủ sách ở 60 tỉnh, thành trên cả nước với hơn 700.000 cuốn sách, đem lại cơ hội đọc sách chất lượng cho hàng triệu người. Con số này cũng góp phần không nhỏ thúc đẩy doanh số ngành xuất bản.
Với những nỗ lực đó, dự án đã nhận được hai giải thưởng lớn: Giải “Imap Choice” vinh danh Doanh nghiệp tạo tác động xã hội trong lĩnh vực giáo dục của năm 2020 và giải Phát triển Văn hóa đọc năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Khuyến học thông qua khuyến đọc
Đồng hành với “Tủ sách nhân ái”, dự án “Ngôi nhà trí tuệ” cũng được triển khai từ gần 4 năm nay, do anh Nguyễn Anh Tuấn sáng lập. Đây là mô hình hoạt động nhân ái trong lĩnh vực giáo dục, tập trung xây dựng, phát triển những cộng đồng học tập suốt đời hoàn toàn miễn phí.
Một trong những mục tiêu chính trong “Ngôi nhà trí tuệ” là xây dựng nên những thư viện miễn phí với hàng nghìn cuốn sách hay, đủ thể loại phục vụ học sinh và người dân địa phương.
Sách được trao tặng thuộc nhiều lĩnh vực: Khoa học, nghệ thuật, lịch sử, văn học, thiên văn, địa lý, sách ngoại ngữ, song ngữ, sách truyền cảm hứng, kỹ năng sống, sách STEM…
Không con đường nào có mức giá rẻ nhất nhưng lại tác động đến nhận thức của con người nhanh nhất ngoài sách.
Anh Nguyễn Anh Tuấn
Anh Nguyễn Anh Tuấn - người sáng lập mô hình - cho biết: “Chúng tôi cân nhắc đem sách đến từng khu vực tùy vào ‘sức hấp thụ’ sách của vùng đó. Đến nay, dự án đã có mặt tại 19 địa phương của Việt Nam, một cơ sở ở Malaysia và chuẩn bị ra đời thêm một Ngôi nhà trí tuệ ở New Zealand”.
Để thực hiện được dự án này, ban đầu, anh Nguyễn Anh Tuấn đã tự bỏ kinh phí. Sau khi dự án được nhiều người biết đến, các nhà xuất bản và công ty phát hành sách đã hỗ trợ bằng cách chiết khấu giá sách cho dự án thiện nguyện này.
Theo anh Tuấn, muốn thay đổi giáo dục, không có con đường nào có mức giá rẻ nhất nhưng lại tác động đến nhận thức của con người nhanh nhất ngoài sách.
Tiêu chí của dự án này là thực hiện khuyến học thông qua khuyến đọc. Không chỉ trao tặng những thư viện, tủ sách, “Ngôi nhà trí tuệ” còn kêu gọi mọi người tặng sách cho nhau mỗi khi có dịp, vì “tặng sách có chi phí nhỏ, nhưng lại tạo ra thặng dư giá trị về tri thức, kỹ năng và phẩm hạnh lớn”.
“Mong ước của chúng tôi là chính những người được giúp đỡ hôm nay sẽ thành công và hạnh phúc ngày mai, rồi họ sẽ quay trở lại giúp đỡ những người khác tốt hơn những gì chúng tôi đang làm. Đó là chu trình đáp đền tiếp nối liên thế hệ tạo nên sức mạnh cho cộng đồng”, anh Tuấn nói thêm.
Anh Nguyễn Quang Thạch, chủ dự án "Sách hóa nông thôn". Ảnh: Quang Đức. |
Các tủ sách đi từ vĩ mô đến quy mô
Từ hơn 10 năm về trước, anh Nguyễn Quang Thạch - người đàn ông hiện được giới xuất bản và cộng đồng mạng gọi với cái tên “người cõng sách về làng” - đã đi bộ xuyên Việt để kêu gọi mọi người đọc sách và chung tay mở ra những mô hình tủ sách công cộng.
Sau một thập kỷ nghiên cứu mô hình và nhiều năm đi vào thực thi, dự án “Sách hóa nông thôn” của anh Thạch đã được chú ý. Hiện nay, dự án nhân rộng được các mô hình như: Tủ sách lớp học, Tủ sách dòng họ, Tủ sách gia đình chiến sĩ, đưa anh trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Vua Sejong về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016.
“Mục tiêu chính của chúng tôi là có một cuộc cách mạng thư viện, hướng người dân tự lực, tự cường trong việc xây dựng tủ sách và lan tỏa văn hóa đọc”, anh Thạch nói.
Chúng tôi chỉ tác động 10% ngay từ bước đầu để người dân hiểu được tầm quan trọng của tủ sách, còn lại là sự nỗ lực của cộng đồng.
Anh Nguyễn Quang Thạch
Người “cõng sách về làng” cũng chia sẻ rằng đến nay, mô hình tự lực từ dự án của anh có quy mô lớn nhất ở huyện Thái Thụy (Thái Bình). Cụ thể, trong năm 2011, từ 200 tủ sách ban đầu được tặng từ “Sách hóa nông thôn”, nơi đây đã nhân rộng lên hơn 1.000 tủ sách. Hay như ở tỉnh Nam Định, mô hình này cũng được nhân rộng lên tới 12.000 tủ sách.
“Chúng tôi chỉ tác động 10% ngay từ bước đầu để người dân hiểu được tầm quan trọng của tủ sách, còn lại là sự nỗ lực của cộng đồng. Điều tuyệt vời nhất là 30.000 trẻ ở Thái Bình đã góp được gần 3 tỷ từ tiền mừng tuổi để mua sách cho các lớp học”, anh Thạch vui mừng cho hay.
Theo anh Thạch, mô hình “Sách hóa nông thôn” hướng tới sự tự lực của người dân. Việc gia đình hay nhà trường tự mua sách cho con em mình rất đơn giản, nhưng tự quyên góp tiền làm tủ sách cho cộng đồng mới là vấn đề đáng bàn.
Việc huy động tài chính của người dân xuất phát từ biện pháp “tác động có điều kiện” bởi ngay từ ban đầu, anh Thạch là người tự bỏ kinh phí để “cõng sách về làng”.
Sau đó, khi dự án được biết đến, nhiều người đã chung tay quyên góp “một số tiền không lớn nhưng lại tạo ra tác động không nhỏ cho phong trào đọc sách của cả nước”.