Nhiều ấn phẩm có nội dung hướng đến phụ nữ được đẩy mạnh xuất bản. Ảnh: Thanh Trần. |
Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, ngành xuất bản hiện nay có lượng lao động nữ đông, chiếm tới 70% trong cả khu vực các nhà xuất bản nhà nước và các công ty sách tư nhân.
Nhận thấy vị trí quan trọng của phụ nữ trong quá trình phát triển của ngành xuất bản, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam nói riêng và ngành xuất bản nói chung đã có nhiều đường hướng tôn vinh phụ nữ, nhất là thông qua việc xuất bản nhiều ấn phẩm về phụ nữ, về nữ quyền.
Tôn vinh phụ nữ, đề cao bình đẳng giới
Đúng như cái tên của đơn vị, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam luôn chú trọng tôn vinh người phụ nữ Việt. Là một đơn vị thuộc Hội Xuất bản Việt Nam, nhà xuất bản này đã có nhiều đóng góp thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao nhận thức về giới trong xã hội - một đề tài đang được nhiều quốc gia phát triển quan tâm.
Trải qua hơn 65 phát triển, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã xuất bản hơn 20.000 đầu sách. Nhiều ấn phẩm của đơn vị này đã được ghi nhận tại Giải thưởng Sách Quốc gia: Một Điểm tinh hoa (Toàn tập thơ văn Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm), Giải B, năm 2019; Được học, Giải C năm 2020; Cô bé nhìn mưa, Giải B năm 2022.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Việt Linh. |
Đơn vị cũng liên tục thiết lập các tủ sách ở đa dạng đề tài như Nữ công gia chánh; Chăm sóc sức khỏe; Kinh tế - Khởi nghiệp; Mang thai - Sinh nở; Nuôi dạy con - Giáo dục gia đình; Giáo dục giới tính...
Một trong những dự án nổi bật thời gian gần đây là Tủ sách Phụ nữ tùng thư (Giới và Phát triển). Đây là tủ sách tập hợp các công trình về vấn đề phụ nữ, được giới thiệu là hướng tới giúp bạn đọc có được cái nhìn toàn diện và có hệ thống về các vấn đề Giới và Phát triển, vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam và thế giới; về vai trò và đóng góp của phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay trên mọi phương diện chính trị - văn hóa - xã hội - kinh tế…; góp phần xây dựng xã hội Việt Nam phát triển hài hòa, bền vững.
Đại diện đơn vị xuất bản cho rằng Phụ nữ tùng thư là tủ sách góp phần mang lại diện mạo mới cho Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam trong thời gian gần đây.
Thừa nhận các cuốn sách nghiên cứu học thuật trong tủ sách này không dễ đọc, bà Khúc Thị Hoa Phượng vẫn muốn tìm cách đưa kiến thức hàn lâm về giới đến gần với đại chúng, đặc biệt là giới trẻ.
"Để giúp các ấn phẩm tiếp cận được đông đảo công chúng, chúng tôi nỗ lực quảng bá qua các diễn đàn trao đổi nội dung học thuật trong sách, các buổi truyền thông online giới thiệu sách trên kênh fanpage của nhà xuất bản và đã đạt được các thành công bước đầu đáng trân trọng", bà chia sẻ.
Nỗ lực của đội ngũ nhà xuất bản đã được đến đáp khi các buổi tọa đàm về sách thường nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là của giới trẻ. Điều này phần nào phản ánh mức độ quan tâm của giới trẻ hiện đại với vấn đề giới.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng nói: "Các buổi giới thiệu sách diễn ra sôi nổi, nội dung tranh luận giàu tính học thuật. Nhiều bạn trẻ đã chủ động giao lưu đặt câu hỏi chuyên sâu, câu hỏi phản biện".
Sau một thời gian triển khai tủ sách Phụ nữ tùng thư và nhận được những phản hồi tích cực, đội ngũ Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam thêm vững tin rằng tủ sách này có khả năng tác động sâu sắc tới nhận thức của thanh niên, thu hút bạn trẻ tìm đọc các sách về nữ quyền và triết học về giới.
Bà Hoa Phượng khẳng định tủ sách có đóng góp nhất định cho công tác nghiên cứu và phổ biến các kiến thức về giới/bình đẳng giới ở Việt Nam đồng thời là căn cứ tham khảo quan trọng trong quá trình tác động chính sách liên quan đến các vấn đề về giới.
Đạm Phương nữ sử - Vấn đề phụ nữ ở nước ta là một công trình dày dặn mới ra mắt thuộc tủ sách Phụ nữ tùng thư. |
Lan tỏa sâu rộng, thu hẹp khoảng cách
Tận dụng những phát triển công nghệ trong thời đại kỹ thuật số, các ấn phẩm của đơn vị được đẩy mạnh quảng bá trên mạng xã hội, tiếp cận hàng nghìn người dùng Internet. Phương thức quảng bá trên không gian mạng này đặc biệt hiệu quả với đối tượng độc giả trẻ - những người thường xuyên tương tác trên mạng xã hội.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng cho biết các bạn trẻ rất đón nhận và luôn chủ động tìm mua, đọc sách trước các buổi giao lưu để có thể đặt câu hỏi và bàn luận với các diễn giả. Sách thuộc Phụ nữ tùng thư được các bạn yêu thích và chia sẻ khá nhiều trên các nền tảng mạng xã hội, tạo được hiệu ứng truyền thông tự nhiên.
"Nhiều cuốn sách được nối bản, tái bản trong thời gian ngắn, được nhiều bạn đọc chờ đón và tôi nghĩ đã có một trào lưu đọc Phụ nữ tùng thư được hình thành", bà Hoa Phượng chia sẻ.
Để lan tỏa các ấn phẩm giá trị tới rộng rãi bạn đọc hơn nữa, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phê duyệt cho Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam triển khai Đề án Trung tâm Tri thức số và giáo dục giới dành cho phụ nữ, gia đình, trẻ em (2022-2025): Số hóa hàng nghìn tài liệu, sách, các giáo trình, bài giảng… phục vụ việc tiếp cận tri thức tốt nhất cho bạn đọc, nhất là các đối tượng bạn đọc ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và bạn đọc ở nước ngoài, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch trong việc tiếp cận tri thức của phụ nữ và trẻ em gái ở các vùng miền còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng thường xuyên tổ chức các chương trình hướng dẫn đọc sách trong gia đình, nhà trường... trực tiếp mang sách đến tặng tại những vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với sách.
Theo đơn vị thống kê, trong giai đoạn 2017-2022, Chương trình Khuyến đọc và Quỹ sách của Nhà xuất bản đã tặng 13,85 triệu cuốn, tương đương với số tiền 1,18 tỷ đồng.
"Đây là hoạt động góp phần phát triển văn hóa đọc của Nhà xuất bản nhưng cũng đồng thời là cách làm mới trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, trong công tác xã hội, từ thiện", đại diện đơn vị nhận định.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.