Hôm 20/12, Sina đưa tin Vi Á - "nữ hoàng livestream" của Trung Quốc - nhận án phạt cấm hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội sau khi bị kết tội trốn thuế.
Cô bị Cục thuế Hàng Châu kết tội trốn và nộp thiếu 110 triệu USD tiền thuế. Trên Weibo, Vi Á cho biết cô cảm thấy "vô cùng tội lỗi" và sẽ nộp đầy đủ số tiền phạt 210 triệu USD trong thời gian quy định.
Theo Bloomberg, giá cổ phiếu của các công ty cung cấp dịch vụ livestream (truyền phát trực tiếp) của Trung Quốc lao dốc mạnh. Cổ phiếu của Bilibili Inc., Alibaba Group Holding Ltd. và Joyy Inc. giảm giá lần lượt 11,6%, 5,8% và 4,7%.
Vi Á là một trong những tên tuổi nổi bật nhất của ngành công nghiệp livestream Trung Quốc. Doanh thu bán hàng của cô trong năm 2020 lên tới 31 tỷ NDT. Ảnh: Bloomberg. |
Ngành công nghiệp tỷ USD
Khoản tiền mà Vi Á phải nộp là mức phạt kỷ lục đối với những người livestream trên các sàn thương mại điện tử ở Trung Quốc. Họ là những người đã thuyết phục người tiêu dùng chi hàng triệu USD cho các mặt hàng như mỹ phẩm, đồ gia dụng và quần áo.
Những người như Vi Á đã giúp thúc đẩy lượt truy cập và đẩy mạnh tiêu dùng.
Hãng thông tấn của nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã nhận định các cơ quan quản lý của Trung Quốc cần "tăng cường phối hợp và nỗ lực để trấn chỉnh ngành công nghiệp livestream và ngăn chặn hành vi trốn thuế".
Theo báo cáo, sau khi phân tích dữ liệu, Cục thuế Hàng Châu nghi ngờ Vi Á trốn thuế. Tình hình vẫn không được cải thiện sau nhiều lần cơ quản này nhắc nhở.
Bắc Kinh đã chuyển sự chú ý sang lĩnh vực bán hàng qua livestream. Ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây và gần như không được kiểm soát bởi các quy định
Hãng tin Bloomberg
Theo Bloomberg, Bắc Kinh đã chuyển sự chú ý sang lĩnh vực bán hàng qua livestream. Ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây và gần như không được kiểm soát bởi các quy định.
Tại Trung Quốc, vô số người đã lao vào ngành công nghiệp bán hàng qua livestream trị giá hàng tỷ USD.
Nhưng giờ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đẩy mạnh chiến lược "thịnh vượng chung", tức những người giàu trả lại một phần của cải cho xã hội.
Trong một cuộc họp hồi giữa tháng 8, Chủ tịch Tập đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc mang đến "của cải vừa phải" cho tất cả người dân, hay còn gọi là "thịnh vượng chung".
Ông Tập kêu gọi "điều chỉnh hợp lý đối với thu nhập quá mức, khuyến khích các nhóm và doanh nghiệp thu nhập cao đóng góp trở lại cho xã hội nhiều hơn", theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Những tháng qua, "thịnh vượng chung" đã trở thành một chủ đề thường gặp trong các cuộc thảo luận của giới chức Trung Quốc. Thuật ngữ này được hiểu là "sự giàu có vừa phải dành cho tất cả, thay vì chỉ một số ít người".
Thắt chặt kiểm soát
Trong năm qua, Bắc Kinh đã siết chặt kiểm soát đối với hàng loạt lĩnh vực, từ fintech (công nghệ tài chính), bất động sản cho đến giáo dục trực tuyến. Cuộc trấn áp của chính quyền Trung Quốc khiến giá trị vốn hóa thị trường của các gã khổng lồ Internet Trung Quốc bốc hơi hàng tỷ USD.
Năm nay, cơ quan kiểm duyệt Internet của Trung Quốc cũng gỡ bỏ hoặc đình chỉ hơn 20.000 tài khoản mạng xã hội của các influencer (người ảnh hưởng) nhằm kiểm soát những nội dung trực tuyến.
Mức phạt kỷ lục đối với "nữ hoàng livestream" có thể là lời cảnh báo cho các thương hiệu và doanh nhân. Trong những năm qua, họ đã dựa vào hình thức livestream để thúc đẩy doanh số bán hàng.
Hồi tháng 9, cơ quan thuế của Trung Quốc đã công bố các quy định chặt chẽ hơn đối với những người livestream và người nổi tiếng. Tháng trước, 2 người bán hàng đã bị phạt 15 triệu USD vì trốn thuế.
Ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây và gần như không được kiểm soát bởi các quy định. Ảnh: Reuters. |
Livestream là hình thức bán hàng bắt đầu nổi lên ở Trung Quốc và ngày càng phổ biến trong thời kỳ đại dịch. Theo công ty nghiên cứu iiMedia, doanh thu từ bán hàng thông qua livestream dự kiến đạt 1.200 tỷ NDT trong năm nay. Hồi năm 2017, con số chỉ vỏn vẹn 19 tỷ NDT.
Bán hàng qua livestream kết hợp giữa giải trí và thương mại điện tử. Trong các buổi livestream bán hàng, người bán giới thiệu những mặt hàng mới nhất từ son môi đến bột giặt. Nhiều người bán tặng người theo dõi phiếu giảm giá hoặc ưu đãi trong chính buổi livestream. Còn người xem có thể nhấp để gửi quà ảo cho các ngôi sao yêu thích.
Theo hãng truyền thông công nghệ 36kr.com, Vi Á đạt tổng doanh thu 31 tỷ NDT vào năm 2020, mức cao nhất trong số những người bán hàng qua livestream ở Trung Quốc.
Mức phạt đối với Vi Á thậm chí còn lớn hơn khoản tiền mà Phạm Băng Băng - "nữ hoàng giải trí" của Trung Quốc - phải nộp hồi năm 2018. Rắc rối của Phạm Băng Băng là khởi đầu cho chiến dịch kiểm soát ngành công nghiệp giải trí của chính quyền Bắc Kinh.
"Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không có khái niệm 'siêu sao', giàu có' hay 'quyền lực'. Không ai có thể coi thường pháp luật và trông đợi vào sự may mắn", Tân Hoa Xã bình luận.