Việc này phần nào mang lại sự chuyển biến giao thông nhất định. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý cho việc xử phạt này chưa đầy đủ, nhiều trường hợp không thể xác định được người có hành vi vi phạm nên dẫn đến việc không thể xử phạt theo quy định, cũng như việc nhận định mang tính chất chủ quan (không có cơ sở pháp lý) của cảnh sát giao thông đã gây ra nhiều phiền toái cho chủ phương tiện cũng như người điều khiển giao thông, thậm chí có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của họ.
Theo quy định pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm hành chính, cảnh sát giao thông chỉ xử phạt người vi phạm giao thông. Theo tôi, cơ quan cảnh sát không có cơ sở để giữ giấy tờ phương tiện hay dùng biện pháp khác ép chủ phương tiện phải nộp phạt thay cho người vi phạm giao thông.
Cảnh sát giao thông theo dõi người tham gia giao thông qua camera. |
Thật vậy, theo quy định pháp luật thì chủ phương tiện không có nghĩa vụ phải nộp phạt thay cho người vi phạm, thậm chí chủ phương tiện còn không có nghĩa vụ phối hợp với cảnh sát giao thông để xác định người có hành vi vi phạm giao thông (trước đây theo nghị định 34/2010/NĐ-CP có quy định nghĩa vụ này nhưng nghị định 171/2013/NĐ-CP thay thế lại không quy định nghĩa vụ này đối với chủ phương tiện).
Luật đã quy định nghĩa vụ này thuộc về cảnh sát giao thông, tại điểm đ khoản 1 điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính đã quy định: “Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính”. Từ các quy định này cho thấy việc ép chủ phương tiện nộp phạt là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý.
Tại điểm b khoản 1 điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính đã quy định: “Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật”, theo nguyên tắc này thì việc chậm gửi thông báo vi phạm giao thông đến chủ phương tiện là không đúng.
Do vậy, việc gửi thông báo có vi phạm nhiều lỗi trong thời gian dài mà xử phạt nhiều lỗi đối với người có hành vi vi phạm giao thông là chưa thực hiện đúng nguyên tắc cơ bản này của luật, cũng như không đạt được ý nghĩa của việc xử phạt vi phạm hành chính là phòng ngừa và răn đe người có hành vi vi phạm hành chính tiếp tục tái phạm.
Từ phân tích trên cho thấy việc xử phạt nguội vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông là chưa ổn về mặt pháp lý, thiết nghĩ Chính phủ cần sớm ban hành quy định điều chỉnh riêng về lĩnh vực này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cảnh sát giao thông tiến hành phạt nguội đúng quy định và bảo vệ được quyền, nghĩa vụ của chủ phương tiện và của người không có hành vi vi phạm hành chính.
Không ít trường hợp cảnh sát giao thông chậm thông báo lỗi vi phạm đến chủ phương tiện, thậm chí có chủ phương tiện phản ảnh khi nhận được thông báo vi phạm của cảnh sát giao thông gần cả năm sau khi vi phạm xảy ra và nhận được danh sách lên đến vài chục lỗi. Điều này gây ra nguy cơ phải nộp phạt một khoản tiền rất lớn.
Rắc rối lớn nhất là chủ phương tiện không phải là người có hành vi vi phạm các quy định về giao thông hay chủ phương tiện đã bán phương tiện (có công chứng xác nhận) nhưng chủ mua mới không tiến hành sang tên phương tiện.
Trong trường hợp không xác định được người có hành vi vi phạm giao thông như phương tiện cho thuê, mượn hay người lái xe nghỉ việc thì chủ phương tiện sẽ là người “lãnh đủ”.
Nếu chủ phương tiện không nộp phạt thay thì có thể không được đăng kiểm xe hay bị tạm giữ các giấy tờ liên quan đến phương tiện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của chủ sở hữu phương tiện.