Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xử lý thế nào với video của giang hồ mạng trên YouTube?

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết chúng ta đã có công cụ để phát hiện và ngày càng hoàn thiện. Việc xử lý sẽ cần sự chung tay của nhiều cơ quan chức năng.

Sáng 8/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn trả lời chất vấn.

Trả lời ý kiến ĐB Mong Văn Tình (Nghệ An) về tình trạng sản xuất phim đăng YouTube kiếm tiền nhưng nội dung thiên về giang hồ mạng, bạo lực, có tác động xấu đến xã hội, giới trẻ, ông Hùng thừa nhận có việc này.

xu ly noi dung bao luc Youtube anh 1
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc quản lý nội dung trên không gian mạng cần có sự tham gia của nhiều bộ, ban ngành.

“Các video này, bạo lực có, cờ bạc có. Công cụ phát hiện, cơ bản chúng ta có và càng ngày càng hoàn thiện. Các bộ, các ngành, địa phương chung tay. Cờ bạc thì Bộ Thông tin và Truyền thông nhận phát hiện là hạ xuống”, ông Hùng cho hay. Còn về những nội dung không đúng thuần phong, mỹ tục Việt Nam, Bộ trưởng Thông tin cho rằng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng cần phối hợp, vào cuộc.

Nội dung ảnh hưởng đến trẻ em, thì những cơ quan liên quan cũng phải vào cuộc. “Chúng ta phải chung tay, chuyển tất cả lên không gian mạng, sống ở trên đấy, quản lý, dọn dẹp ở trên đấy”, tư lệnh ngành Thông tin ví von.

Trước đó, chủ đề giang hồ, bạo lực bị nhiều YouTuber tại Việt Nam lợi dụng, ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ. Trong đó, những cái tên như Khá Bảnh, Phúc XO, Huấn Hoa Hồng… thường xuyên đăng tải hình ảnh đánh nhau, sử dụng chất kích thích, cờ bạc... lên trang YouTube.

Những video này phản cảm, tục tĩu gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý người xem, đa phần là những người chưa đủ tuổi vị thành niên, học sinh… Đáng nói là những video có cách sản xuất đơn giản, nội dung phản cảm này lại đem về nhiều lượt xem. Hiện YouTube vẫn không có động thái đủ mạnh để xóa bỏ hoàn toàn những nội dung này ra khỏi nền tảng.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, thị trường quảng cáo online tại Việt Nam trị giá khoảng 400 triệu USD. Hơn 70% doanh thu này đổ vào túi của Facebook và Google (khoảng 280 triệu USD).Trong đó, Google thu về khoảng 150 triệu USD/năm từ dòng tiền quảng cáo tại Việt Nam nhưng không có bất cứ một đại diện hợp pháp nào.

“Lúc có việc, chúng tôi không biết liên hệ với ai. Làm việc qua thư điện tử có nhiều điểm bất tiện, lúc được lúc không”, lãnh đạo Cục PTTH & TTĐT cho biết.

Do đó, việc yêu cầu YouTube mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam là điều cần thiết, trước hết là chăm sóc khách hàng, sau là làm việc với cơ quan quản lý khi có yêu cầu.Bộ cũng sẽ yêu cầu YouTube định danh các kênh YouTube tiếng Việt, chỉ xem xét chia sẻ tiền quảng cáo với những kênh đã được định danh và cam kết không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước và cơ quan chức năng để quản lý dòng tiền quảng cáo trên YouTube và Google, thậm chí chặn dòng tiền nếu Google không hợp tác.Bộ cũng yêu cầu YouTube bỏ tính năng suggest đối với các kênh mà Bộ đã thông báo vi phạm, bổ sung cơ chế không cho người dùng đăng lại clip vi phạm đã bị gỡ bỏ trước đây và tiếp tục phối hợp với Bộ để ngăn chặn, gỡ bỏ clip, kênh vi phạm.


Khoa Pug đã sửa video về nữ phục vụ Nhật nhưng không xin lỗi

Ngày 7/11, YouTuber Khoa Pug đã sửa video dựng chuyện nữ phục vụ Nhật quỳ khóc, cầu xin. Tuy vậy, YouTuber này không giải thích lý do hay xin lỗi.

Trọng Hưng

Bạn có thể quan tâm