Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xử lý thế nào với người trực tiếp gây ra vụ rơi bó thép?

Hành vi của người trực tiếp điều khiển và người chỉ đạo cẩu có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người.

Liên quan đến vụ tai nạn rơi thanh thép tại công trường dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát linh - Hà Đông gây chết người, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) nêu quan điểm về việc xử lý vụ việc dưới góc độ pháp luật.

Bó thép đã rơi trúng người đi đường như thế nào?

Lái cẩu nâng bó thép 8 thanh với tổng khối lượng 1,1 tấn cao quá mức dẫn đến va chạm. Ba thanh trong số đó rơi xuống khiến một người tử vong, hai người bị thương.

Nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn được xác định do trong quá trình thi công, người điều khiển cẩu khi đưa thanh sắt nâng cao quá mức dẫn đến va chạm. Hậu quả bị đứt cáp buộc, thanh sắt rơi xuống khiến 1 người đi đường tử vong, 2 người bị thương.

Luật sư Thơm cho rằng, hành vi của người lái xe cẩu là không thực hiện đúng quy định về an toàn lao động trong thi công công trình, đã để cẩu vật liệu đi qua đường trong khi người dân đang tham gia giao thông bên dưới.

Tương tự, hành vi của người hướng dẫn chỉ đạo điều khiển máy cẩu (tức hoa tiêu) cũng không có biện pháp ngăn chặn người và phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm khi đang cẩu vật liệu phía trên.

Hậu quả của hành vi trên đã gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của người đi đường. 

Hiện trường vụ tai nạn gây chết người. Ảnh: Hoàn Nguyễn.

Do đó, theo luật sư, người trực tiếp điều khiển cẩu và hướng dẫn chỉ đạo cẩu vật liệu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hành vi đó có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. 

Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 227 BLHS. Như vậy, người trực tiếp gây ra vụ tai nạn trên có thể phải đối diện mức án cao nhất là 12 năm tù.

Trước đó, vào sáng 6/11, nhiều người dân lưu thông trên tuyến Nguyễn Trãi hướng về cầu Trắng (Hà Đông) tới trước hệ thống cốt pha công trình nhà ga Thanh Xuân III (trước cổng Viện Y học cổ truyền) hốt hoảng khi chứng kiến bó thép rơi từ trên xuống trúng 5 người khiến 1 người tử vong, 2 người khác bị thương. 

Ông Cấn Hồng Lai (Tổng giám đốc Công ty xây dựng công trình giao thông 1 - Cienco 1) cho hay nguyên nhân được xác định là do tổ thi công làm ẩu. Cụ thể lái cẩu nâng cao quá mức dẫn đến va chạm.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện yêu cầu Công an Hà Nội điều tra, xác minh nguyên nhân vụ việc, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có trách nhiệm để xảy ra vụ việc.

Điều 227. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người

1.Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3.Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.

4.Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

5.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Đỗ Mến

Bạn có thể quan tâm