Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xử lý tham nhũng vẫn còn 'hy sinh đời bố củng cố đời con'

Chiều 28/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến toàn diện để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Sau một buổi làm việc, dành thời gian nghiên cứu các báo cáo của các cơ quan tư pháp Trung ương và báo cáo về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015, chiều 28/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến toàn diện để nâng cao hiệu quả phòng, ngừa, xử lý vi phạm pháp luật và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thực trạng tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm, đặc biệt là tội phạm giết người; vấn nạn tham nhũng là những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý của các đại biểu Quốc hội trong buổi thảo luận chiều nay. 

Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn, quan ngại và đóng góp các ý kiến mạnh mẽ, đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp trung ương cần khẩn trương có những biện pháp toàn diện, đồng bộ để khắc phục.

Củng cố bộ máy cơ quan phòng, chống tham nhũng

Nhiều ý kiến bày tỏ chưa hài lòng với hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng mà chủ yếu dựa vào những nguồn thông tin từ các cơ quan báo chí và các nguồn khác. 

Các đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các ban,ngành liên quan cần tập trung triển khai, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, Nhà nước, nêu cao tính tiên phong gương mẫu của Đảng viên, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, cơ quan để xảy ra tham nhũng.

Theo Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), hầu hết lĩnh vực đều có tham nhũng, người không tham nhũng bị người tham nhũng cô lập, tham nhũng xuất hiện cả trong việc thực thi chính sách cho hộ nghèo, chế độ chính sách với người có công. 

Tham nhũng vặt và hối lộ công diễn ra phổ biến và nghiêm trọng. Hối lộ xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo bổ sung làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo bổ sung làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội.

“Cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan đơn vị mình. Quốc hội cần đẩy mạnh chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu mua sắm đầu tư công, nhất là điều động khen thưởng cán bộ, đồng thời làm sạch bộ máy công quyền kiểm toán, thanh tra”, đại biểu Phương đề nghị.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) thẳng thắn cho rằng, việc phát hiện xử lý tham nhũng chưa tương ứng với tình hình và mong đợi dư luận xã hội, việc xử lý tham nhũng rất chậm. 

Mức độ thiệt hại do tham nhũng gây ra hơn 900 tỷ đồng, gần 10.000 m2 đất nhưng việc thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt hơn 55%. Tài sản tham nhũng thu hồi thấp, khiến cử tri cho rằng, đó chính là tình trạng "hy sinh đời bố củng cố đời con".

Đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị Quốc hội xem xét, ra Nghị quyết quy định không cho đối tượng phạm tội tham nhũng được hưởng án treo nếu tài sản vi phạm pháp luật thu hồi chưa đạt 100%; cần quy định tội phạm tham nhũng chỉ được xét đặc xá tha tù trước thời hạn khi đạt 80% thu hồi tài sản vi phạm pháp luật.

Tha thiết hơn, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) khẳng định, tình trạng tham nhũng lãng phí đe dọa sự tồn vong của chế độ. Cử tri đang đặt câu hỏi vì sao không ngăn chặn, phòng, ngừa được tham nhũng, nhân dân cần sự vào cuộc đồng bộ, toàn diện của các cấp, các ngành và mong muốn tham nhũng được ngăn chặn và đẩy lùi.

Đại biểu từ đoàn Phú Yên chỉ rõ, kết quả điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm tham nhũng năm 2015 giảm so với 2014, trong khi tình hình tham nhũng lãng phí tiếp tục xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nơi đang gây bất bình trong nhân dân.

"Có loại tội phạm giảm thì được nhân dân biểu dương đồng tình. Nhưng tội phạm tham nhũng giảm trong khi tham nhũng đang còn nghiêm trọng là lỗi của các cơ quan phòng chống tham nhũng. Đây là điều có lỗi với nhân dân, với cử tri”, đại biểu Nguyễn Thái Học nói.

Cũng phát biểu về nội dung này, Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đưa nhận xét thời gian qua, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng các cấp là rất tích cực. 

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng, tình trạng lợi ích nhóm vẫn diễn ra rất phức tạp, chưa có chuyển biến. Hiệu quả của lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn chưa thực sự đạt yêu cầu đề ra. Đại biểu đề nghị cần đánh giá lại vấn đề này; đồng thời tăng cường, củng cố cơ quan phòng chống tham nhũng để đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Tội phạm giết người diễn biến nghiêm trọng

Kết quả công tác đấu tranh phòng ngừa vi phạm pháp luật, phòng chống tội phạm, công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm, góp ý của nhiều đại biểu Quốc hội tại buổi thảo luận chiều nay; đặc biệt là tội phạm xâm phạm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Cơ bản tán thành báo cáo của Chính phủ, song Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, tình hình vi phạm pháp luật về an ninh trật tự diễn ra khá phổ biến, phức tạp, đây là vấn đề rất đáng lo ngại, chứa đựng nhiều yếu tố gây mất ổn định xã hội.

Đại biểu Sinh đặt câu hỏi vấn đề đặt ra là tại sao tình hình phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật chưa đạt hiệu quả cao. Liệu có sự tiếp tay, thông đồng của lực lượng chuyên trách trong phòng chống tội phạm hay không?

Đặc biệt quan ngại trước tình trạng, thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ giết người, thủ đoạn dã man, tàn ác, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội và là sự thách thức lớn đối với nhà nước, đại biểu Lê Thị Nga (Thanh Hóa) nêu vấn đề: Khám phá nhanh, xử lý nghiêm là việc các cơ quan tư pháp đã làm khá tốt. 

Nhưng chỉ ra nguyên nhân, giải pháp chặn đứng và phòng ngừa tận gốc tội phạm này là việc mà Quốc hội, Chính phủ cần phải vào cuộc mạnh mẽ, nếu chỉ mình cơ quan tư pháp thì không thể làm nổi.

Phân tích một số đặc điểm của loại tội phạm này thời gian qua, đại biểu Nga cho rằng, các vụ giết người vừa qua có những đặc điểm không bình thường so với trước đây. Đó là thủ phạm trẻ, nhiều vị thành niên, là những người bình thường, không phải là băng nhóm xã hội đen. Nhiều vụ bột phát, không có dự mưu nhưng hành động cực kỳ dã man, tàn ác, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng.

Đại biểu đoàn Thanh Hóa kiến nghị Quốc hội cần coi thực trạng này là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, cần đưa vào nội dung Nghị quyết; giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan để có giải pháp chặn đứng và phòng ngừa. Chính phủ cần chỉ đạo ngay các cơ quan có chức năng nghiên cứu tội phạm, nhất là các Trung tâm tội phạm học của ngành Công an sớm nghiên cứu thực trạng trên để có giải pháp khắc phục.

Đề cập đến vụ việc của Huỳnh Văn Nén tại Bình Thuận, đại biểu Nga hoan nghênh Bộ trưởng Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã tiếp thu ý kiến của Quốc hội, chỉ đạo, kiểm tra theo thẩm quyền nên Huỳnh Văn Nén đã được tại ngoại sau 17 năm bị giam giữ. 

"Với những dấu hiệu oan, sai khá rõ mà Đoàn giám sát đã chỉ ra, chúng tôi đề nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát Bình Thuận khẩn trương kết thúc điều tra, nếu không đủ chứng cứ chứng minh Huỳnh Văn Nén phạm tội cần phải sớm đình chỉ và bồi thường, không phụ thuộc vào việc có tìm ra được thủ phạm hay không, theo đúng nguyên tắc suy đoán vô tội và yêu cầu của Nghị quyết 96 ngày 26/6/2015 của Quốc hội", đại biểu Nga đề nghị.

http://www.vietnamplus.vn/xu-ly-tham-nhung-van-con-tinh-trang-hy-sinh-doi-bo-cung-co-doi-con/352092.vnp

Theo VietnamPlus

Bạn có thể quan tâm