Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xử lý ra sao khi hàng xóm xây tường chắn trước cửa?

Luật sư cho rằng nếu ông Vũ không thương lượng được với ông Tài thì có thể khởi kiện ra tòa, yêu cầu tòa án buộc hàng xóm phải nhượng lại lối đi cho mình với mức giá phù hợp.

Gần một tháng qua, ngôi nhà của vợ chồng ông Trương Văn Vũ (35 tuổi) và bà Nguyễn Thị Bích Kiều (38 tuổi, ở xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) bị một bức tường xây chắn ngay cổng ra vào.

Người xây bức tường là ông Nguyễn Tài (hàng xóm nhà ông Vũ). Tường được xây dựng kiên cố với 7 trụ bê tông dài khoảng 15 m, cao 2,5 m. "Trước kia, lối đi nhà ông Vũ là đất của vườn nhà tôi. Khi gia đình tôi yêu cầu Vũ trả lại đường đi, họ không trả và còn xây dựng thêm và lên Facebook dọa nên tôi quyết định xây dựng bức tường", ông Tài nói.

Hành vi xây bức tường chắn lối đi nhà hàng xóm của ông Tài trong tình huống này có sai phạm hay không?

Xây trên phần đất của mình là không sai

Trao đổi với Zing, luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết trong tình huống này, về bản chất, việc ông Tài (chủ đất, người có quyền sử dụng đất hợp pháp) có hành vi xây dựng tường rào trên phần đất đã được cơ quan chức năng cấp là không sai.

Trong vụ việc này, nếu lối đi qua nhà ông Tài không phải là lối đi duy nhất, ông Vũ còn những con đường khác để đi lại thì người này không có quyền yêu cầu chủ sở hữu của bất động sản đó phải nhượng lại lối đi đó cho mình.

Nếu ông Vũ nói xấu ông Tài trên Facebook mà ông Tài cảm thấy bị xức phạm danh dự, nhân phẩm thì có thể khởi kiện ra tòa án yêu cầu giải quyết.

Còn giả sử bức tường rào của ông Tài xây dựng bịt hết lối đi, ông Vũ không còn lối đi nào khác hoặc lối đó không đủ để đi thì ông Vũ có quyền yêu cầu ông Tài nhượng lại lối đi cho mình.

Theo khoản 1 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Đây là quyền cần thiết, quan trọng trong trường hợp một bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản mà không có lối ra.

Do đó trong trường hợp này, nếu căn nhà của ông Vũ không có lối đi ra đường công cộng và phía đi ngang qua phần đất của ông Tài là lối duy nhất, nếu không thể tự thỏa thuận được về giá trị phần lối đi này thì có thể khởi kiện yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết (Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015).

xay tuong chan cua nha hang xom, anh 1

Bức tường được xây dựng kiên cố với 7 trụ bê tông dài khoảng 15 m, cao 2,5 m. Ảnh: Thanh Đức.

Chia sẻ quan điểm, luật sư Cồ Lê Huy (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết chủ sở hữu một bất động sản bị kẹt bên trong không có lối ra được quyền yêu cầu các chủ sở hữu bất động sản liền kề cho mình được sử dụng hoặc mua lại một phần đất để đi vào nhà hoặc làm cống thoát nước, lắp đường dây điện...

Việc chuyển nhượng này có thể thỏa thuận hoặc nhờ tòa án giải quyết. Trong trường hợp bức tường bịt hết lối đi, nếu ông Vũ không thương lượng được thì có thể khởi kiện, yêu cầu tòa án buộc ông Tài phải nhượng lại lối đi cho mình với mức giá phù hợp. Đây là quyền của ông Vũ được pháp luật bảo vệ.

Song, theo luật sư Trần Minh Cường, trên thực tế chưa có những hướng dẫn chi tiết về lối đi hợp lý (diện tích và chiều dài, rộng) và phần đền bù (theo đơn giá Nhà nước hay thị trường) cho nên việc tranh tụng nếu có sẽ kéo dài và tốn thời gian cho các bên.

“Vì tình làng nghĩa xóm và phù hợp các quy định của pháp luật có liên quan, các bên có thể ngồi lại và nhờ các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội tại địa phương (các hội và đoàn thể) đứng ra để hòa giải và giải quyết các tranh chấp này sao cho hợp tình và hợp lý trước khi các bên khởi kiện ra tòa án”, luật sư Cường chia sẻ thêm.

Có thể bị xử phạt nếu xây tường không xin phép

Tuy nhiên, cũng theo các luật sư, việc xây dựng công trình bức tường của ông Tài có thể bị xử phạt hành chính nếu không được sự cho phép của chính quyền.

"Về phần ông Tài khi xây bức tường lên để chặn lối đi vào nhà ông Vũ là chưa hiểu biết pháp luật. Khi xây dựng bức tường đó không rõ ông Tài có xin phép hoặc thông báo với chính quyền địa phương chưa? Nếu không thì rất có khả năng ông Tài sẽ bị phạt về hành vi vi phạm trật tự xây dựng", luật sư Huy nhận định.

xay tuong chan cua nha hang xom, anh 2

Để có lối ra vào nhà, gia đình ông Vũ phải mở một lối đi bên hông nhà. Ông Vũ thừa nhận, bản thân từng lên Facebook nói không tốt về gia đình hàng xóm. Ảnh: Thanh Đức.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng việc xây dựng tường chắn không thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014. Do đó, việc xây dựng của ông Tài phải có giấy phép xây dựng. Nếu ông Tài xây dựng tường rào nhưng chưa xin phép xây dựng thì bị xử phạt hành chính và buộc phải tháo dỡ.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 5 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP thì phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng; đồng thời buộc tháo dỡ công trình.

Vì vậy, trường hợp ông Tài xây dựng tường chắn trước nhà hàng xóm không có giấy phép xây dựng thì bị xử phạt theo quy định nêu trên.

Xây tường chắn trước cửa nhà hàng xóm vì bị đe dọa trên Facebook

Cho rằng bị ông Vũ đe dọa trên Facebook, gia đình ông Tài đã thuê người xây dựng bức tường kiên cố trên phần đất của mình trước mặt tiền nhà hàng xóm.

Hoài Thanh

Bạn có thể quan tâm