Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xử lý dứt điểm từng dự án yếu kém ngành công thương

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án, nhóm dự án nằm trong 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém của ngành công thương.

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo xử lý các yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ thuộc ngành công thương ngày 3/4, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo về hướng xử lý cụ thể với các dự án.

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, theo yêu cầu của Bộ Chính trị và Thủ tướng, thời hạn để hoàn thành việc xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém nói trên không còn nhiều, trong khi khối lượng nhiệm vụ còn lại năm 2020 đều rất khó khăn.

Phó thủ tướng chỉ đạo, với 5 dự án doanh nghiệp không có vốn góp trực tiếp của tập đoàn, tổng công ty 100% vốn Nhà nước (2 dự án của Tổng công ty Thép và 3 dự án nhà máy nhiên liệu sinh học), yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo PVN quyết định việc xử lý vốn Nhà nước tại các dự án này theo thẩm quyền, quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo trước đó của Chính phủ.

Nhóm dự án này bao gồm 3 nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước, Phú Thọ, Quảng Ngãi (thuộc đơn vị thành viên của PVN). Với 2 dự án Thép Việt Trung và Dự án mở rộng giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái nguyên (TISCO 2), SCIC được chỉ đạo thoái vốn của Tổng công ty Thép tại 2 dự án này.

Chot huong xu ly 12 du an yeu kem nganh cong thuong anh 1

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém ngày 3/4. Ảnh: Lê Sơn.

Với 4 dự án thuộc Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo Vinachem trình cấp thẩm quyền xử lý thoái vốn tại dự án DAP-1 Hải phòng.

Đối với 3 dự án còn lại, Phó thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tiếp thu ý kiến đóng góp, chỉ đạo Vinachem hoàn thiện phương án xử lý, phân tích ưu nhược điểm, đánh giá tính khả thi từng giải pháp và báo cáo Ban Chỉ đạo trước ngày 15/4 để họp chuyên đề về phương án xử lý riêng.

“Cần có giải pháp sát thực tiễn trong quá trình xử lý vấn đề này”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng cũng có đề nghị Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) nghiên cứu, tham gia quá trình tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp nêu trên. Đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo và tạo điều kiện để DATC tham gia tái cơ cấu các dự án nhằm giảm thiểu thiệt hại tối đa cho Nhà nước.

Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã có cập nhật tiến độ xử lý, cơ cấu nhóm 12 dự án nói trên.

Theo đó, sau 3 năm xử lý, trong 6 dự án hoạt động thua lỗ trước đây, 2 nhà máy đã có lãi trở lại năm 2018-2019 (DAP-1 Hải phòng, Thép Việt Trung); 4 dự án giảm lỗ (Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP-2 Lào Cai, Công nghiệp tàu thủy Dung Quất DQS). Trong khi đó, 3 dự án dừng sản xuất trước đó đã có 1 dự án vận hành trở lại (Sơ sợi Polyester Đình Vũ PVTex) và 2 dự án Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Bình Phước cũng đã đủ điều kiện vận hành trở lại.

Hiện tại, toàn bộ 12 dự án, doanh nghiệp đều đã được tiến hành thanh tra các cấp, kiểm toán (7/12 dự án), điều tra và khởi tố (4/12 dự án) để làm rõ rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

VinFast lần đầu công bố số liệu tài chính

Trong năm tài chính 2019, nhà sản xuất ôtô VinFast ghi nhận tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) âm 29% với khoản lỗ ròng 5.702 tỷ đồng.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm