Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xử lý dứt điểm nợ xấu có thể mất hàng chục tỷ USD

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay theo kinh nghiệm của nhiều nước, để xử lý nợ xấu dứt điểm và có hiệu quả, có nước phải chi tới 10-15% GDP.

Theo dự thảo sơ bộ của Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra phương án dùng ngân sách Nhà nước để xử lý một phần nợ xấu.

Nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất trên vì phương án này bị cho là không khả thi, gây áp lực rất lớn tới nợ công nước ta nhất là trong bối cảnh ngân sách đang bội chi.

xu ly no xau anh 1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng  cho hay theo kinh nghiệm của nhiều nước, để xử lý nợ xấu dứt điểm và có hiệu quả, có nước phải chi tới 10 – 15% GDP. Ảnh: Khánh An.

Ngày 4/10, trả lời báo chí về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay theo kinh nghiệm của nhiều nước, để xử lý nợ xấu dứt điểm và có hiệu quả thì cần có nguồn lực về tài chính. Có nước phải chi rất nhiều tiền, có thể lên tới 10-15% GDP.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2015, GDP Việt Nam ước đạt khoảng 204 tỷ USD. Còn theo báo cáo mới nhất của Bộ này, tính chung 9 tháng đầu năm nay, GDP ước tăng 5,93%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (6,63%). Như vậy, chiểu theo kinh nghiệm các nước, để giải quyết dứt điểm nợ xấu, Việt Nam có thể cần tới 20-30 tỷ USD.

Tại Việt Nam, theo ông Dũng, thời gian qua trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn rất khó khăn. Việc xử lý nợ xấu không sử dụng trực tiếp từ nguồn ngân sách mà được thực hiện thông qua các biện pháp như trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro, tăng cường thu hồi nợ, bán, phát mại tài sản đảm bảo thu hồi nợ, chuyển nợ xấu thành vốn góp, thành lập VAMC để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng bằng trái phiếu đặc biệt VAMC, tổ chức tín dụng sử dụng trái phiếu này để vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Để giải quyết căn bản nợ xấu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng, triển khai cơ chế mua, bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.

“Trên cơ sở đánh giá, tổng kết tình hình xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015, việc sử dụng các nguồn lực tài chính để xử lý nợ xấu của nền kinh tế trong thời gian tới sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm đúng với quy định pháp luật, an toàn nợ công, công khai, minh bạch, hiệu quả”, ông Dũng cho hay.

Thả nổi lãi suất huy động 6 tháng, chúng ta được gì?

Mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã lưu ý các Bộ, ngành nghiên cứu dỡ bỏ trần lãi suất huy động 6 tháng.


Kiều Vui

Bạn có thể quan tâm