Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành văn bản 10340/NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tập trung triển khai giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng nhằm hạn chế “tín dụng đen”.
Văn bản này thực hiện theo chỉ thị của Thủ tướng trước đó về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Theo đó, để hạn chế “tín dụng đen”, đặc biệt trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Canh Tý, Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng chú trọng mở rộng cho vay vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và NHNN.
Các ngân hàng phải phát triển đa dạng hóa các sản phẩm cho vay phù hợp nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân và doanh nghiệp với lãi suất hợp lý.
Thống đốc NHNN yêu cầu xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân tiếp tay cho vay nặng lãi trên thị trường. Ảnh: Quang Thắng. |
Các ngân hàng cũng được yêu cầu triển khai nghiêm túc trong toàn hệ thống chỉ thị về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Với các công ty tài chính, Thống đốc yêu cầu nhóm đơn vị chấp hành các quy định về cho vay tiêu dùng theo thông tư, hướng dẫn về loại hình cho vay này. Đơn vị cho vay tiêu dùng phải đảm bảo công khai, minh bạch về lãi suất, phí và phương pháp tính lãi, cung cấp, giải thích đầy đủ nội dung cơ bản tại hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký kết hợp đồng.
Đặc biệt, các tổ chức tín dụng phải tăng cường thẩm định, kiểm tra với các khoản cho vay và có đánh giá thường xuyên về khả năng tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng.
Thống đốc NHNN cũng nhấn mạnh, các ngân hàng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm ngăn chặn và xử lý các đơn vị, cá nhân có hành vi tiếp tay, thông đồng với các đối tượng cho vay nặng lãi.
Đối với các ngân hàng 100% vốn Nhà nước, Thống đốc yêu cầu Ngân hàng Agribank đẩy mạnh chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng chính đáng của người dân.
Với Ngân hàng Chính sách xã hội, nhà băng này phải rà soát các chương trình tín dụng chính sách để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng và các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thí điểm cho vay tiêu dùng, phân bổ nguồn vốn vào các khu vực tập trung nhiều hộ nghèo, dân tộc thiểu số và miền núi.