Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xu hướng phát triển thương mại điện tử trong tiêu dùng

Hội nghị “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam” đã đưa ra những giải pháp phát triển bền vững thị trường tiêu dùng trong nước, phát huy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.

Sáng 12/11, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp cùng các đơn vị có liên quan tổ chức hội nghị “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam”. Hội nghị đưa ra những giải pháp phát triển bền vững thị trường tiêu dùng trong nước, đồng thời phát huy năng lực cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp Việt.

Chương trình có sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS); Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco); Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower).

Tại hội nghị nhiều chuyên gia khẳng định, thị trường tiêu dùng Việt Nam nhiều tiềm năng nhờ kết cấu dân số trẻ, năng động. Đặc điểm về nhân khẩu học này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy tốc độ đô thị hóa cao. Mặt khác, GDP tăng trưởng cao thúc đẩy nhu cầu đầu tư phát triển. Thu nhập được cải thiện, khả năng chi tiêu của người dân cũng cao hơn.

Bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc khu vực miền Bắc Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam - cho rằng, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP cao thuộc top đầu trong khối ASEAN. Mặt khác, kết cấu dân số nước ta trẻ, có khả năng tiếp cận Internet nhanh. Do đó, người tiêu dùng Việt Nam có hứng thú trải nghiệm với những sản phẩm mới. Điều này thúc đẩy các thương hiệu mới phát triển.

Theo bà Hà, một điểm quan trọng hơn là tầng lớp trung lưu - nền tảng của tiêu dùng đang tăng nhanh. Tỷ lệ người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm chất lượng cao chiếm đến gần 26% thị phần nhóm hàng tiêu dùng nhanh… Những điều này tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp có thể thích ứng với những thay đổi của thị trường và bắt kịp các xu hướng mới.

PV GAS anh 1
Bà Đặng Thúy Hà chia sẻ tại hội nghị.

Tại hội nghị, các chuyên gia cũng nhận định, ngày nay thói quen của người tiêu dùng đang dần thay đổi. Mọi người không chỉ đến các cửa hàng để mua đồ vì họ có thể làm điều đó trực tuyến. Các thiết bị di động và mạng xã hội đã giúp người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ ngày càng mua hàng trực tuyến nhiều hơn.

Ngoài ra, các nền tảng tìm kiếm và đặt chỗ như dịch vụ giao đồ ăn nhanh, dịch vụ thuê nhà, đặt chỗ khám bệnh, online… có thể giúp các doanh nghiệp sàng lọc, tiếp cận khách hàng tiềm năng và nâng cao sự tiện lợi của khách hàng hiện hữu.

“Các doanh nghiệp nên tận dụng tối đa khả năng của truyền thông và nền tảng của social media để xây dựng, quảng bá thương hiệu. Bởi với hơn 50% dân số truy cập Internet, sử dụng di động, mạng xã hội đang đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá sản phẩm tại Việt Nam”, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định.

PV GAS anh 2
Toàn cảnh hội nghị “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam”.

Các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng, xu hướng thương mại điện tử đang thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng tại nhiều ngành hàng, từ nông thôn đến thành thị.

“Sự bùng nổ của thương mại điện tử và thương mại mạng xã hội cho thấy khách hàng trẻ ngày càng đòi hỏi cao và khao khát sự tiện lợi tối đa trong mua sắm”, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Nghiên cứu Thị trường Intage - bà Lưu Bảo Vân chia sẻ.

PV GAS anh 3
Bà Lưu Bảo Vân - Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Nghiên cứu Thị trường Intage.

Giám đốc Thương mại Công ty Kantar - ông Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần sớm nắm bắt thông tin đa chiều về sự thay đổi trong khuynh hướng tiêu dùng tại Việt Nam. Từ đó, doanh nghiệp chủ động thay đổi tư duy, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm; hay tìm giải pháp, cách khắc phục những hạn chế.

PV GAS anh 4
Ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Thương mại - Công ty Nghiên cứu Thị trường Kantar Worldpanel.

Ngoài ra, chương trình còn có sự tham gia của đại diện các bộ ban ngành là ông Bùi Huy Hoàng - Phó giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương; PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh - Chủ tịch Hội đồng cố vấn BCSI; ThS Vũ Xuân Trường - Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.

Bên cạnh đó, tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cũng có nhiều chia sẻ về xu hướng phát triển thương mại điện tử như bà Hoàng Kim Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Laco; ông Nguyễn Xuân Vinh - Giám đốc Công ty FoodHub; bà Phạm Bảo Bình - Quản lý Phát triển Kinh doanh - Công ty Cổ phần dịch vụ di động trực tuyến (M-Service).

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, dù người Việt rất ưa thích mua sắm trực tuyến, nhưng đa số là các mặt hàng giá rẻ vì vẫn lo ngại về các yếu tố chất lượng sản phẩm, thanh toán an toàn.

Vì vậy, để có được lòng tin với khách hàng và thị trường bền vững, các nhãn hiệu phải thực sự chân thành với người tiêu dùng. Doanh nghiệp phải tạo ra nhiều lợi ích cho khách hàng và xã hội, chú ý đến yếu tố cảm xúc khi quảng bá thương hiệu. Ngoài ra, các nhãn hàng cũng cần tôn trọng đạo đức kinh doanh và tạo ra bản sắc riêng.

Thái Trà

Bạn có thể quan tâm