Xu hướng nhà chọc trời lượn sóng giữa các đô thị 'trên mây'
Thứ năm, 16/2/2017 00:05 (GMT+7)
00:05 16/2/2017
Để hài hòa với môi trường, các kiến trúc sư đã tạo nên các tòa nhà cao tầng với đường cong uốn lượn mềm mại và độc đáo giữa đô thị khắp thế giới.
Absolute World là tổ hợp tháp đôi chung cư ở Ontario, Canada, do hãng kiến trúc MAD thiết kế. Với thiết kế uốn lượn mềm mại, tòa tháp được người dân địa phương đặt tên là Marilyn Monroe, tên của nữ diễn viên Mỹ tóc vàng gợi cảm. Ảnh: Tom Arban.
Hai tòa tháp có chiều cao 176 m và 158 m nằm trong khu phức hợp nhà ở bao gồm 5 tòa tháp ở Thành phố Mississauga, gần Toronto
Ảnh: MAD Architects.
Tòa nhà chọc trời Turning Torso ở Thụy Điển là tòa nhà cao tầng thân xoắn đầu tiên trên thế giới, do kiến trúc sư Tây Ban Nha Santiago Calatrava thiết kế và được hoàn thành năm 2005. Các tòa nhà thân xoắn ngày càng trở nên phổ biến với 15 tòa nhà đã hoàn thành và 13 công trình đang được xây dựng. Ảnh: AFP/Getty.
Tháp Evolution ở Moscow, Nga có thiết kế lấy cảm hứng từ Nhà thờ Thánh Basil của thành phố và tòa tháp dang dở Talin của Nga. Kết cấu lạ mắt và hiệu ứng gợn sóng tuyệt đẹp khiến cho các tòa nhà thân xoắn dễ dàng trở thành những công trình biểu tượng của thế giới. Ảnh: Gorproject.
Tòa tháp cao 246 m ở thời điểm hoàn thành năm 2015 với hình nơ trắng bao bên ngoài. Những tiến bộ về công nghệ, kỹ thuật xây dựng và tin học đã thúc đẩy sự phát triển của ngành kiến trúc. Tuy nhiên, việc xây dựng các tòa nhà thân xoắn vẫn có tính phức tạp cao và đòi hỏi sự xem xét kĩ lưỡng cả về tổng thể lẫn chi tiết. Ảnh: Gorproject.
Tháp Cayan cao 306 m nằm ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab (UAE) là tòa nhà thân xoắn cao thứ 3 thế giới theo Hội đồng Nhà cao tầng và Nhà ở Đô thị (CTBUH). Kiểu thiết kế thân xoắn có thể tạo ra các tòa nhà khí động học và tiết kiệm năng lượng hơn. Ảnh: Getty.
Tháp Thượng Hải là tòa nhà cao nhất Trung Quốc và là tòa nhà chọc trời cao thứ 2 thế giới sau tòa nhà nổi tiếng Burj Khalifa ở Dubai. Tòa tháp có toàn bộ mặt tiền được ốp kính, thân xoắn, hệ thống lan can xoắn ốc và được hoàn thành sau 7 năm xây dựng. Ảnh: Gensler.
Tòa nhà được hoàn thành vào cuối năm 2015 với cấu trúc xoắn để chống chọi với gió bão. Tháp Thượng Hải nằm ở khu thương mại sầm uất Lục Gia Chủy ở Phố Đông và từng đoạt giải thưởng "Tòa nhà chọc trời đẹp nhất thế giới" vào năm 2015. Kiến trúc độc đáo của các tòa nhà thân xoắn khiến chúng trở nên nổi bật, đối lập với cấu trúc cứng nhắc thường thấy của các tòa nhà cao tầng khác đang mọc lên ngày càng nhiều. Ảnh: Gensler.
Tòa nhà Tao Zhu Yin Yuan ở Đài Loan do kiến trúc sư người Pháp Vincent Callebaut thiết kế dự kiến được hoàn thành vào tháng 9 năm nay. Callebaut tham vọng tạo nên một công trình của tương lai có khả năng tiết kiệm nhiên liệu, hấp thụ carbon nhằm chống lại sự nóng lên toàn cầu. Khu dân cư này cũng sẽ được phủ 23.000 cây xanh giúp hấp thụ 130 tấn CO2 mỗi năm, tương đương với lượng khí thải của khoảng 27 chiếc ôtô. Ảnh: Vincent Callebaut Architectures.
Trong khi Callebaut ví như tòa nhà này với một khu rừng đô thị,
vẻ ngoài của nó thực chất mô phỏng một sợi ADN, chuỗi xoắn kép uốn cong 90 độ từ dưới lên trên. Cấu trúc xoắn kép của ADN, nguồn gốc của sự sống, biểu tượng của sự hài hòa, phản ánh ý tưởng về sự cân bằng tuyệt đối. Callebaut kỳ vọng dự án này sẽ là sự kết hợp hoàn hảo của công nghệ và văn hóa Đông Tây. Ảnh: Vincent Callebaut Architectures.
Cấu trúc xoắn kép giúp tối đa hóa các khu vườn treo ngoài trời. Ngoài ra, vì tòa nhà xoay 4,5 độ ở mỗi tầng, các cư dân ở đây sẽ có cái nhìn toàn cảnh về thành phố Đài Bắc với tầm nhìn thay đổi ở mỗi tầng khác nhau. Thông qua ý tưởng thiết kế của mình, kiến trúc sư Callebaut hy vọng sẽ thúc đẩy mọi người vượt qua giới hạn để sáng tạo, phá bỏ những cấu trúc cũ, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và đẩy mạnh những sáng kiến tiên phong để bảo vệ hành tinh xanh. Ảnh: Vincent Callebaut.
Trung Quốc đang dự định tạo nên một siêu đô thị lớn nhất thế giới với 130 triệu dân, bao gồm thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thiên Tân và tỉnh Hà Bắc vào năm 2020.
Những tòa nhà cao chọc trời và những công trình kiến trúc nổi bật khiến cho diện mạo của New York, Seoul hay Bắc Kinh... thay đổi đầy ngoạn mục sau hơn nửa thế kỷ.
Dù gây không ít trở ngại cho giao thông và cuộc sống con người, sương mù vẫn tạo nên khung cảnh kỳ ảo khi xuất hiện cạnh những cao ốc chọc trời tại các đô thị lớn trên thế giới.