Hôm 19/1, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) cho biết nhu cầu mua sắm của người dùng nước này đa phần tập trung vào các mặt hàng ngoại nhập, nhất là mỹ phẩm, túi xách và đồng hồ đắt tiền.
Tổng giá trị hàng tiêu dùng nhập khẩu tại Trung Quốc trong năm 2020 đạt 1,57 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 242,1 tỷ USD), tăng 8,2% so với năm 2019. Ngược lại, doanh số hàng nội địa giảm 3,9%, theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trung Quốc phải đóng cửa biên giới và khiến nhu cầu mua đồ nhập khẩu của người dân tăng cao. Ảnh: EPA-EFE. |
Dịch vụ mua hàng ngoại nhập phát triển nhờ Covid-19
Người Trung Quốc thường có thói quen mua đồ hiệu khi đi đến các thành phố lớn như Paris, Tokyo hay Hong Kong. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến Trung Quốc đóng cửa biên giới và người dân không thể tự do đi lại các nước.
Song đây là cơ hội giúp các sàn thương mại điện tử (TMĐT) phát triển, trở thành cầu nối đưa các thương hiệu nước ngoài xa xỉ đến gần hơn với người dùng. Một số người còn cho rằng mua hàng trực tuyến có giá rẻ hơn mua hàng ngoại tuyến.
“So với giá được niêm yết trong các cửa hiệu ở trung tâm thương mại, sản phẩm được bán qua Tmall, dịch vụ bán hàng quốc tế của Alibaba, rẻ hơn nhiều. Đồng thời, Tmall uy tín hơn các gian hàng chưa được xác minh trên Taobao.
Nhiều thương hiệu nước ngoài không có cửa hàng đặt tại Trung Quốc cũng xuất hiện trên nền tảng này”, Laura Qiu, 26 tuổi đang sinh sống tại Thâm Quyến, Trung Quốc cho biết.
Tmall là trang mua sắm hàng quốc tế được ưa chuộng tại Trung Quốc. Ảnh: WSJ. |
Tmall là nền tảng kết nối doanh nghiệp nội địa và quốc tế với khách hàng Trung Quốc. Nó được đánh giá là một trong 3 trang web chủ chốt của tập đoàn Alibaba.
Tính đến nay, Qiu đã mua hàng quốc tế trên mạng được khoảng 6 năm. Ban đầu, cô sử dụng trang TMĐT đa quốc gia Kaola, được Alibaba mua lại vào tháng 9/2019. Sau đó, Qiu chuyển sang dùng Tmall để mua mỹ phẩm và các mặt hàng chăm sóc da vì có nhiều thương hiệu và đa dạng lựa chọn.
Các thương hiệu quốc tế có thêm cơ hội kinh doanh
“Vài năm trước, các ông lớn TMĐT bắt đầu giới thiệu nhiều mặt hàng nước ngoài cho người dân trong nước. Qua đó, các thương hiệu quốc tế có thể kết nối người tiêu dùng dễ dàng hơn”, Chen Tao, chuyên gia phân tích hậu cần (logistic) tại công ty tư vấn Analysys cho biết.
Theo SCMP, Tmall đang giới thiệu một giải pháp mới, giúp các thương hiệu toàn cầu dễ dàng tiếp cận quốc gia tỷ dân, bao gồm rút ngắn quy trình đăng ký kinh doanh mà trước đây phải mất ít nhất 30 ngày.
Đồng thời, nền tảng này còn hỗ trợ tiếp thị cho các công ty nước ngoài, như tìm kiếm gương mặt thương hiệu hay người nổi tiếng để quảng bá, tăng độ nhận diện sản phẩm tại thị trường Trung Quốc.
“Các nhãn hàng, đặc biệt là những công ty vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 đang nỗ lực thâm nhập vào các thị trường lớn và tìm kiếm kênh phân phối mới.
Tại Trung Quốc, các nền tảng TMĐT chuyên cung cấp sản phẩm quốc tế như Tmall rất được lòng người dùng”, Maggie Liu, Tổng giám đốc Tmall chia sẻ.
Tmall và JD là 2 trang lớn dẫn đầu trong việc kinh doanh hàng hóa nước ngoài. Ảnh: Jing Daily. |
Lượng sản phẩm và thương hiệu quốc tế trên Tmall đang ngày một tăng. Tính đến năm 2020, nền tảng này có hơn 29.000 nhãn hàng trên tổng số 5.800 danh mục sản phẩm. Trong đó 80% là các thương hiệu lần đầu tiên đặt chân đến Trung Quốc.
Bên cạnh dịch vụ của Alibaba, công ty TMĐT lớn thứ hai Trung Quốc, JD cũng tăng cường hỗ trợ các thương gia nước ngoài thông qua nền tảng JD Worldwide, bao gồm mở gian hàng trực tuyến và phục vụ logistic trong nước.
TMĐT góp phần tăng trưởng kinh tế Trung Quốc
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng là quốc gia duy nhất có mức tăng trưởng kinh tế vào năm 2020, Trung Quốc được xem như thị trường trọng điểm với các bên bán hàng ở nước ngoài.
Theo MOFCOM, doanh thu hàng hóa trực tuyến tại Trung Quốc vào năm 2020 đạt 9,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,5 tỷ USD), chiếm gần một phần tư tổng doanh số của năm và tăng 14,8% so với năm 2019.
Trung Quốc là thị trường bán lẻ trực tuyến lớn nhất toàn cầu 8 năm liên tiếp. Ảnh: China Daily. |
Hiện lĩnh vực kinh doanh hàng quốc tế chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thể ngành TMĐT ở Trung Quốc. Tuy nhiên, dịch vụ này vẫn thu hút một bộ phận người dùng nhất định, theo phân tích của Analysys.
Nhìn chung, đại dịch Covid-19 đã giúp TMĐT phát triển theo nhiều cách khác nhau, bao gồm đẩy nhanh quá trình kết hợp hình thức mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến.
Trong năm 2020, dịch vụ giao hàng trọn gói đã đưa đến tay người dùng 83,36 tỷ kiện hàng, với hơn 20 triệu buổi phát trực tiếp được tổ chức, MOFCOM cho biết.