Xperia Z3 Nhật Bản là model bán chạy trên thị trường điện thoại xách tay với giá từ 8 đến 8,5 triệu đồng. "Kiểu dáng, cấu hình vẫn giữ nguyên, nhưng nhờ giá rẻ hơn gần một nửa so với máy chính hãng, Xperia Z3 Nhật hút khách nhất trong nhóm Android cao cấp", anh Minh Hùng, chủ cửa hàng tại quận 3 TP HCM cho biết.
Nhận thấy sức nóng của Xperia Z3, nhiều cửa hàng tại Hà Nội và TP HCM nhập về từ nhiều nguồn với số lượng lớn. Theo đó, thị trường bắt đầu xuất hiện hai loại Xperia Z3 có chất lượng khác nhau.
Trên một vài diễn đàn chuyên về smartphone Sony, nhiều người dùng cho biết Xperia Z3 xách tay tại Việt Nam thường bị mở khoá bootloader, dẫn đến mất DRM Key (mã số riêng của máy). Vì vậy, thiết bị mất một số chức năng của Walkman, công nghệ hiển thị Bravia Engine 2 không hoạt động.
Người mua cần chọn cửa hàng uy tín và có những hiểu biết nhất định khi chọn mua Xpreia Z3 Nhật Bản xách tay. |
Trao đổi với Zing.vn, anh Thanh Tùng, kỹ thuật viên tại cửa hàng trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, TP HCM cho biết, Xperia Z3 Nhật Bản xách tay tại Việt Nam đang được bán với 2 loại. Loại chưa unlock có chất lượng tốt hơn. Ở vài điểm bán, người dùng sau khi đồng ý mua được cửa hàng cung cấp mã số để mở mạng. Tuy nhiên, máy chưa unlock có số lượng không nhiều và giá cũng cao hơn mặt bằng chung khoảng 1 triệu đồng.
Loại có chất lượng khó phân định hơn là bản đã được mở mạng sẵn bằng cách unlock bootloader. "Vì mở mạng bằng thủ thuật nên người mua thường khó nhận biết được chất lượng. Bên trong có thể là 'zin' hoàn toàn nhưng cũng có thể là hàng đã được 'nấu' lại như máy mới", anh Tùng tiết lộ.
Theo anh Lê Vinh, kỹ thuật viên tại một chuỗi bán lẻ ở TP HCM, người dùng có thể phân biệt được máy mở mạng code hay máy unlock bootloader bằng cách nhập mã *#*#7378423#*#* trên giao diện gọi điện, chọn Service info > Configuration. Nếu dòng chữ Bootloader unlock allowed hiện chữ No, đó là Xperia Z3 Nhật unlock bằng code. Tuy nhiên, theo anh Vinh, cách này chỉ giúp phân biệt được hai loại hàng chứ chưa thể khẳng định máy unlock bootloader là kém chất lượng hay không. Do đó, để nhận biết một chiếc Xperia Z3 đã qua "xào nấu", cần có thêm nhiều căn cứ về ngoại hình và dấu hiệu trên vỏ hộp, hoặc khả năng chống nước.
"Với Xperia Z3, nếu máy đã qua sửa chữa bên trong, khả năng chống nước cũng sẽ không còn vì thân máy có những kẽ hở nhỏ", anh Thanh Tùng cho biết. Theo anh này, người mua nên yêu cầu được kiểm tra khả năng chống nước khi mua Xperia Z3. Nếu không được nhúng nước, người mua cũng có thể kiểm ra bằng cách nhập mã *#*#7378423#*#*, chọn service test/ Pressure Sensor (cảm biến sức ép).
"Ở bước này, thông số mặc định thường là 1.007.xx. Khách có thể nhấn nhấn nhẹ tay vào màn hình và ngón còn lại nhấn vào mặt đối diện (động tác bóp nhẹ vào thân máy). Nếu thông số thay đổi, máy vẫn có khả năng chống nước, chưa qua sửa chữa hay tác động gì vào linh kiện bên trong", anh Tùng chia sẻ.
Tiết lộ từ chủ một hệ thống ở TP HCM, phần lớn các máy Xperia Z3 xách tay đang bán trên thị trường là hàng unlock bootloader, được dán lại IMEI trên hộp 'lô' và đều được nhập từ một vài nguồn thương lái. Tuy vậy, bên trong bo mạch chính của máy vẫn là hàng 'zin' tương tự như Xperia Z3 unlock bằng code. Người này cũng cho rằng khách hàng nên chọn mua máy ở những địa chỉ uy tín, vì xác suất máy xách tay bị hỏng dù "zin" hay không cũng đều đáng kể, quan trọng là cửa hàng có chế độ bảo hành tốt, hoặc có hướng giải quyết hợp lý khi máy phát sinh hư hỏng hay không.