Xông nhà tín đồ máy ảnh phim Contax - Carl Zeiss
Bộ sưu tập ống kính Contax - Carl Zeiss và đội quân máy ảnh phim của anh Nguyễn Hữu Thắng (Sài Gòn) chính là hiện thân cho niềm đam mê những món đồ công nghệ xưa cũ.
Hai chiếc tủ đặc dụng trong nhà anh Thắng thoạt nhìn chỉ hơi be bé, nhưng khi anh lần lượt lôi hết từng món đồ trong đó ra, phóng viên đã thực sự ngỡ ngàng khi chứng kiến cả một "đội quân" ống kính, máy ảnh phủ đen trên khắp sàn nhà. Tất cả có khoảng 80 chiếc máy ảnh và ống kính các loại, chưa kể hàng trăm thiết bị, phụ kiện khác. Số lượng này thật ra so với những tay chơi "thứ dữ" hiện nay, theo anh Thắng, thì chẳng là gì, nhưng với anh chừng đó thôi cũng đủ thỏa chí đam mê và lắm điều… mệt mỏi.
Nhạy duyên và 'điên' vì ống kính
Tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc, để phục vụ công việc dễ dàng, năm 2003 anh mua chiếc máy ảnh Canon 300D, và sản phẩm này đã gắn bó với anh trong một thời gian rất dài. Điều đó nói lên rằng, anh đã từng khá thờ ơ và chưa hề dự cảm cuộc chơi công nghệ mà mình sẽ dấn thân. Cho đến cuối năm 2009, một người bạn cùng chơi trên VNPhoto giới thiệu anh về dòng lens MF (manual focus) mà đại diện là lens M42 135/3.5 Carl Zeiss. Kể từ đấy, anh lên mạng tìm hiểu các thông số kỹ thuật, những bài viết thử nghiệm, so sánh giữa ống kính thế hệ cũ xưa với các ống kính thế hệ mới ngày nay. Anh gần như bị cuốn hút ngay lập tức, cuộc chơi ống kính bùng lên và anh bắt đầu lao vào mua ống kính một cách điên cuồng, mua từ rất nhiều nguồn, khắp nơi trên thế giới.
Xuất phát từ dân thiết kế, nên tiêu chí bộ sưu tập của anh luôn phải đáp ứng hai chữ: đẹp và độc. Anh chọn ống kính Contax bởi đó là thương hiệu của nhà sản xuất thiết bị quang học hàng đầu thế giới Carl Zeiss. Thương hiệu ống kính Contax/Yashica bắt đầu trở nên hiếm dần khi hãng sản xuất những ống kính cuối cùng cuối thập niên 90 và chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất ống kính, máy ảnh cùng các phụ kiện vào năm 2005, chấm dứt một nhãn hiệu Contax được ra đời cách đây 73 năm.
Loại ống kính này rất hiếm gặp tại thị trường Việt Nam. Để có trong tay 30 ống kính, từ nhóm ống kính góc siêu rộng, ống kính góc rộng, đến tele và siêu tele, ống zoom đa dụng các loại, anh đã mất rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc truy lùng về, giá từ vài trăm đến vài ngàn USD/con. Mỗi ống kính được mang về Việt Nam đều gắn một kỷ niệm, đó có thể là niềm vui mừng chiến thắng tại các phiên đấu giá trên eBay, hay là hải quan đồng ý cho mang về (bởi theo quy định, các thiết bị đã qua sử dụng cấm nhập khẩu). Gian truân là thế nên khi ống kính đã về đến tận tay rồi thì đêm đầu tiên về nhà mới, ống kính sẽ được "đi ngủ cùng", anh Thắng hài hước chia sẻ.
Anh Nguyễn Hữu Thắng (áo đỏ) trong một chuyến săn hình cùng bạn bè. |
Mỗi ống kính, tất nhiên đều có một đặc tính khác nhau. Đấy cũng chính là nét độc đáo khiến anh mê mẩn chúng. “Đây là ống kính siêu rộng fix 21/2.8 chất lượng quang học và độ nét xuất sắc, chưa có đối thủ tại tiêu cự 21mm, kể cả Leica. Đây là ống kính góc rộng 28/2.0 - ống kính duy nhất trong tổng số gần 50 ống kính mang biệt danh Hollywood, bởi được thiết kế theo tiêu chuẩn sử dụng phim ảnh của Hollywood. Với hai ống kính 50/1.4 và 50/1.7 này tuy rẻ, khá phổ biến nhưng mình cũng sưu tập, vì đây là những ống kính được sản xuất vào những lô cuối cùng trước khi nhà máy đóng cửa. Chúng có giá trị tinh thần rất lớn. Còn đây là ống kính một tiêu cự có độ phóng đại 1:1 mà sau này không có ống Carl Zeiss mới nào tốt hơn được. Và đây là ống sát thủ chân dung 100/2.0. Cách dùng ống zoom kéo đẩy của Carl Zeiss rất thú vị…”, anh Thắng miên man đặc tả chi tiết từng "chú lính" tinh nhuệ. Đội đặc quân này của anh cũng đã từng ra mắt tại “Lens Contax đầu xuân 2011” và các phiên chợ do diễn đàn VNPhoto tổ chức gần đây.
Điểm dừng cuộc chơi
Chỉ chưa đầy 3 năm bước vào cuộc chơi với tốc độ chóng mặt, một ngày đẹp trời anh tự hứa sẽ dừng lại. Đam mê thì lúc nào cũng có, nhưng chơi và xác định được điểm dừng như anh Thắng thì không phải ai cũng muốn và làm được. Điều kiện kinh tế, bảo quản, quan trọng hơn là anh cảm giác mình không còn đủ thời gian, sự kiên trì để chăm sóc, bảo trì, bảo dưỡng cho đoàn quân của mình. Theo cách nói của anh, mỗi tháng mà không để ra một lần tắm rửa, vô dầu mỡ, quét bụi bặm là chúng lên cơn biểu tình ngay. Anh thú nhận, đã qua rồi thời mua đồ một cách điên cuồng. Men say đó giờ đã được kìm lại. Bây giờ, nếu mua thì đó phải là món đồ… không thể không mua.
Trước đây, anh cũng từng mất ăn mất ngủ vì mê âm thanh của xe phân khối lớn. Cuộc chơi đó nay cũng đã tạm gác lại và kỷ niệm giờ đây là chiếc mô tô đang nằm trùm mền ở một góc nhà.
Theo anh Thắng, chụp hình là môn giải trí lành mạnh nhất hiện nay. Làm kiến trúc sư tự do, không bị ràng buộc về thời gian nên sở thích chụp ảnh của anh càng được dịp… phát tướng. Phương châm đi chơi của anh là “đi tranh thủ thời gian và tiết kiệm để được đi nhiều”. Đi theo đoàn hoặc đi từng nhóm nhỏ, trong 3 năm rong ruổi đường trường anh đã thu lượm được khá nhiều góc chụp đẹp, khám phá phong cảnh, cuộc sống của nhiều vùng miền. Anh đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ đi hết mọi ngách của đất nước, để khi ai nhắc, anh sẽ gật gù rằng mình đã từng đặt chân đến.
Mê cái đầu gù Bên cạnh đẹp, độc như ống kính, tiêu chí chơi máy ảnh phim của anh còn phải đáp ứng yêu cầu đầu gù tháo ra được. Vì vậy, bất kể hiệu gì, miễn là có thiết kế đẹp, độc và có đầu gù tháo ra được là anh tìm mua cho được. Và đó phải là máy ảnh cơ, chụp phim, bởi anh thích đường nét cổ kính và những dấu ấn khắc ghi bên ngoài thân máy. Riêng về máy thế hệ F1 của Canon, anh đã có đến 8 chiếc. Contax, Nikon, Pentax, Minolta XK, Olympus, Argus, Polaroid… mỗi thứ anh đều có vài con, mỗi con lại có hàng chục thứ đồ chơi đi kèm. Anh cũng thích sưu tập đầu gù và đã mất ăn mất ngủ, rình rập trên mạng săn mua đầu gù. Một số bức ảnh đẹp của anh Nguyễn Hữu Thắng: Chụp bằng lens Contax 16/2.8, tại Tri Tôn, An Giang. Chụp dưới chân cầu Khánh Hội bằng Contax 15/3.5. |
Theo Thế Giới Số