XÔ VIẾT NGHỆ TĨNH - TRẬN ĐỊA KẸT XE NGÁN NGẨM Ở TP.HCM
Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) được đánh giá là điểm kẹt xe nặng nhất TP.HCM với 588 lần ùn tắc trong 8 tháng đầu năm.
Thảo Linh (25 tuổi, nhân viên văn phòng) kết thúc một ngày làm việc lúc 18h30. Cô sắp xếp lại một vài thứ rồi xuống hầm lấy xe. Quãng đường từ công ty trên đường Mạc Đĩnh Chi (quận 1) về nhà ở gần bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh) khoảng 4 km nhưng cô phải mất hơn 30 phút, thậm chí những ngày trời mưa mất đến 1 tiếng để di chuyển. Trong đó, đoạn đường từ công ty tới ngã tư Hàng Xanh gần 3 km cô chỉ di chuyển mất khoảng 10 phút.
Điểm ùn tắc đầu tiên Linh gặp là cầu Thị Nghè, điểm cuối của cầu là ngã tư có đèn giao thông nên các phương tiện bị dồn lại, gây ách tắc. Đi tiếp, cô gặp 1 vài điểm ùn ứ nhẹ ở ngã 3 giao với đường Nguyễn Văn Lạc, hẻm 220 Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tuy nhiên, đây chỉ là đoạn đường “nháp” để Linh “chính thức” bước vào con đường kẹt xe ám ảnh của người Sài Gòn suốt 20 năm nay.
Từ ngã tư Hàng Xanh, Linh bị cuốn vào dòng xe cộ đang ì ạch di chuyển từng chút một. Dòng phương tiện từ đường Điện Biên Phủ đổ bộ, luồn lách vào bất cứ chỗ nào có thể đi. Người đi bộ đành phải xuống lòng đường.
Có những đoạn xe buýt ép sát khiến Linh phải đi nép vào lề đường, có những đoạn cả dòng xe đang di chuyển bỗng nhiên chững lại vì những chiếc xe từ nút giao khác đổ ra. Chiếc khẩu trang vốn để ngăn khói bụi nhưng vì quá bí bách lúc dừng lại khiến Linh phải bỏ ra từ lúc nào.
Sau hơn 30 phút vượt qua các nút giao Bạch Đằng, D5, Nguyễn Xí, cuối cùng Linh cũng về đến nhà. Nhiều đồng nghiệp của Linh chọn cách ở lại làm thêm để tránh ra đường vào khung giờ cao điểm này nhưng Linh có buổi học tiếng Anh ở gần nhà ngay sau đó nên cô không còn lựa chọn nào khác. Quá mệt vì di chuyển nên cô cũng tranh thủ mua chiếc bánh bao trên đường để lót dạ cho bữa tối.
Bà Nguyễn Thị Ba (65 tuổi) buôn bán ở gần cầu Sơn (cây cầu nối đường Xô Viết Nghệ Tĩnh qua con rạch nhỏ) 20 năm nay. Những ngày đầu bà bán gà nướng rồi chuyển qua bán trà tắc. Mỗi ngày, bà bắt đầu công việc từ 5h đến 20h, có nghĩa là bà "hứng trọn" 2 khung giờ cao điểm sáng và chiều của con đường này. Tiếng xe cộ, khói bụi,...đối với bà đã quá quen thuộc.
"Cái ngày còn là đường 2 chiều thì bán đắt lắm, sau dịch cúm rồi chuyển thành đường một chiều từ năm 2002 thì bắt đầu ế ẩm. Đường đông như thế này người ta ngại dừng, quán cũng không có chỗ ngồi".
Người đàn bà bị bệnh tim, thỉnh thoảng lại vỗ ngực, ho khan bảo nếu không bán hàng ở đây thì cũng không biết đi đâu.
Bên cạnh quán của bà là cửa hàng điện thoại của anh Phong cũng trong tình trạng tương tự vào giờ cao điểm: "Giờ đó người ta chỉ muốn mau chóng về nhà thôi, rồi kẹt như này muốn quay xe vào cửa hàng để mua cũng khó".
Một trong 15 điểm ùn tắc nhất Sài Gòn
Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, 8 tháng đầu năm toàn thành phố có 2.044 lần ùn tắc, trong đó có 15 điểm ùn tắc nhất. Có thể kể đến như: đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ Bạch Đằng đến ngã 5 Đài Liệt sĩ) với 588 lần, đường Trường Chinh (từ Âu Cơ đến Tân Kỳ Tân Quý) là 422 lần, đường Dương Bá Trạc (khu vực cầu Kênh Xáng, giáp ranh quận 8 và huyện Bình Chánh) là 293 lần,...
Xô Viết Nghệ Tĩnh phải gồng gánh rất nhiều loại phương tiện khác nhau. Từ xe khách 45 chỗ đến xe tải, xe buýt, ôtô, xe máy, xe đạp chen lấn nhau. Các phương tiện thô sơ cũng góp mặt trên "trận địa" này.
Từ ngã tư Hàng Xanh, đường chuyển sang đường 1 chiều, tạo thành nút thắt cổ chai nên các phương tiện khi di chuyển đến đây đều phải giảm tốc độ. Việc chỉ có thể nhích từng bước một dưới trời nắng gay gắt khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi.
Xô Viết Nghệ Tĩnh là con đường huyết mạch nối từ trung tâm thành phố đến Thủ Đức, Bình Dương, Biên Hòa. Nếu không đi qua Xô Việt Nghệ Tĩnh thì người tham gia giao thông có thể lựa chọn đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) hay Xa lộ Hà Nội (quận 2). Tuy nhiên, những cung đường này không chỉ dài hơn mà cũng rơi vào tình trạng ùn tắc trong giờ cao điểm.
Bài toán chưa có lời giải
Có thể thấy dòng xe đổ về đây từ 3 hướng chính: đường Điện Biên Phủ, Bạch Đằng và Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn 2 chiều). Đặc biệt nút giao từ Điện Biên Phủ gần với Bạch Đằng không có đèn giao thông khiến người điều khiển phương tiện “mạnh ai nấy đi”.
Ngoài các tuyến đường chính thì lượng phương tiện đổ ra từ các đường nhỏ như D5, Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Gia Trí cũng làm cho dòng người đang di chuyển trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh bị chặn lại.
Điểm cuối của đường Xô Viết Nghệ Tĩnh là bến xe miền Đông với lượng xe khách ra vào tấp nập. Chỉ cần một chiếc xe xuất bến sẽ chắn ngang đường làm cản trở lưu thông các phương tiện đang di chuyển.
Trong khi đó, bến xe Miền Đông mới (phường Long Bình, Q.9, TP.HCM và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) khởi công từ tháng 4/2017, cơ bản đã hoàn thành với kỳ vọng khi đưa vào hoạt động sẽ góp phần làm giảm thiểu ùn tắc ở khu vực này.
Tuy nhiên, theo dự kiến, bến xe mới sẽ đưa vào sử dụng dịp Tết Nguyên đán 2018 nhưng dời đến quý 1/2019 rồi 15/8/2019 và nay chưa biết khi nào mới khai trương.
Xe ôtô dàn hàng ngang chiếm phần lớn diện tích lưu thông khiến xe máy phải luồn lách và đi lên vỉa hè. Chỉ cần một sự cố nhỏ như va quệt, chết máy cũng khiến con đường bị ùn ứ.
Một nguyên nhân không thể không nhắc tới đó là ý thức tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện. Khi gặp kẹt xe, nhiều người đã quay đầu để chọn đường đi khác hay đi ngược chiều, tạt đầu xe, chen lấn, không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông hay người điều tiết giao thông.
Bà Ba, anh Phong hay Thảo Linh chỉ là 3 trong số hàng nghìn người chịu ảnh hưởng của kẹt xe trên con đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Bản thân họ cũng khó có thể có một phương án nào tốt hơn cho bản thân mình để tránh khỏi tình trạng này.
Và trong khi chờ đợi những cách giải quyết hợp lý hơn từ các bên có thẩm quyền thì hàng ngày, Linh vẫn phải mất gần tiếng đồng hồ để về nhà còn bà Ba thì đành kiên nhẫn ngồi đợi khách mua hàng giữa biển người nườm nượp.