Nỗi buồn của U19 Việt Nam sau trận chung kết. |
Chưa đầy một năm, U19 VN dự 2 trận chung kết - gặp U19 Indonesia ở Giải U19 Đông Nam Á 2013 và tại Hassanal Bokiah 2014 - nhưng đều thua. Mỗi trận thua đều mang đến những đánh giá khác nhau. Ở trận thua U19 Myanmar lộ ra những vấn đề đáng bàn.
Đầu tiên là U19 VN thua thể lực, là cái thua đáng ngạc nhiên. U19 VN là đội duy nhất có những chuyên gia dinh dưỡng, những đầu bếp sang tận Brunei phục vụ, khiến các cầu thủ U19 Thái Lan cũng phải ghen tị. Nhưng khi đua sức với các cầu thủ cùng trang lứa của Myanmar thì phía VN kém hẳn. Điều này khiến nhiều người giật mình, nhớ lại ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng sau khi kiểm tra các chỉ số sinh học của các cầu thủ, rằng: “Những cầu thủ U19 không còn hy vọng phát triển chiều cao do khung xương đã đóng”. Hạn chế về thể lực, thể hình chính là những nguyên nhân khiến U19 VN lép vế trong những cuộc đối đầu với U19 Tottenham, U19 Nhật Bản, U19 Roma ở giải U19 quốc tế đầu năm, đặc biệt là trong chuyến tập huấn tại Anh.
Tất nhiên, cao to không phải là yếu tố quyết định trong bóng đá, nhưng nhìn từ trận thua U19 Myanmar trong những cuộc đua tốc độ, tranh chấp tay đôi thì U19 VN vẫn thua thiệt. Ở đây phải đặt vấn đề về công tác huấn luyện, nhất là việc nâng cao sức bền, thể lực cho cầu thủ.
Thứ hai, U19 VN thua về chiến thuật. Lối đá của U19 VN - dựa trên nòng cốt là lứa U19 HAGL Arsenal - được cho là lối chơi đẹp mắt. Thế nhưng, chính sự “đan lát” này lại mang đến một cảm giác là U19 VN đang chơi một thứ bóng đá cổ điển: Đẹp, nhưng mong manh về hiệu quả. Hơn nữa khi bị “bắt bài”, đối thủ không cho không gian phối hợp thì bế tắc. Cả trận, U19 VN không có nổi một pha xuống biên lật bóng. Trong khi đó lối chơi của Myanmar rõ ràng hiện đại hơn rất nhiều: Chắc chắn, bản lĩnh và hiệu quả. Đó là lý do ở giải này, trận nào họ cũng ghi từ 3 bàn thắng trở lên.
Và một vấn đề quan trọng: Hạn chế của HLV Guillaume Graechen. Nếu phía Myanmar, Gerd Zeise cho thấy là một HLV bóng đá, thì Guillaume Graechen vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của một nhà sư phạm bóng đá. Thậm chí, Gerd Zeise cho thấy đã nghiên cứu rất kỹ lối chơi của U.19 VN thì có vẻ như Guillaume Graechen lẫn các học trò đều ngỡ ngàng về cách tiếp cận trận đấu của đối thủ. Không thể chiến thắng nếu cứ vào trận và hồn nhiên như thế. Bởi vậy, những ai đã xem U19 VN chơi trong trận chung kết đều hiểu rằng, đó là cái thua hợp lý.
Đành rằng U19 VN đang tiến bộ, lứa cầu thủ này là niềm hy vọng của bóng đá VN. Song, bóng đá nước ta sẽ phải trả giá nhiều năm nữa, nếu coi U19 VN là niềm hy vọng duy nhất.
Sự có mặt của Quang Hải (từ U19 HN T&T) và Tuấn Tài (U19 SLNA) chỉ ra rằng: U19 VN sẽ mạnh hơn, nếu biết tập hợp thêm những tài năng từ những trung tâm bóng đá khác thay vì chỉ “đặt hết canh bạc” vào HAGL-Arsenal JMG. Nhiều chuyên gia bóng đá ở VN cho rằng VFF đang “dựa hơi” trung tâm đào tạo của bầu Đức, chứ không có “công trạng” gì trong việc phát hiện, bổ sung những nhân tố cần cho U19 VN. Cần 10 hoặc nhiều hơn những trung tâm như HAGL Arsenal thì U19 và bóng đá Việt mới cho thấy chiều sâu.
Thất bại trước U19 Myanmar thực sự là một "xô nước đá" dội xuống đầu đội U19 VN, xuống những nhà lãnh đạo bóng đá và cả NHM Việt Nam. Nên nhớ trong công tác đào tạo trẻ, Thái Lan, Myanmar, Indonesia, Malaysia cũng đã có những bước đi vững chắc, chứ không phải là đang “đứng im” để VN qua mặt. Điển hình nhất là sự tiến bộ của U19 Myanmar, sau 1 năm họ đã lột xác hoàn toàn. Chưa kể U19 Thái Lan - dù thua U19 VN, nhưng nên nhớ họ chưa có trong tay đội hình tốt nhất.
BLV Quang Huy chia sẻ quan điểm là U19 VN cần nhanh chóng thay HLV nếu muốn đi xa hơn ở 2 giải gần nhất là U19 Đông Nam Á mở rộng và U19 châu Á. Khá lạ lùng là cho đến giờ, chưa thấy sự phản biện từ bộ phận chuyên môn của VFF. Phải chăng, vì Guillaume Graechen là chuyên gia của bầu Đức, nên tất cả phải chấp nhận như việc không thể đổi thay?
Thua một trận đấu ở Cúp Hassanal Bokiah 2014 không phải là điều quá quan trọng, nhưng hãy coi cái thua ấy như một “xô nước đá” để tất cả cùng tỉnh táo, coi như cách “học rùng mình” để hoàn thiện và tiến xa hơn.