Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xin lùi dự án Luật biểu tình là thiếu nghiêm túc

Đó là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội sau khi nghe Bộ trưởng Tư pháp trình bày tờ trình của Chính phủ xin rút dự án Luật biểu tình ra khỏi chương trình kỳ họp tới của Quốc hội.

Ông Nguyễn Sinh Hùng bức xúc: “Tại sao cứ lùi đi lùi lại mãi, do làm không được hay không chịu làm? Chương trình là Quốc hội quyết định, Bộ Chính trị cũng đã quyết định đưa vào chương trình rồi, nhưng Chính phủ cứ xin lùi mãi”.

Ông nhấn mạnh: “Thường vụ Quốc hội không đồng ý với việc lùi. Chính phủ chưa trình dự luật này ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi đã biết nội dung như thế nào đâu mà bảo là cho lùi? Tôi cho rằng đây là việc làm thiếu nghiêm túc”.  

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không đồng tình với đề nghị của Chính phủ. “Cần đảm bảo thời gian trình Luật biểu tình. Quyền biểu tình là quyền cơ bản của công dân, đã đề cập từ năm 1945 rồi, cứ lùi đi lùi lại mãi, bây giờ lùi đến bao giờ? Đây là vấn đề nếu chúng ta cứ lùi mãi thì hoàn toàn không có lợi về mặt chính trị” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện bày tỏ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa phân tích thêm: "Sự cần thiết của luật này là rất quan trọng, tôi biết Bộ Công an cũng muốn khẩn cấp làm luật này, thứ nhất là để đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp, đồng thời với việc đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội. Nếu chúng ta tiếp tục áp dụng Nghị định 38 để hạn chế quyền công dân là trái Hiến pháp".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bức xúc trước việc Chính phủ xin lùi dự án Luật biểu tình.

“Tôi cho rằng đây là luật để đảm bảo quyền con người, quyền công dân, chứ không phải là để đổi mới chính trị. Có ý kiến nói rằng để khi nào tình hình an ninh trật tự đảm bảo thì mới làm luật này, tôi thấy ý kiến như vậy là không đúng, bởi vì chúng ta làm luật này là để đảm bảo an ninh trật tự” - ông Khoa nói.

Trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết Chính phủ đã phân công và chỉ đạo Bộ Công an soạn thảo dự án Luật biểu tình. Bộ Công an đã tiến hành tổng kết pháp luật về lĩnh vực này, tiến hành khảo sát, nghiên cứu, biên dịch… Tại phiên họp thường kỳ tháng 1-2016, Chính phủ đã thảo luận vấn đề này, nhưng ý kiến của các thành viên Chính phủ còn rất khác nhau về nội dung dự thảo luật.

“Ý kiến cá nhân tôi thì việc chuẩn bị đã hòm hòm rồi, nên trình dự án luật ra Quốc hội, nhưng ý kiến của chúng tôi là thiểu số” - ông Cường nói thêm.

Trước đó, đầu giờ sáng 17/2, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình Ủy ban Thường vụ Quốc tờ trình của Chính phủ mới được ký ngày 16/2 về việc xin lùi dự án Luật biểu tình.

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ trình dự án Luật biểu tình lên Quốc hội theo đúng chương trình đã được quyết định (tháng 3/2016).

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160217/xin-lui-du-an-luat-bieu-tinh-la-thieu-nghiem-tuc/1052707.html

Theo Lê Kiên/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm