Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xin lỗi dân khi sai là chuyện đương nhiên

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng việc cơ quan công quyền, cán bộ xin lỗi dân phải được coi là chuyện bình thường, đương nhiên.

Việc Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát lên báo xin lỗi người dân về những phát ngôn tại Quốc hội, hay việc công an có hành vi không đúng mực khi đã công khai xin lỗi dân có thể xếp vào văn hóa ứng xử của nhà chức trách nắm giữ công quyền với người dân trong xã hội hiện đại. PGS. TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái (Giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) gửi đến Zing.vn bài viết phân tích về nội dung này.

Xin loi dan khi sai anh 1

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái là nhà phê bình nổi tiếng trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Ảnh: 

Lê Quang Đức.

Bộ trưởng Cao Đức Phát xin lỗi dân khi không diễn giải đầy đủ câu nói của mình trước Quốc hội, khiến người dân hiểu lầm, là điều đáng hoan nghênh.

Dù vậy, việc một bộ trưởng không diễn đạt được thông điệp của mình một cách chính xác đã gây thiệt hại khá lớn cho thương hiệu của ông và  thậm chí cho cả ngành nghề của mình.

Và việc Bộ trưởng Cao Đức Phát xin lỗi dân khi truyền đi một thông điệp chưa chính xác, là chuyện đương nhiên. Nhưng ở Việt Nam điều đó lại trở thành một sự kiện được truyền thông đăng tải rộng rãi với mật độ cao.

Ở nước ngoài, có khi bạn vô tình chạm vào người khác trên đường, bạn đã nhận được ngay lời xin lỗi, dù chính bạn mới là người mắc lỗi.

Bởi vì họ đã tạo lập được thói quen xin lỗi và cảm ơn. Hai bên đều xin lỗi nhau.

Tuy nhiên ở Việt Nam câu cửa miệng xin lỗi và cảm ơn đều bị mất hút. Đơn giản là người ta không quen.

Nếu bạn nói xin lỗi và cảm ơn thường xuyên có khi bạn lại nhận được những cái nhìn vô cùng ngạc nhiên, giống như bạn bị rơi từ Sao Hỏa xuống. Lạ không?

Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại

Vừa qua, Hà Nội lại xôn xao việc một cảnh sát khu vực tới khám nhà dân giữa đêm khuya và có hành vi thô lỗ khi được cho có hành động nhổ nước bọt vào mặt dân.

Công an là lực lượng được nhà nước phân công là phải đảm bảo an ninh cho xã hội. Công an giữ gìn sự an ninh, sự bình yên của đất nước, tới từng người dân, từng gia đình, từng thôn xóm, ngõ phố...

Trong trường hợp này, anh công an đến kiểm tra an ninh vào ban đêm mà không đưa ra được bất cứ giấy tờ nào cho phép. “Sao lại gõ cửa nhà tôi vào ban đêm?” - người dân có quyền yêu cầu cơ quan chức năng, cụ thể là công an phải có đủ cơ sở pháp lý để chứng minh hành vi khám xét của mình.

Và khi gặp trường hợp công an đến nhà xét hỏi, người dân có quyền yêu cầu giấy tờ chứng minh, bởi trong thực tế, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng danh nghĩa công an để hoạnh họe, lợi dụng sự ngây thơ, cả tin của người dân để lừa đảo...

Thực tế đó đã khiến người dân có thể không còn tin vào quyền năng được luật pháp quy định của người công an.

Xảy ra  sự việc rất đáng tiếc này ở Việt Nam, đã cho thấy, người công an kia, khi thực thi công vụ đã vi phạm chính pháp luật của ngành công an quy định quyền hạn của công an và dĩ nhiên, anh phải chịu sự trừng phạt của những luật lệ đặc thù của ngành công an.

Xin loi dan khi sai anh 2

Trung úy Nguyễn Văn Bắc (cảnh sát khu vực Công an phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) công khai xin lỗi chị Trần Tú Anh (24 tuổi, người tố bị cảnh sát nhổ nước bọt vào người) chiều tối 11/4. Ảnh: Anh Tuấn.

Luật pháp quốc gia là bộ luật chung cho toàn bộ xã hội. Người dân và người thực thi công vụ đều phải ứng xử theo đúng luật và được luật pháp bảo trợ.

Ngành công an còn có Luật sĩ quan công an nhân dân, vì vậy, muốn biết anh công an đó có vi phạm hay không chỉ cần soi chiếu giữa hành động, lời nói của anh với luật.

Trong trường hợp này, lỗi quan trọng nhất là người công an đó đã vi phạm nguyên tắc ứng xử với người dân khi thực thi nhiệm vụ. Nếu mắc lỗi với dân, người thực thi công vụ phải tìm giải pháp nhanh nhất, nhân văn nhất và tử tế nhất là nói lời xin lỗi. Ngay và luôn sau khi gây lỗi.

Thượng tôn pháp luật, đó là tinh thần của xã hội hiện đại. Anh không thể nhân danh công vụ có hành vi thiếu chuẩn mực trong ứng xử.

Người Việt vốn là một dân tộc trọng tình, từ trong truyền thống đã vốn coi nhẹ cái lý khi ví von: một bồ cái lý không bằng một tí cái tình, nếu nói xin lỗi ngay lập tức, rất có thể người bị xúc phạm sẽ cho qua, kiểu chín bỏ làm mười khiến câu chuyện giảm nhiệt.

Bởi người ta đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại, vì kẻ có lỗi đã biết xin lỗi khi phạm lỗi!

Suy cho cùng, thì công an cũng là con người, họ cũng có lúc không kiềm chế được và khi nổi giận cũng có thể khó giữ được bình tĩnh, giận quá hóa mất khôn, nhưng công an lại là những người thực thi công vụ, không phải tư vụ, nên rất cần sự bình tĩnh, ôn hòa của một phép ứng xử văn hóa với người dân.

Thượng tôn pháp luật, đó là tinh thần của xã hội hiện đại. Anh không thể nhân danh công vụ có hành vi thiếu chuẩn mực trong ứng xử.

Vì ngay cả hai người bình thường cãi nhau, cũng không nỡ nói lời xúc phạm đến thế với nhau, nếu cả hai đều là cư dân đô thị, cùng muốn giữ phép lịch sự, chứ chưa nói tới việc người thực thi công vụ lại có thể cho phép mình coi thường dân đến mức xúc phạm dân nặng lời đến thế!

Công an bị tố nhổ nước bọt xin lỗi công khai

“Thưa chị Tú Anh, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tôi đã có những cử chỉ, hành động chưa đúng. Bản thân tôi sẽ nghiêm khắc kiểm điểm. Tôi xin lỗi chị”, trung úy Bắc nói.

Xã hội đang thiếu vắng tình người

Từ năm 1938, trong sách Việt Nam văn hóa sử cương, học giả Đào Duy Anh đã chỉ rõ và khẳng định xã hội Việt Nam sẽ trải qua bi kịch của sự phát triển. Phát triển từ một xã hội nông nghiệp, sản xuất tiểu nông, lên một xã hội theo mô hình phương Tây, với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.

Vì vậy, xã hội Việt Nam vốn theo mô hình xã hội nông nghiệp truyền thống, chứa nhiều âm tính, chuyển sang xã hội hiện đại lấy mục tiêu dương tính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, thì tất nhiên, sự phát triển này đã mang trong bản thân nó đầy tính bi kịch.

Và hiện nay, bi kịch của sự phát triển đã hiện rõ, nhất là khi ứng xử của người Việt Nam ngay trong gia đình, đã có vấn đề: nhiều giá trị truyền thống bị đảo lộn.

Cần đưa vào chương trình đào tạo các ngành nghề trực tiếp quan hệ với dân các môn “học ăn, học nói, học gói, học mở”, như môn học bắt buộc về phép ứng xử văn hóa trong giao tiếp hiện đại.

Thực ra, trong đó có một phần trách nhiệm của giới truyền thông. Truyền thông vốn có sứ mệnh và trách nhiệm với việc thông tin cho công chúng rộng rãi.

Truyền thông ca ngợi cái gì, phủ nhận cái gì, phê phán cái gì  quả thật là nhiều khi đang lộn tùng phèo. Có vẻ như truyền thông đang hụt hơi khi không nắm giữ được vai trò định hướng của mình.

Ví dự trước chuyện bộ trưởng xin lỗi dân, cần hoan nghênh nhưng không có nghĩa cần tung hô quá và phải coi đây là chuyện bình thường trong xã hội hiện đại.

Hay việc công an có hành xử không đúng mực với người dân thì truyền thông phải đi tới tận cùng vấn đề ứng xử văn hóa của cơ quan công an, phải đề nghi công an xin lỗi dân và phải giải đáp câu hỏi: Vì sao ứng xử của công an lại ra nông nỗi ấy? Nguyên do vì sao? Giải pháp nào để khắc phục?

Muốn trả lời những câu hỏi đó, cần phải học giải mã được các mối quan hệ trong xã hội hiện đại, mà ở đây chính là quan hệ giữa nhà chức trách nắm giữ công quyền với người dân.

Hiện tại, cám ơn và xin lỗi đang thiếu vắng trong xã hội và truyền thông, không đứng ngoài hoặc vô can trong chuyện thiếu vắng này

Cách đây 15 năm, tiếp viên của hàng không Việt Nam bị hành khách chê rất ít khi cười, cau có, mặt không biểu cảm. Sau khi điều tra, nhà chức trách hàng không Việt Nam cũng nhận thấy, ứng xử của tiếp viên hàng không Việt đang đang thiếu vắng nụ cười.

Một vài nhà sư phạm, và tôi, cũng đã được mời lên lớp giảng bài cho tiếp viên về sự cần thiết phải có nụ cười trong ứng xử và giao tiếp với hành khách đi máy bay Việt. Và hiện tại, bộ mặt hàng không Việt đã nhiều thay đổi. Những hình ảnh tiếp viên mặt cau có, hay lạnh như tiền đã hầu như không còn hiện hữu...

Để nâng tầm văn hóa ứng xử của nhà chức trách với công dân lên tầm cao mới, nên chăng, cần đưa vào chương trình đào tạo các ngành nghề trực tiếp quan hệ với dân các môn “học ăn, học nói, học gói, học mở”, như môn học bắt buộc về phép ứng xử văn hóa trong giao tiếp hiện đại.

Từ đó tạo thành chuẩn mực trong ứng xử văn hóa với người dân của người thi hành công vụ. Và đó là mong ước không chỉ của tôi, mà của rất nhiều người dân khác!

Bộ trưởng Cao Đức Phát: 'Tôi xin lỗi người dân'

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát vừa gửi lời xin lỗi tới người dân vì phát ngôn "đa số thực phẩm là an toàn nhưng người dân không biết".





Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái

Bạn có thể quan tâm