Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức mới đây có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Y tế về danh mục dự án dự kiến bố trí từ nguồn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là lần thứ 2 TP.HCM gửi công văn này.
Đề xuất này được gửi đi lần đầu hôm 13/1. Trong đó, TP.HCM đề xuất Trung ương cấp ngân sách cho 184 dự án y tế cơ sở và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM với tổng mức đầu tư 2.081 tỷ đồng và 3 dự án nâng cao năng lực y tế cơ sở với tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau đó chỉ phân bổ 586 tỷ đồng cho 41 xã, phường của TP.HCM (trên tổng số 312 xã, phường) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật vùng tại TP.HCM.
Trong công văn gửi đi lần này, TP.HCM tái khẳng định tầm quan trọng của đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở tuyến huyện, tuyến xã nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và đề nghị 2 bộ chấp thuận bố trí nguồn vốn như đề xuất ban đầu.
Một bệnh viện tại huyện Bình Chánh được chuyển đổi thành nơi điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 trong cao điểm dịch. Ảnh: Duy Hiệu. |
TP.HCM hiện có 110 bệnh viện với 34.388 giường bệnh/8,13 triệu dân, đạt tỷ lệ 42,3 giường/10.000 dân. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn quốc gia, diện tích sàn xây dựng với bệnh viện đa khoa là 80-90 m2/giường bệnh thì chỉ tiêu này ở bệnh viện tuyến thành phố chỉ đạt 36,25 m2/giường bệnh; tuyến quận/huyện chỉ đạt 41,96 m2/giường bệnh, nhiều đơn vị chỉ đạt 11,81-25,31 m2/giường bệnh.
Trong khi đó, hàng năm TP.HCM tiếp nhận khoảng 30 triệu lượt bệnh nhân, 40-60% người bệnh từ các tỉnh khu vực phía nam, dẫn đến tình trạng quá tải tăng dần.
TP.HCM đã ban hành nhiều dự án để nâng cao chất lượng ngành y tế. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách TP.HCM hiện rất khó khăn, không đủ khả năng cân đối, bố trí vốn cho các dự án đầu tư trang thiết bị, xây dựng bệnh viện. Do đó, thành phố đề nghị Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ với mức đề xuất như trên. TP.HCM cam kết hoàn thành các dự án trong giai đoạn 2022-2023.