Theo khảo sát của viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE), vấn đề tự tử của người đồng tính nữ (bao gồm nữ yêu nữ và coi mình là nam dù sinh ra là nữ) ngày một nghiêm trọng. Trong khảo sát của mình, ISEE cho biết: 27,6% người đã từng tự tử; 9,1% người đã hơn 1 lần tự tử. Trong khi đó, ý nghĩ “thà chết đi còn hơn” trong 2 tuần qua có trong 65,9% người; 23,49% có ý nghĩ này hàng ngày.
Nhờ thầy lang “chữa” cho thôi yêu người cùng giới
Định kiến và kỳ thị trong cách đối xử tại gia đình gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe tâm trí của người đồng tính, song tính và chuyển giới. Đó là một trong những nhận định chung được đưa ra tại hội thảo do ISEE vừa tổ chức.
ISEE cho biết, ở Việt Nam, vấn đề này lần đầu tiên được nghiên cứu sâu trong cộng đồng người đồng tính nữ và người chuyển giới từ nữ sang nam. Kết quả cho thấy, định kiến và kỳ thị trong gia đình có liên quan chặt chẽ với tỷ lệ trầm cảm, các hành vi tự hủy hoại bản thân, ý nghĩ tự tử và hành vi tự tử của giới này.
Trong số 2.037 người tham gia nghiên cứu, những người thường xuyên bị gia đình đối xử tiêu cực nhất có khả năng bị trầm cảm gấp đôi so với người có cuộc sống gia đình yên ả. Họ cũng có ý nghĩ “thà chết còn hơn” và tỷ lệ tự tử cao hơn nhiều so với nhóm người có cuộc sống êm ả hoặc chỉ phải chịu sức ép vừa phải.
Một tỷ lệ không nhỏ những người đồng tính nữ đã bị gia đình nhờ đến bệnh viện, bác sĩ hoặc thầy lang “chữa” cho... thôi yêu người cùng giới. Những người này cũng có tỷ lệ (có thể) bị trầm cảm, tỷ lệ nghĩ đến cái chết và tỷ lệ tự tử cao hơn các nhóm khác.
Nghiên cứu mới đây của ISEE cho thấy, quan niệm phổ biến vẫn coi đồng tính là một căn bệnh cần được chữa trị và có thể chữa trị, mặc dù tổ chức Y tế Thế giới đã khẳng định đồng tính không phải là bệnh.
“Các quan niệm sai lệch này khiến bạo lực gia đình khó nhận biết hơn khi người đồng tính và gia đình họ đều che giấu hành vi bạo lực do e ngại kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội”, ông Lê Quang Bình – Viện trưởng viện ISEE nói.
Sự kỳ thị, định kiến và phân biệt đối xử này một phần là do nhiều người cho rằng đồng tính là có lối sống suy thoái hoặc đua đòi.
“Một số phân tích mô tả người đồng tính như những người có tư cách đạo đức không tốt, đời sống tình dục chứa nhiều nguy cơ, có nhiều bạn tình và không có nhu cầu tình cảm gia đình”, báo cáo của ISEE cho biết.
Xích chân con ép bỏ “thói a dua học đòi làm người đồng tính”
Người đồng tính, song tính và chuyển giới thường là nạn nhân của các hình thức bạo lực do xu hướng tình dục hoặc bản dạng giới khác biệt. Đau lòng hơn khi nhiều người bị bạo lực do chính người thân của mình.
Theo kết quả nghiên cứu hành động về phòng chống bạo lực đối với nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, trong số 17 nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, có 13 trường hợp người gây bạo hành là người thân và 16 trường hợp bạo hành xảy ra ngay tại gia đình – nhiều nhất trong số các đối tượng gây bạo hành và địa điểm xảy ra bạo hành.
Khác với nhóm đồng tính thường hé lộ xu hướng tình dục vào tuổi dậy thì, người chuyển giới thường biểu hiện giới khác biệt với giới tính sinh học từ khi còn nhỏ như thích mặc đồ khác giới, con trai thích chơi trò con gái hoặc yểu điệu giống con gái. Do đó, nhóm trẻ chuyển giới có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình từ khi còn nhỏ. Các hình thức bạo hành có thể là bạo hành tinh thần, thân thể hoặc tình dục.
“Em sinh ra là con trai, ba mẹ lục đồ em toàn là đồ con gái em để dành nên mẹ la mắng em, ba thì đánh đập dữ lắm. Ba mẹ nói thà không đẻ mày ra, mày làm nhục dòng họ… nên em phải bỏ nhà đi một thời gian”, một người chuyển giới nam sang nữ ở TP.HCM nói.
Trong khi đó, hình thức bạo lực tinh thần là phổ biến nhất mà giới này thường gặp phải. Tất cả các trường hợp tham gia khảo sát đều cho biết đã trải nghiệm các dạng bạo hành tinh thần như la mắng, sỉ nhục ở các mức độ khác nhau.
Cũng do quan niệm đồng tính là đua đòi, a dua, nhiều trường hợp bị cha mẹ đánh vì cho rằng các em tự chọn cho mình xu hướng tình dục và bản dạng giới khác biệt, làm ảnh hưởng đến danh dự của gia đình.
Một người chuyển giới cho biết, khi còn nhỏ từng bị người cậu đánh gẫy chiếc roi mây trong khi các dì của em không nói gì. Thậm chí, có nhiều gia đình xích người thân đồng giới vào chân giường hoặc bị nhốt và bỏ đói cho đến khi nào chịu từ bỏ “thói a dua, học đòi làm người đồng tính” hoặc bị cha mẹ dùng roi đánh chảy máu rồi đổ nước mắm lên vết thương “cho chừa tội học thói đua đòi làm con gái”.
“Bố đánh em nói là 'tao không chấp nhận một thằng đồng tính trong nhà, tao sinh ra mày là con trai đàng hoàng, tao lo cho mày như bao nhiêu đứa khác mà sao mày lại như vậy?'”, một trẻ đồng tính nam tại TP.HCM tâm sự.
Nhiều năm làm công việc tư vấn cho những người đồng tính, anh Lương Thế Huy – cán bộ pháp lý ISEE cho biết, nhiều tin nhắn đã làm anh rơi nước mắt.
“Đời em không bao giờ lên xe hoa, chỉ lên xe tang. Hát, cúng đám ma cho người ta, không biết đám ma mình có ai không?”, anh Huy chia sẻ một cuộc điện thoại của một người đồng giới.
Theo anh Huy, các cuộc điện thoại anh tiếp nhận được từ những nữ đồng giới thường là khi họ đã bị bạo hành, không thấy lối thoát; còn với những nam đồng giới, thường gọi đến khi đang chưa biết mình là ai, mình thực sự như thế nào.
“Bên kia đường dây đang là một con người, không chỉ là tín hiệu điện thoại, nó là tín hiệu của hy vọng, tín hiệu của sự sống. Bên kia chiếc bàn tư vấn là cánh cửa để người đồng tính bước ra khỏi căn phòng và đi tiếp con đường của họ. Trong nhiều con người mà người đó sẽ đi, tôi mong rằng sẽ có một con đường gọi là đường về nhà, con đường quay lại nhìn thấy bản thân. Tất cả xã hội, mọi người, từng người, có thể giúp cho con đường về nhà của người đồng tính, song tính, chuyển giới có thể ngắn hơn, bớt ghập ghềnh và tươi sáng hơn con đường lúc họ ra đi”, anh Huy nhắn nhủ.
Ngày 19/6 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Đạo luật vừa được thông qua không có quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, và trong luật cũng quy định rõ Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quang Bình – Viện trưởng viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE) cho rằng đây là một điều đáng thất vọng.
“Đáng lẽ Việt Nam có thể làm nhiều hơn thế. Pháp luật có một cái rất nguyên tắc là bình đẳng, không phân biệt đối xử. Rõ ràng trong lần thông qua này, hôn nhân người đồng tính không được thừa nhận và quyền mưu cầu hạnh phúc của họ không được thừa nhận. Việc chuyển từ cấm sang không thừa nhận thực ra cũng là một bước tiến nhưng chưa đủ. Quyết định này ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý xã hội nói chung và của người đồng tính nói riêng. Có gia đình nói thẳng: Nhà nước đã thừa nhận đâu mà đòi người khác công nhận; hoặc có ý nghĩ chưa thừa nhận có nghĩa là có gì đó không ổn khiến kỳ thị người đồng tính không được xóa bỏ. Nhiều người coi luật pháp là chuẩn mực và khi luật pháp chưa thừa nhận thì cha mẹ không thừa nhận được. Điều này càng làm cho vấn đề bạo hành nhức nhối hơn. Rất đáng tiếc, Luật hôn nhân và gia đình không trở thành công cụ giáo dục xã hội nâng cao nhận thức hơn trong vấn đề bảo vệ quyền lợi của người đồng tính”.
Đám cưới đồng tính nữ gây xôn xao ở Trà Vinh
7 1
Ngày 16/6, đám cưới của một cặp đồng tính nữ tại Trà Vinh đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người dân địa phương.
Không cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính
4
Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) không có quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính và cũng quy định Nhà nước không thừa nhận việc này.
Đám cưới đồng tính trong khu nhà trọ
45 17
Hơn 250 thực khách tới dự, một phần là những người đồng tính. Người dân tới xem đám cưới đồng tính đông nghẹt vì tò mò.