Khi đó, Xiaomi đang từ vị trí số 1 rớt xuống số 5, và không ai nghĩ rằng hãng này có thể khôi phục trong thời gian ngắn.
Xiaomi hiện tại là “phượng hoàng Trung Quốc” có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục trong năm qua. Công ty nghiên cứu thị trường Strategy Analytics thậm chí còn dự đoán hãng này sẽ qua mặt cả Oppo, Huawei và Apple trong năm tới, trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới chỉ sau Samsung.
Có tin giới lãnh đạo Xiaomi đang cân nhắc kế hoạch IPO vào năm tới với giá trị dự kiến đạt được sẽ rất lớn.
Xiaomi đã có cú ngược dòng ngoạn mục, hướng tới mục tiêu hãng sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới, vượt cả Apple. |
Sự trở lại của Xiaomi nói lên nhiều điều về cơ cấu doanh nghiệp Trung Quốc. Mỗi ngày nước này có hơn 10.000 doanh nghiệp mới ra đời, trung bình mỗi phút có 7 công ty khởi nghiệp (startup) mới.
Trong khi đó tại Mỹ, số startup đã giảm 36% trong 10 năm qua, trung bình chỉ còn khoảng 1.000 startup ra đời mỗi ngày.
Trung Quốc đã vượt Mỹ trong một số lĩnh vực công nghệ chủ chốt như thanh toán điện tử, đồng thời tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực vi chip cao cấp và trí tuệ nhân tạo. Xiaomi chính là ví dụ điển hình.
Vậy Xiaomi đã làm gì để gượng dậy từ cú ngã ngựa cách đây một năm?
Trước hết cần nói đôi chút về thời kỳ đen tối của Xiaomi giai đoạn 2015 – 2016. Khi đó, doanh số smartphone của hãng giảm tới 40% từ 70 triệu sản phẩm năm 2015 xuống chỉ còn 41 triệu sản phẩm năm 2016.
Nhà sáng lập Xiaomi, tỷ phú Lei Jun – người được gọi là “Steve Jobs của Trung Quốc – đổ lỗi cho dây chuyền cung ứng sản phẩm chậm chạp không đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của công ty.
Xiaomi đã phải rút lui khỏi một số thị trường nước ngoài, trong đó có Brazil và Indonesia. Ngoài ra, các vấn đề khác như cơ cấu mảng phần cứng smartphone, R&D, quản lý chất lượng… cũng khiến Xiaomi gặp khó khăn.
Một trong những vấn đề lớn nhất của Xiaomi là phụ thuộc hoàn toàn vào kênh phân phối trực tuyến, khiến sản phẩm không thể tiếp cận hàng triệu người dùng Trung Quốc tại các thành phố nhỏ và nông thôn.
Trong khi đó, các đối thủ như Oppo và Vivo lại kết hợp với chuỗi cửa hàng bán lẻ để phủ sóng các khu vực này.
Chiến lược hệ sinh thái
Giới lãnh đạo Xiaomi đã quyết định cần chỉnh sửa mô hình kinh doanh, bổ sung thêm cửa hàng bán lẻ. Cửa hàng này không chỉ là nơi bán điện thoại mà còn tạo mối gắn kết với khách hàng.
Giải pháp đưa ra là xây dựng hệ sinh thái khoảng 100 startup đóng vai trò như đối tác của Xiaomi nhằm đa dạng hóa sản phẩm cung cấp cho khách hàng.
Chẳng hạn, người dùng không chỉ mua điện thoại hoặc TV tại cửa hàng của Xiaomi (Mi Home Stores), mà còn mua được các vật dụng khác như loa Bluetooth, nồi cơm điện kết nối Internet, hoặc máy lọc không khí giá rẻ.
Trung Quốc có mức độ ô nhiễm không khí rất cao. Người dân có nhu cầu mua sắm thiết bị lọc không khí để bảo vệ sức khỏe. Nhưng một chiếc máy lọc không khí chất lượng giá lên tới 500 USD. Xiaomi liền cấp vốn cho một startup sản xuất thiết bị dạng này với giá rẻ chỉ bằng một 1/5.
Kết quả, máy lọc không khí Mi Air Purifier 2 ra đời với giá bán chỉ 105 USD. Thiết bị có thể kết nối với smartphone, cho phép người dùng theo dõi không khí trong nhà, đồng thời cảnh báo khi bộ lọc cần thay thế.
Chỉ trong hai tháng, Xiaomi trở thành nhà cung cấp máy lọc không khí hàng đầu Trung Quốc.
Tỷ phú Lei Jun , nhà sáng lập - CEO của Xiaomi. |
Cách làm này cũng được áp dụng tương tự cho thiết bị đeo tay sức khỏe. Xiaomi làm ra thiết bị có pin dùng được 60 ngày, và hiện là hãng sản xuất thiết bị đeo tay sức khỏe đứng đầu thế giới, trên cả Fitbit và Apple.
Xiaomi cũng cung cấp ra thị trường pin sạc dự phòng công suất lớn, thời gian sạc nhanh hơn, giá thấp hơn đối thủ. Hiện hãng cũng đứng đầu thế giới trong lĩnh vực này.
Tất cả sản phẩm thuộc hệ sinh thái của Xiaomi, từ gối ngủ tới máy lọc không khí, nồi nấu cơm, loa bluetooth… đều giúp giải quyết bài toán giá cả - hiệu năng nan giải cho người dùng. Các sản phẩm có giá phải chăng và được thiết kế khá tốt.
Strategy Analytics cho biết doanh số smartphone của Xiaomi đã tăng 91% trong quý 3 vừa qua, và doanh thu ước lượng đạt 17 tỉ USD trong năm nay.
Mở rộng toàn cầu
Tuy nhiên, phó chủ tịch cao cấp Wang của Xiaomi nói rằng công ty vẫn phải đối mặt với nhiều thử thách, nhất là khi tiếp cận thị trường toàn cầu. Xiaomi đang nỗ lực xâm nhập vào thị trường Mỹ, dự kiến vào năm 2019 hoặc sớm hơn.
Xiaomi không phải công ty Trung Quốc đầu tiên bán smartphone tại Mỹ. Huawei vừa xác nhận kế hoạch bán smartphone tại thị trường Mỹ vào năm 2018.
Trước đó, Xiaomi cũng mở rộng ra Tây Âu, gần nhất là thị trường Tây Ban Nha. Hãng này đã chi rất nhiều tiền mua bằng sáng chế phần mềm tránh bị kiện tụng tốn kém khi mở rộng ra thị trường nước ngoài. Hãng hiện có 5.700 sáng chế phần mềm, kể cả sáng chế mua từ Microsoft và Nokia
Ngoài thị trường Trung Quốc, Xiaomi đang bán sản phẩm tại 60 quốc gia. Hãng đã đầu tư 4 tỷ USD cho hệ sinh thái đối tác Trung Quốc, đồng thời tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ USD cho 100 startup tại Ấn Độ.
Tháng trước, Xiaomi công bố kế hoạch mở rộng hợp tác chiến lược với Baidu, cùng phát triển sản phẩm trí tuệ nhân tạo cho thị trường Internet of Things (IoT). Hãng này đặt mục tiêu xây dựng hơn 2.000 cửa hàng bán lẻ Mi Home Stores vào năm 2019.