Ngày nay, trẻ em đang dành quá nhiều thời gian dán mắt vào điện thoại, máy tính bảng, TV. Ảnh: Shutterstock. |
Nhiều bậc cha mẹ thường đưa máy tính bảng hoặc điện thoại cho con để trẻ xem phim hoạt hình hoặc video hấp dẫn với trẻ. Họ cũng có thể bật TV để trẻ chăm chú theo dõi trong khi người lớn làm việc. Điều này có thể giúp ích cho cha mẹ, nhưng về lâu dài, nó có thể không tốt cho trẻ.
Trên thực tế, vào năm 2018, nhà tâm lý học người Romania Marius Teodor Zamfir đưa ra cụm từ “chứng tự kỷ ảo”. Theo ResearchGate, ông Zamfir đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc dành quá nhiều thời gian với các thiết bị điện tử có màn hình và chứng tự kỷ.
Ông nhận thấy những trẻ từ 0 đến 3 tuổi, dán mắt vào màn hình hơn 4 giờ mỗi ngày bị “thiếu thốn về cảm giác - vận động và tình cảm xã hội”. Điều này kích hoạt hành vi tương tự những gì ở trẻ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD).
Chứng “tự kỷ ảo”
Trên Healthshots, tiến sĩ Rajat Chopra, chuyên gia tư vấn thần kinh học, Bệnh viện Narayana Superspeciality, Gurugram, Ấn Độ, đã chia sẻ thêm về chứng “tự kỷ ảo”.
Ông nói “tự kỷ ảo” không phải là một thuật ngữ y học hay tâm lý học được công nhận. Theo ông, tiếp xúc quá nhiều với màn hình không gây ra bệnh tự kỷ. Đó là một tình trạng phát triển thần kinh với nguyên nhân phức tạp, liên quan đến sự kết hợp của các yếu tố di truyền, môi trường và thần kinh.
Mặc dù nghiên cứu về mối quan hệ giữa thời gian sử dụng thiết bị và bệnh tự kỷ vẫn đang được tiến hành, hiện tại, không có bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy thời gian sử dụng thiết bị quá nhiều có thể trực tiếp gây ra chứng tự kỷ ở trẻ em.
Trong số các công trình nghiên cứu khác nhau, một nghiên cứu được công bố trên Jama Network đã chỉ ra ở các bé trai, thời gian xem màn hình lâu hơn khi được một tuổi liên quan đáng kể đến chứng tự kỷ khi lên 3.
Một nghiên cứu khác được công bố trên Frontiers in Psychiatry đã xem xét hơn 150 trẻ em. Trong số đó, 101 trẻ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ và 57 trẻ đang phát triển bình thường. Các nhà nghiên cứu phát hiện thời gian sử dụng thiết bị của trẻ mắc ASD dài hơn so với trẻ phát triển bình thường. Họ cũng nhận thấy thời gian xem màn hình có tương quan với các triệu chứng tự kỷ.
Việc trẻ dành quá nhiều thời gian xem TV, điện thoại ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Ảnh: India Times. |
Tác hại của dán mắt vào màn hình quá nhiều
Chuyên gia cho biết nghiên cứu về bệnh tự kỷ và thời gian sử dụng thiết bị có thể đang được tiến hành, nhưng thời gian sử dụng thiết bị quá nhiều ở trẻ em có thể góp phần gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.
Thời gian sử dụng màn hình quá mức có thể ảnh hưởng xấu đến trẻ theo các khía cạnh:
Phát triển ngôn ngữ và nhận thức
Thời gian sử dụng thiết bị quá nhiều có thể thay thế các cơ hội vui chơi vận động, tương tác xã hội và phát triển ngôn ngữ, vốn rất quan trọng đối với các kỹ năng ngôn ngữ và nhận thức tổng thể của trẻ.
Điều tiết hành vi và cảm xúc
Tiến sĩ Chopra cho biết một số nghiên cứu cho thấy có thể có mối liên hệ giữa thời gian sử dụng thiết bị quá nhiều và các vấn đề về hành vi như vấn đề về sự chú ý, tính bốc đồng, khả năng điều tiết cảm xúc kém. Tuy nhiên, nguyên nhân và các cơ chế cơ bản vẫn đang được xem xét thêm.
Rối loạn giấc ngủ
Tiếp xúc với màn hình, đặc biệt vào buổi tối hoặc ban đêm, có thể ảnh hưởng đến chất lượng và kiểu ngủ, dẫn đến khó ngủ hoặc giấc ngủ bị gián đoạn.
Mỏi mắt và các vấn đề về thị lực
Việc sử dụng màn hình trong thời dài, đặc biệt khi không có quãng nghỉ hợp lý hoặc khoảng cách xem thích hợp, có thể dẫn đến mỏi mắt, khô mắt, nhìn mờ và các vấn đề khác liên quan đến thị lực.
Lối sống ít vận động
Dành quá nhiều thời gian trước màn hình thường dẫn đến lối sống ít vận động hơn. Điều này có thể góp phần làm tăng nguy cơ béo phì và các vấn đề sức khỏe liên quan.
Do đó, theo chuyên gia, cha mẹ đảm bảo rằng con có thể tìm thấy sự cân bằng giữa thời gian sử dụng thiết bị điện tử và các hoạt động khác, chẳng hạn chơi thể thao, tương tác xã hội và theo đuổi sáng tạo.
Chữa lành bằng sách
Mục Sức khỏe giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề sức khỏe tâm thần dành cho bạn đọc có quan tâm:
Chữa lành sau sang chấn: "Chữa lành sau sang chấn" là một cách tiếp cận sức khỏe tinh thần, thể chất và tâm linh gọi là tâm lý học toàn diện, nơi người tham gia cam kết thực hành mỗi ngày để tự giúp mình khỏe mạnh bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu tiêu cực, chữa lành quá khứ.
Đại dương đen là tiếng nói sẻ chia với thế giới của người trầm cảm, đồng thời là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, để những con người ấy có cơ hội được sống hạnh phúc.