Không chỉ Tết mẹ, Tết cha, Tết thầy, người miền Tây còn có tục Tết nhà, Tết vườn, Tết giếng… Tục lệ này được tác giả Trần Minh Thương viết trong cuốn Ăn Tết, chơi Tết miền Tây.
Tục lệ này xuất phát từ việc sau bữa cơm cúng rước ông bà chiều 30 Tết, người miền Tây sẽ nghỉ ngơi. Mọi thứ đã dự trữ sẵn trong nhà, ăn thì ăn đồ đã chuẩn bị sẵn. Những đồ ăn như cá đã ở trong lu, rau làm dưa chua, ớt hiểm, rau đồng, dừa tươi… đều được hái từ trước. Vì vậy, cây cối trong vườn không được hái, trâu bò trong chuồng chỉ ăn cỏ và rơm dự trữ chứ không ra đồng, giếng nước được đậy kín nắp.
Tục "coi giò gà" ngày Tết. Ảnh chụp từ sách. |
Mọi nhà ăn Tết, cho đến ngày mùng 3, người ta mới thực hiện Tết nhà, Tết vườn, Tết trâu… để cho mọi thứ cũng bắt đầu một năm mới. Mỗi phong tục này lại có những nghi thức riêng.
Tết nhà thường được tiến hành vào sáng mùng 3, nhà nhà thường làm thịt gà trống nấu cháo để cúng ba vị Hành khiển, Hành binh và Pháp quan. Mâm cúng gồm mấy bát cháo, đĩa gạo muối, gà luộc, cặp chân gà chặt rời buộc dây, tiền vàng, đĩa nến, đèn cày, bánh phồng nướng, nhành mai vàng, đĩa trái cây, bộ quần áo giấy…
Sau khi chủ nhà cúng xong, một người có kinh nghiệm sẽ xem chân gà để xem tài vận gia chủ trong năm mới. Chân gà sau khi xem xong được buộc lên gác bếp, nhờ khói củi lửa hong khô, trở nên đen bóng, để được lâu.
Tết vườn (cúng đất đai viên trạch) là tục cúng long thần, thổ thần cai quản vườn tược. Tục lệ này nhằm xin giúp gia chủ được hai trái, bẻ cây trong năm mới, vòng quay mới. Mâm cúng thổ thần có gà luộc, mấy bát cháo, đĩa trứng vịt, con tôm và miếng thịt lợn luộc, địa gạo muối, giấy tiền vàng… Sau khi cúng xong, gia chủ sẽ mang gạo, muối vãi ra vườn. Sau đó dùng kéo cắt giấy vàng bạc dán lên những thân cây trong vườn.
Tết giếng là nghi thức để dùng giếng trở lại sau mấy ngày Tết. Người ta bưng mâm bánh trái ra thành giếng, mở nắp giếng múc lấy bát nước trong, đặt vào mâm rồi làm lễ cúng. Lễ cúng cầu mong thần giếng đem lại dòng nước mát lành, mong mưa thuận gió hòa. Cúng xong, một miếng giấy vàng bạc hoặc giấy đỏ được dán lên thành giếng để mừng tuổi. Sau đó, giếng nước được sử dụng bình thường.
Sách Ăn Tết chơi Tết miền Tây. |
Tết trâu là tục đẹp của người miền Tây, ngày nay hầu như bị mai một, do con trâu ít được sử dụng để cày bừa trong nông nghiệp.
Ngày mùng 4, người ta mang mâm trái cây, thúng gạo, giầy tiền vàng bạc, rượu trà để cúng “ông chuồng”, “bà chuồng”. Sau khi cúng, chủ nhà đổ rượu vào miệng, mũi trâu đực, đổ nước trà vào miệng mũi trau cái, lấy giấy vàng bạc dán vào hai sừng. Chủ nhà mang bao lì xì hoặc thúng gạo, bánh tét cho trẻ chăn trâu như cách thưởng cho công khó nhọc cả năm chăm bẵm trâu.