Xe tăng Trung Quốc 'còi cọc' vì sử dụng công nghệ cấm?
Xe tăng chiến đấu chủ lực Type-99 là ví dụ điển hình về khả năng lai tạo của kỹ sư Trung Quốc để phát triển vũ khí cho riêng mình song không thành công bởi vướng định chế pháp lý.
Được triển khai chế tạo hơn một thập kỷ trước, cỗ máy chiến tranh mặt đất Type-99 đã trải qua nhiều lần cải tiến, nâng cấp về thiết bị điện tử, vũ khí, các khía cạnh khác của thiết kế.
Dù có một số ưu điểm so với các dòng xe tăng trước đó nhưng Type-99 đã không thể trở thành một “ông lớn” không chỉ về phân loại mà còn ở một số khía cạnh khác về khả năng tác chiến.
Type-99 được trang bị súng máy 12,7mm nhưng pháo thủ phải thò đầu ra ngoài để bắn điều này làm giảm giá trị của một chiếc xe tăng hiện đại. |
Yêu cầu về một chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại đã được Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) đề ra từ giữa thế kỷ trước.
PLA đã yêu cầu tổng công ty công nghiệp phương Bắc Trung Quốc NORINCO phải phát triển một chiếc xe tăng có thể tác chiến ở khoảng cách gia và thu hẹp khoảng cách về chất lượng giữa xe tăng Trung Quốc so với xe tăng nước ngoài.
Lai ghép Đông - Tây
Để đáp ứng yêu cầu này thì việc lựa chọn vũ khí, thiết bị điện tử, giáp cho xe tăng đã ngốn rất nhiều thời gian trong giai đoạn phát triển.
Sự tồn tại của chương trình xe tăng Type-99 ban đầu được biết đến với tên gọi Type-88G. Loại xe tăng này bắt đầu được chú ý khi nó xuất hiện trong cuộc diễu binh năm 2000.
Theo các phân tích của chuyên gia quân sự, xe tăng Type-99 là một thiết kế lai ghép.
Khung gầm của nó được thiết kế dựa trên xe tăng T-72 của Nga. Tuy nhiên, thân xe được kéo dài, bố trí bên trong xe tăng vẫn theo kiểu cổ điển.
Một trong những lý do của việc kéo dài thân xe là để phù hợp với động cơ MTU- WD 396 công suất 1.200 mã lực nhập khẩu từ Đức. Ngoài ra, thân xe và bố trí khối chiến đấu, đạn dược bên trong theo kiểu của Nga, còn tháp pháo hàn theo kiểu phương Tây (từ mẫu xe tăng Leopard của Đức).
Xe được trang bị hệ thống nạp đạn tự động tương tự như xe tăng T-72, sử dụng pháo chính 2A46 125mm của Nga với khối đạn dược nằm bên trong tháp pháo. Thiết kế này khiến xe rất dễ bị phá hủy khi khối đạn dược này bị bắn trúng.
Type-99 dài 11 mét, cao 2,2 mét, rộng 3,4 mét, trọng lượng 54 tấn, tốc độ tối đa 80 km/h, tầm hoạt động 400 km, kíp điều khiển 3 người. |
Theo các giới thiệu từ Trung Quốc, pháo chính 2A46 của Nga sau khi được Trung Quốc cải tiến đạt hiệu suất vượt qua biến thể pháo tăng nâng cấp của Nga là 2A46M1 đến 45%. Thông số này làm dấy lên mối hoài nghi về tính chính xác của nó.
Hệ thống nạp đạn tự động của xe tăng Type-99 có sẵn 22 viên đạn trên ổ quay, số còn lại khoảng 20 viên được lưu trữ trong khoang tháp pháo và phải nạp bằng tay.
Về mặt lý thuyết hệ thống nạp đạn tự động có khả năng bắn 7-8 phát/phút nhưng thực tế ít hơn nhiều. Pháo chính được ổn định bằng hệ thống ổn định 2 trục cho phép nó bắn trong khi đang di chuyển ở tốc độ thấp.
Pháo chính này còn có khả năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng pháo loại 9K119 của Nga được sản xuất tại Trung Quốc theo giấy phép.
Phía trước xe và tháp pháo được trang bị giáp hỗn hợp (không được tiết lộ chủng loại). Không chỉ vậy, phía trước tháp pháo được trang bị thêm lớp giáp composite kiểu modun, cho phép thay thế các tấm giáp bị hư hỏng trong quá trình chiến đấu. Độ dày quy đổi giáp bảo vệ phía trước xe tương đương một lớp giáp bằng thép dày 1.000-1.200mm.
Hệ thống điện tử của xe tăng Type-99 dựa trên 2 hệ thống quang truyền hình và hồng ngoại, chỉ huy xe tăng được trang bị hệ thống quan sát toàn cảnh. Một tính năng khá thú vị của Type-99 là chỉ huy và pháo thủ đều có thể nhìn thấy mục tiêu trên 2 màn hình hiển thị phía trước mặt. Khả năng này tạo thuận lợi trong việc lựa chọn vũ khí để tấn công mục tiêu.
Ngoài ra, xe tăng Type-99 còn được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động bằng tia laser. Hệ thống được biết đến với tên gọi JD-3 hoặc ZM87. Hệ thống này hoạt động như sau: khi phát hiện có sự chiếu xạ laser vào xe tăng, hệ thống này sẽ tự động phát ra các chùm tia laser năng lượng thấp về phía mục tiêu, mục tiêu có thể bị tấn công bằng các vũ khí dẫn hướng hoặc từ pháo tăng.
Một tính năng gây tranh cãi của hệ thống này là có khả năng phát ra các chùm tia laser năng lượng cao làm phá hủy hệ thống điện tử và gây mù tạm thời cho người sử dụng hệ thống quang điện của đối phương. Chùm laser năng lượng cao này có thể tác động ở cự ly tới 10 km.
Bộ binh đi kèm với xe tăng Type-99 được khuyến cáo là không nhìn vào xe tăng khi hệ thống JD-3 vì cũng có thể bị mù tạm thời nếu tia laser quét qua. Điều đáng nói là việc phát triển các hệ thống phát tia laser gây lóa mắt đã bị cấm trong các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Xe tăng Type-99 đang tiếp tục được nâng cấp. Type-99G là biến thể được giới thiệu vào năm 2000. Một biến thể khác được phát triển sau đó là Type-99A. Trong đó, Type-99 A1 là biến thể đầu tiên được trang bị giáp cảm ứng nổ ERA do Trung Quốc sản xuất. Một biến thể khác là Type-99A2 được dự định trang bị động cơ tới 1.500 mã lực và trang bị pháo chính có cỡ nòng lên tới 150mm.
Dù được đánh giá hiện đại nhất trong kho xe tăng Trung Quốc nhưng Type-99 vẫn khó lòng cạnh tranh được so với các loại xe tăng của phương Tây và Nga.
Việc vướng vào các định chế pháp lý trong việc phát triển hệ thống phòng vệ cho xe tăng đã làm giảm giá trị của chiếc xe tăng này.
quốc việt
Theo Infonet