Sáng 2/4, ông Đặng Văn Hiếu - Chánh văn phòng UBND huyện Ea Kar (Đắk Lắk), cho biết liên quan đến việc sập cầu dân sinh tại xã Xuân Phú đơn vị đã chỉ đạo địa phương làm đường tạm để người dân đi lại.
Theo ông Hiếu, sau khi xảy ra sự việc, UBND huyện đã giao cho công an vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân sập cầu.
Hiện trường vụ sập cầu. Ảnh: M. Q |
Trao đổi với phóng viên, đại tá Trần Duy Trường - Trưởng Công an huyện Ea Kar, thông tin khi xảy ra sự việc, đơn vị đã cử cán bộ phối hợp với Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh và các bên liên quan tổ chức khám nghiệm hiện trường.
"Đến tối qua, các đơn vị đã hoàn tất công tác khám nghiệm. Tuy nhiên, do chưa kéo được xe tải bị lật ra khỏi hiện trường nên chưa thể khám nghiệm phương tiện và thống kê thiệt hại. Khi có thống kê cụ thể thì mới biết thẩm quyền khởi tố vụ án thuộc huyện hay là công an tỉnh", đại tá Trường nói.
Ông Đào Đức Hoàng - Phó chủ tịch UBND xã Xuân Phú cho biết việc sập cầu dân sinh khiến 3.000 hộ dân của thôn Hàm Long bị ảnh hưởng trực tiếp. Để giúp người dân đi lại, địa phương đã cho làm đường tạm cách cầu 10 m và đến 19h cùng ngày đã hoàn thành.
Ôtô tải và xe đạp điện của em Thi tại hiện trường. Ảnh: M. Q |
"Địa hình khu vực sập cầu không bằng phẳng nên việc di chuyển khó khăn. Sáng nay, đơn vị cứu hộ lật xe tải và kéo ra khỏi hiện trường chứ không thể cẩu trực tiếp vì phương tiện quá nặng”, vị Phó chủ tịch cho biết.
Trước đó, khoảng 6h ngày 4/1, xe tải do tài xế Nguyễn Thành Luân (32 tuổi, ngụ xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) điều khiển chở khoảng 15 m3 cát lưu thông khiến cầu sắt bắc qua sông Krông Năng nối thôn 7 và Hàm Long bị sập.
Vụ việc khiến xe tải và em Võ Thị Huy Thi (13 tuổi) đi học ngang qua rơi xuống sông. Em Thi bị gãy 3 đốt xương và chấn thương phần mềm ở lưng.
Theo các cơ quan chức năng, cầu có trọng tải 10 tấn, nhưng tài xế vẫn cho xe nặng 30 tấn đi qua. Cầu sắt thuộc thôn 7, xã Xuân Phú bị trận lũ lịch sử cuốn trôi từ năm 2006. Sau đó, chính quyền và người dân đã dựng tạm cây cầu này để người dân ở 2 bờ đi lại.