Việc Ngân hàng Trun ương Trung Quốc (PBoC) liên tục điều chỉnh giảm tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ (NDT) những ngày qua ít nhiều đã gây ra tác động tiêu cực đến hoạt động giao thương hàng nông sản tại khu vực cửa khẩu Việt – Trung.
Nông sản nằm chờ qua biên
Gần một tuần qua, hoạt động giao thương tại cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) lại tái diễn cảnh ùn ứ hàng hóa, khi hàng trăm chiếc xe chở nông sản (chủ yếu là thanh long, chôm chôm, nhãn) phải “án binh bất động” chờ doanh nghiệp Trung Quốc và tiểu thương Việt Nam “soi” giá hợp lý mới có thể xuất hàng. Tình trạng này đang làm nhiều tiểu thương khóc ròng, vì khả năng phải quay đầu xe về “nơi sản xuất” hoặc xuất hàng với giá thấp hơn so với “hợp đồng” miệng ban đầu. Nguy cơ lỗ vốn là khó tránh khỏi.
Theo ghi nhận của PV báo Giao thông, chiều 14/8, gần 200 chiếc xe ôtô hạng lớn (chủ yếu là container) chở nông sản thanh long, chôm chôm, nhãn… tắt máy, nối đuôi nhau nằm chờ xuất hàng dài 3 km từ khu vực Pác Luống, xã Tân Thanh đến khu vực bến bãi của cửa khẩu. Công tác làm thủ tục xuất quan vẫn diễn ra nhưng không tấp nập, nhiều tiểu thương cầm chừng không có ý định làm giấy tờ xuất quan, vì đợi phía doanh nghiệp Trung Quốc ổn định giá nông sản.
Những chuyến hàng nông sản vẫn được xuất quan sang nước bạn nhưng không tấp nập như ngày thường. |
Tiểu thương Nguyễn Thị Lành cho biết: “Trong tháng 7 âm lịch, nhu cầu tiêu thụ các loại nông sản, chủ yếu là thanh long và chuối xanh của Trung Quốc tăng khá cao. Vừa lúc trái thanh long của Việt Nam đang vào chính vụ, sản lượng thu hoạch lớn, nên tiểu thương có nhiều hàng. Tuy nhiên, việc xuất hàng sang nước bạn đang gặp khó khăn, vì các tiểu thương Trung Quốc lật giá, không như giao kèo ban đầu khiến hàng trăm xe chở hàng phải nằm chờ để thỏa thuận.
May mắn là trái thanh long được bảo quản trong các thùng hàng container lạnh nên khả năng úng thối sẽ không xảy ra. Chúng tôi vẫn có thời gian để chờ đợi, nhưng nếu 3-4 ngày nữa mà không thể xuất quan thì buộc xe hàng của tôi phải quay đầu mang về Hà Nội đổ hàng”.
Hệ quả từ việc phá giá NDT
Trao đổi với PV báo Giao thông, ông Phùng Quang Hội (Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh) cho biết: “Việc tỷ giá đồng nhân dân dân tệ phá giá trong những ngày qua đã có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động mua bán giữa các doanh nghiệp, tiểu thương Trung Quốc và Việt Nam tại các cửa khẩu, trong đó có cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Hiện tại, hàng nông sản, chủ yếu là quả thanh long từ miền Trung và miền Nam chuyển ra cửa khẩu đang bị giảm giá. Trung bình có hơn 100 xe chở thanh long mỗi ngày đang phải nằm lại tải cửa khẩu".
Hàng trăm chiếc xe chở nông sản bất ngờ phải nằm chờ xuất quan vì ảnh hưởng của việc Trung Quốc phá giá đồng NDT. |
Tuy nhiên, ông Hội khẳng định, không vì thế mà không có xe hàng nào xuất qua bên kia nước bạn. Mỗi ngày vẫn có 100-150 xe chở nông sản, trong đó có xe chở thanh long được xuất quan. Hiện tại, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang tích cực làm việc đến 20h tối, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giao thương, an ninh trật tự vẫn được giữ vững và bảo đảm an toàn cho phương tiện, tài sản cho các tài xế và chủ hàng trong lúc chờ đợi.
Ông Hội cũng chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng trên: “Tất cả các lô hàng nông sản đều xuất theo đường tiểu ngạch. Tức là giữa doanh nghiệp, tiểu thương Trung Quốc và Việt Nam không có hợp đồng thương mại, thay vào đó là thỏa thuận miệng, nên rủi ro là không thể tránh khỏi.
Tình huống bất ngờ khi Trung Quốc liên tục phá giá đồng NDT khiến cả 2 bên đều bị ảnh hưởng, giao thương hàng hóa bị ngưng trệ, và thiệt thòi sẽ do tiểu thương Việt Nam gánh chịu khi không thể xuất hàng theo hợp đồng ban đầu. Xét theo tình hình thì nông sản xuất đi ở thời điểm này là bất lợi”.
Hiện tại, khó có thể đưa ra con số thống kê chính xác về mức độ ảnh hưởng của việc sụt giá đồng nhân dân tệ trong những ngày gần đây. Thế nhưng, việc hàng trăm chuyến xe chở nông sản xuất khẩu qua Trung Quốc đang phải nằm chờ để các tiểu thương “soi” lại giá, đã phần nào nói lên tác động của đồng nhân dân tệ vào thời điểm này tại khu vực biên giới.