Theo nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VN), khi Trung Quốc (TQ) phá giá nhân dân tệ, những ngành chịu tác động bất lợi nhiều nhất là nông lâm thủy sản, phân bón, sắt thép, khoáng sản, cao su, sản phẩm tiêu dùng... Trong đó, nặng nhất là hàng nông lâm thủy sản.
Mất hàng triệu đô
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas), cho hay, ngành điều đã có những ảnh hưởng đầu tiên khi TQ phá giá đồng nhân dân tệ.
Theo ông Thanh, mấy ngày nay giá hạt điều nhân xuất khẩu sang TQ đã giảm 10 cents/kg. dự kiến từ nay đến cuối năm, VN sẽ xuất khẩu hơn 20.000 tấn điều nhân sang TQ thì DN xuất khẩu hạt điều nước ta mất khoảng 2 triệu USD vì giá giảm.
“Từ đầu năm đến nay, việc xuất khẩu gạo sang TQ đã giảm mạnh. Giá gạo VN hiện đã thấp nhất thế giới. Mấy tháng nay, DN của tôi không xuất nổi một hạt gạo nào sang TQ. Đã vậy, với việc phá giá đồng nhân dân tệ, có thể TQ sẽ giảm nhập gạo từ VN và chuyển sang mua các hợp đồng gạo tập trung theo quan hệ chính phủ với Thái, Myanmar. Dự báo xuất khẩu gạo sẽ giảm cả lượng và giá trị”, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt, lo ngại.
Còn đại diện một DN xuất khẩu thanh long cho rằng, khoảng 90% sản lượng thanh long VN xuất sang TQ. Giá thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc hiện nay khoảng 1 USD/kg nhưng tiêu thụ rất khó khăn. “Nếu DN nhập khẩu TQ ép giảm giá thêm nữa thì DN xuất khẩu nước ta buộc phải mua giá thấp mới có lợi nhuận. DN gặp khó nhưng người nông dân mới chịu thiệt hại nhiều nhất”, vị đại diện DN này nói.
Ngành điều thiệt hại nặng vì đồng nhân dân tệ bị phá giá. Trong ảnh: Công nhân sơ chế hạt điều. |
Không chỉ xuất khẩu vào TQ gặp khó mà xuất khẩu sang các thị trường khác, sản phẩm VN cũng bị ảnh hưởng khá nhiều.
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, dẫn chứng, hiện chỉ có TQ, Thái Lan và VN xuất khẩu hàng thủy sản chế biến sâu như tôm tẩm bột, tôm hấp… Với việc đồng nhân dân tệ phá giá khoảng 4,6%, giá hàng xuất khẩu của TQ sẽ rẻ hơn, cạnh tranh mạnh hơn với sản phẩm cùng loại của VN.
Thiệt nhiều hơn được
Đối với ngành dệt may, ông Đoàn Xuân Quang, đại diện Công ty CP Việt Hưng, cho biết các DN nhập nguyên vật liệu phụ kiện từ TQ và xuất sang các nước khác có thể được hưởng lợi nhờ giá đầu vào giảm. Tuy vậy, khi nguyên phụ liệu giảm giá, DN dệt may nước ta sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào TQ, khiến cho mục tiêu tăng tỉ lệ nội địa hóa để đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ theo các hiệp định thương mại sẽ khó thực hiện hơn.
Với hóa chất trong ngành cao su nhựa, VN nhập 100% từ TQ. Biến động tỷ giá nhân dân tệ vừa qua khiến giá mua nguyên liệu có thể rẻ hơn, DN Việt sẽ mua nhiều hơn.
Song ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su-Nhựa TP HCM, cảnh báo: “Hàng cao su nhựa thành phẩm của TQ sẽ tràn vào ồ ạt bởi giá rẻ. Ví dụ lốp xe, ron cao su, đồ nhựa gia dụng… giá bán nhập vào VN là 100 đồng, nhưng với việc phá giá đồng tiền, các sản phẩm trên sẽ giảm xuống còn 90 đồng.
Hiện giá lốp xe trong nước cao hơn gần 50% so với lốp xe TQ. Chẳng hạn ruột xe nhãn hiệu C giá 35.000-36.000 đồng/chiếc, hàng TQ chỉ 18.000-19.000 đồng.
Đối phó ra sao?
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty Việt Hưng, chuyên xuất khẩu gạo, cho rằng cần phát triển những thị trường mới. “Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng tại các thị trường tiềm năng như Hong Kong hay ngay cả TQ vì đã có những khách hàng ruột, uy tín. Điều quan trọng là cần tăng quan hệ tốt với khách hàng. Từ đó, họ giới thiệu cho những khách hàng mới ở nước khác. Nhưng nói thật rất khó, vì đâu chỉ có VN bán gạo”, ông Đôn chia sẻ.
Đại diện các DN ngành cao su, nhựa, thép… cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá góp phần hỗ trợ DN Việt bớt một phần thiệt hại do TQ phá giá đồng nhân dân tệ. Nhưng giải pháp này là chưa đủ. DN sản xuất trong nước cần được hỗ trợ về chính sách thuế, hải quan, giảm chi phí thủ tục... Ngoài ra, phải có hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn đối với các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ từ TQ.
Bản thân các DN cũng phải nỗ lực giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa để thu hẹp khoảng cách với hàng TQ. Về lâu dài, giảm sự phụ thuộc vào hoạt động thương mại với TQ và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN thông qua đầu tư công nghệ mới và mở rộng thị trường là hai yếu tố có tính quyết định.