Sau khi có văn bản đồng ý của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), UBND TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) nhanh chóng lắp đặt dải phân cách phần đường dành cho ôtô và xe máy.
Sở GTVT sẽ lắp các biển báo đường bộ; đèn tín hiệu hướng dẫn và điều tiết giao thông trên tuyến và chịu toàn bộ kinh phí khi điều chỉnh giao thông...
Đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trên địa bàn quận 2, TP.HCM, cho phép xe máy lưu thông. Ảnh: Lê Quân. |
Trước đó, UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho TP.HCM tổ chức cho xe hai bánh lưu thông vào đoạn đường dẫn cao tốc, từ nút giao thông An Phú đến Vành đai 2 trong thời gian thực hiện bàn giao, chờ tiếp nhận quản lý.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đề nghị Bộ GTVT cho xe máy vào đoạn đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành dài khoảng 4 km để sử dụng hết hạ tầng giao thông, giảm tải lưu lượng phương tiện lên các tuyến đường Võ Chí Công, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh.
Đường dẫn lên cao tốc, đoạn từ đại lộ Mai Chí Thọ (quận 2) đến nút giao thông Vành Đai 2 – Võ Chí Công đang có 4 làn ôtô, trong đó 2 làn dừng khẩn cấp, chỉ cho ôtô lưu thông nên khá thông thoáng.
Việc Bộ GTVT đồng ý cho xe máy chạy vào đường dẫn cao tốc sẽ giúp cho các tuyến đường Mai Chí Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Đỗ Xuân Hợp, Võ Chí Công, giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khánh thành toàn tuyến vào đầu năm 2015, dài 55 km, có tổng vốn đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng, đi qua địa phận TP.HCM và Đồng Nai.
Bộ Giao thông vận tải chấp thuận cho xe máy được chạy vào 4 km đường dẫn trên cao tốc TP.HCM - Long Thành . Ảnh: Google Maps. |