Hình ảnh hàng trăm xe máy leo lên vỉa hè chiếm trọn không gian nhỏ hẹp, lạng lách gây nguy hiểm cho người đi bộ và phá nát nền gạch diễn ra hàng ngày trên khắp Hà Nội.
Vào các khung giờ cao điểm (7h đến 8h30 và 15h đến 19h) hàng ngày, đường Cầu Giấy đoạn từ ngã ba Trần Đăng Ninh tới ngã tư Nguyễn Phong Sắc luôn trong tình trạng xe máy, xe đạp leo kín trên vỉa hè.
Trục đường này đồng thời là công trường xây dựng tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, lòng đường bị thu hẹp nên thường xuyên ùn tắc. Nhiều người lựa chọn phương án "chiếm trọn" vỉa hè của người đi bộ để đi cho nhanh.
Mặt vỉa hè với nền đất, lát gạch bên trên không chịu nổi các phương tiện nên xảy ra sụt lún, vỡ nát kéo dài trên toàn tuyến.
Xe cộ lượn lách trên mặt hè nhỏ hẹp, còi inh ỏi... Không những "cày nát" mặt hè, chính các phương tiện vi phạm này còn có thể gây nguy hiểm cho bất cứ người dân nào đi bộ trên vỉa hè.
Khác với Cầu Giấy, Lê Văn Lương là một trong những trục đường rộng lớn, hiện đại nhất thủ đô. Tuy nhiên vỉa hè tại đây cũng bị xe máy xâm phạm.
Mỗi buổi chiều vào giờ tan tầm, vỉa hè tuyến đường này chịu sự giày xéo của hàng nghìn xe máy lưu thông qua lại chỉ vì không muốn chờ đèn tín hiệu dưới lòng đường. Trên vỉa hè, nhiều ôtô chiếm dụng diện tích làm chỗ đỗ.
Những mảng bê tông lẫn gạch đá vỡ nham nhở tại góc đường Hoàng Minh Giám - Lê Văn Lương.
Cách đó không xa, mặt vỉa hè phố Hoàng Minh Giám tan nát. Nằm sát công trường lớn đang thi công, chịu trọng tải của những chiếc xe hàng chục tấn cùng hàng nghìn lượt xe máy qua lại mỗi khi tan tầm, lớp gạch nền của hè bị xé toạc, vỡ nát, bong tróc chỉ còn nền đất phía dưới.
"Người đi bộ như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Như các anh thấy đấy, mặt hè thì nát hết rồi mà xe máy họ leo lên rất đông lại còn phóng nhanh nữa", ông Nguyễn Xuân Khánh (Chí Linh, Hải Dương) bức xúc khi vất vả vượt qua đoạn hè phố Hoàng Minh Giám để tới bến xe buýt gần đó.
Xe máy giành hết phần vỉa hè còn nguyên vẹn trên phố Hoàng Minh Giám.
Vỉa hè đường Phạm Hùng ( đối diện nhà văn hoá quận Thanh Xuân). Giữa lòng đường và vỉa hè, số lượng xe máy lưu thông tương đương nhau.
Nền gạch vỉa hè bị tổn thương khá nặng, có những điểm bị lún sâu gần khoảng 15 cm tạo thành những rãnh lớn.
Nếu không để ý kỹ, nhiều người sẽ lầm tưởng hai công nhân đang bất chấp nguy hiểm đi bộ dưới lòng đường.
Nhiều người chạy xe máy giải thích họ chỉ "leo hè" những đoạn ùn tắc.
Hình ảnh xấu xí xuất hiện trên các tuyến đường vành đai lẫn tuyến phố nội đô như Kim Mã, Nguyễn Thái Học...
Người đi bộ đúng nơi quy định vẫn phải dáo dác nhìn trước ngó sau để tránh xe máy nếu không muốn gặp tai nạn.
Khi lực lượng chức năng Hà Tĩnh lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, nhiều người dân đồng tình và tự động tháo dỡ những phần lấn chiếm hành lang giao thông.