Đông như đi hội
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, trong 2 ngày 20 – 21/1, tại các khu vực bến xe An Sương (quận 12), bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), xe “dù” đông như đi hội và công khai lôi kéo, bắt khách.
Tại cổng chính bến xe Miền Tây kéo dài đến khu vực vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân), hàng chục chiếc xe “dù” lớn nhỏ chạy trên đường Kinh Dương Vương, chốc chốc lại tấp vào lề để “bắt” những người nào mang vác hành lý lỉnh kỉnh. Nhiều chiếc ẩn náu bên trong khuôn viên các cây xăng để chờ khách.
Trong vai một hành khách đi về tỉnh Tiền Giang, chúng tôi được một lái xe ôm nhanh nhẩu tiếp thị: “Khu vực này có đủ xe đi về Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Kiên Giang,… khỏi cần vào bến mua vé mất công. Ở đây vừa nhanh vừa rẻ, xe nào cũng có, từ ghế ngồi đến giường nằm cao cấp”.
“Cò” chưa dứt lời thì chiếc xe khách 52 chỗ giường nằm của nhà xe Mạnh Quỳnh chạy tuyến TP HCM về Rạch Giá (Kiên Giang) đỗ xịch trước chi nhánh ngân hàng Agribank An Lạc để bắt khách. Ngay lập tức, hãng xe Tân Thanh Thủy cũng cho 4 xe khách 52 chỗ lách vào lề đường.
Một loạt các xe khách khác như xe nhà xe Kim Hoàng, xe Thái Phong,... Khi vừa qua giao lộ Hồ Học Lãm - Kinh Dương Vương. Các xe “dù” bật xi nhan và ngang nhiên tấp vào lề đường lôi kéo khách lên xe, mặc biển báo cấm dừng đỗ cắm trên đường.
Chiếc xe khách Phương Sa chạy tuyến Sài Gòn-Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) cúp cua, tấp vào khi thấy khách đứng chờ xe. |
Sáng 21/1, tại khu vực Suối Tiên (xa lộ Hà Nội), chiếc xe của nhà xe Hưng Phúc chuyển làn, bấm còi inh ỏi rồi ngang nhiên tấp vào dãi phân cách kéo từng hành khách lên xe. Hai phút sau, đến lượt xe Phương Sa chạy tuyến Sài Gòn - Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Lơ xe phóng xuống lôi xềnh xệch 5 hành khách băng ngang qua dòng xe máy đang di chuyển nườm nượp trên đường. Sau đó đến lượt xe Minh Phương tuyến Sài Gòn – Huế đỗ xịch ngay giữa đường đón khách khi thấy cò vẫy tay báo hiệu...
Không biết kêu ai
Anh Trương Văn Cần (42 tuổi) kể: “Có việc cần về gấp nên tôi ra đường đón xe về huyện Cái Bè (Tiền Giang), không ngờ bị chiếc xe chạy tuyến Rạch Giá lôi lên. Lên xe rồi mới biết xe cũng đi ngang Cái Bè nhưng giá cao hơn nhiều. Tôi không đi nên bị chửi rồi thả xuống gần vòng xoay An Lạc, phải bắt xe ôm quay lại".
Chị Nguyễn Mỹ Linh (sinh viên Đại học Quốc gia TP HCM) đến khu vực Suối Tiên đón xe khách và cho biết: “Mới tháng trước, vì đi vội nên em không đặt vé trước, ra đây được mấy “cò” giới thiệu lên xe khách 32 chỗ cũng chạy tuyến Sài Gòn – Châu Đức. Không ngờ lên xe đi được một đoạn tới Long Khánh (Đồng Nai) thì chiếc xe này bán em cho xe khác. Nhà xe này bắt em trả thêm tiền vé, trong khi trước đó em đã trả tiền vé cho xe trước rồi”.
“PC67 sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng CSGT các tỉnh nhằm nắm rõ thông tin, lộ trình của những chuyến xe khách chở quá số người quy định, cũng như các loại xe “dù” hoạt động dịp Tết”, trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó Phòng CSGT đường bộ - đường sắt TP HCM.
Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, tại các điểm “nóng”, mặc cho các xe “dù”, ngang nhiên tung hoành, lực lượng chức năng vẫn vắng bóng.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Bùi Xuân Cường, Thanh tra Sở GTVT đã được giao nhiệm vụ phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tập trung xử lý các hành vi lợi dụng dịp cao điểm tết để lập tụ điểm đón trả khách trái phép tại khu vực xung quanh các bến xe khách liên tỉnh như bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây, bến xe An Sương và dọc trên các tuyến quốc lộ 13, 1A (từ cầu Bình Phước đến Suối Tiên) và khu vực trung tâm thành phố.
Theo trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an TP HCM (PC67), trong đợt cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán, CSGT TP HCM sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát các chuyến xe khách liên tỉnh Bắc Nam để phát hiện những xe khách chở quá số người quy định, xe “dù” hoạt động liên tỉnh, lên phương án xử lý những trường hợp này để kéo giảm tình trạng nhồi nhét hành khách gây bức xúc cho người dân. Trong năm 2015, lực lượng CSGT đã xử phạt 40 xe khách chở quá số người quy định.