Theo Wall Street Journal, Nissan Motors bắt đầu sản xuất xe hơi ở Thái Lan từ đầu thập niên 60. Kể từ đó đến nay, chính các hãng xe Nhật Bản đã biến quốc gia Đông Nam Á này thành nước sản xuất ôtô lớn. Nhưng giờ đây, những cái tên đến từ Trung Quốc đang đưa Thái Lan chuyển sang "kỷ nguyên điện".
Ở vùng ngoại ô Rayong - thủ phủ sản xuất ôtô Thái Lan, cách không xa cơ sở của các hãng xe Nhật Bản, gã khổng lồ xe điện Trung Quốc BYD đang xây dựng nhà máy. Giới quan sát chỉ ra đây sẽ là công xưởng ôtô lớn nhất Thái Lan.
Nhiều hãng xe điện khác đến từ Trung Quốc cũng đã sản xuất, hoặc lên kế hoạch sản xuất ôtô tại Thái Lan. Họ muốn nhắm vào thị trường nội địa tiềm năng và tận dụng vị thế trung tâm xuất khẩu của nước này nhờ những hiệp định thương mại tự do khu vực.
Một dây chuyền sản xuất xe hơi của Nissan tại Thái Lan vào năm 1995. Ảnh: PETER CHARLESWORTH/LIGHTROCKET. |
Các hãng xe điện Trung Quốc đang tăng tốc
Trung Quốc không chỉ đánh chiếm thị phần tại Thái Lan, các hãng xe điện nước này đang tăng tốc mở rộng toàn cầu và tham vọng vượt mặt những tên tuổi lớn đến từ Nhật Bản.
Khi các mẫu xe của Trung Quốc trở nên phổ biến hơn trên toàn cầu, ngành công nghiệp EV nước này đang tìm cách mở rộng dây chuyền sản xuất ra bên ngoài đất nước. Họ muốn tăng doanh số bán hàng và tận dụng những chính sách ưu đãi đối với xe điện ở khắp nơi trên thế giới.
Đó là một thách thức lớn với Nhật Bản, đất nước của ngành công nghiệp xe hơi truyền thống. Các đối thủ của họ đều là những tên tuổi mới. Họ sẵn sàng dồn mọi nguồn lực cho sản phẩm của mình. Ở chiều ngược lại, các hãng xe Nhật Bản đang đi những bước đi chậm rãi hơn.
Việc chuyển đổi sang xe điện chậm hơn cho phép các hãng xe Nhật Bản bảo vệ nguồn tiền từ xe xăng.
Ông Narit Therdsteerasukdi - Tổng thư ký Ban Đầu tư Thái Lan - chỉ ra các hãng xe Trung Quốc "nắm trong tay công nghệ, thiết kế và tham vọng". Ông khẳng định mọi hãng xe đều có thể hưởng lợi từ chính sách của chính phủ Thái Lan, nhưng những người chơi Trung Quốc đã sớm chớp lấy thời cơ.
Trên thực tế, các hãng xe Trung Quốc đã thống trị thị trường nội địa. Những cái tên nổi tiếng như Volkswagen hay Toyota đều đang trở nên mờ nhạt. Xuất khẩu ôtô của Trung Quốc cũng tăng trưởng phi mã, vượt Đức và Hàn Quốc trong những năm qua. Đáng nói, vào quý III vừa qua, Trung Quốc thậm chí soán ngôi vương của Nhật Bản.
Tận dụng thị trường Thái Lan
Xe ôtô được sản xuất tại Thái Lan sẽ được miễn thuế nếu bán sang những thị trường Đông Nam Á lân cận. Điều này khiến các hãng xe Trung Quốc có thể thâm nhập những thị trường khác qua cửa ngõ là Thái Lan.
Điều trớ trêu với Nhật Bản là Trung Quốc có thể tận dụng lợi thế từ chính những gì các hãng xe Nhật Bản đã gây dựng mất nhiều thập kỷ. Kể từ khi Nissan Motors bắt đầu sản xuất xe hơi ở Thái Lan, nước này đã xây dựng được một lực lượng lao động tay nghề cao, có kinh nghiệm trên thị trường quốc tế.
Hầu hết nhà sản xuất ôtô Trung Quốc có xu hướng tự chủ chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, giới chức Thái Lan cho biết có tới khoảng 2.000 nhà cung cấp phụ tùng và linh kiện của nước này vẫn sẵn sàng hỗ trợ quá trình chuyển đổi.
Thái Lan sẽ là cửa ngõ khi các hãng xe điện Trung Quốc muốn mở rộng sang thị trường Đông Nam Á. Ảnh: WSJ. |
Giờ đây, khi di chuyển trên những con đường cao tốc ra vào thủ đô Bangkok, người ta sẽ thấy tràn ngập biển quảng cáo ôtô điện Trung Quốc. Xe Nhật vẫn chạy nhiều trên đường phố, nhưng ngành công nghiệp EV Trung Quốc đang đặt cược rằng điều đó có thể sớm đổi thay.
Tại Thái Lan, hơn 50.000 xe điện mới đã được đăng ký trong 9 tháng đầu năm nay. Con số này gấp 7 lần số lượng xe điện được đăng ký trong cùng kỳ năm ngoái và chiếm 15% tổng số ôtô đăng ký mới.
Từ tháng 1/2024, chính phủ Thái Lan bắt đầu trợ cấp hàng nghìn USD trên mỗi chiếc xe điện cho các hãng sản xuất và nhập khẩu. Người tiêu dùng nước này sẽ phải trả ít tiền hơn cho một chiếc EV.
Nước này đã cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho các công ty sản xuất và nhập khẩu xe điện. Trong 2 năm tới, xe điện nhập khẩu nguyên chiếc vào Thái Lan cũng được giảm thuế tới 40%.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Znews đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.