Ngày 27/7, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tại các tỉnh phía Nam cho biết hiện nay nhiều xe vận chuyển đăng ký mã QR trên hệ thống của Bộ Giao thông Vận tải bị treo 8 tiếng chưa xử lý được.
"Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành phố áp dụng hình thức hạn chế ra đường từ sau 18h khiến các hàng đặc thù phải vận chuyển ban đêm như thịt lợn, gà… gặp khó khăn", tổ công tác cho biết.
Tổ công tác cũng đi khảo sát tại chi nhánh Phong Hiền thuộc Công ty TNHH San Hà, TP Long Khánh, Đồng Nai, để nắm bắt tình hình giết mổ, cung ứng các sản phẩm thịt gia cầm.
Trước giãn cách, công ty cung cấp cho TP.HCM mỗi ngày 80.000 con gà đã giết mổ, nhưng nay giảm xuống còn một nửa. 4 nhà máy sản xuất của công ty hiện hoạt động cầm chừng, dù liên kết cung cấp thực phẩm cho trên 25 hệ thống siêu thị tại TP.HCM.
Nhiều phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu chưa được cấp mã QR "luồng xanh" vì phần mềm quá tải. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Hiện tại, San Hà vẫn đảm bảo giá thu mua gà trong chuỗi liên kết với các hợp tác xã, hộ chăn nuôi ở Long An, Đồng Nai, ở mức 26.000 đồng/kg. Con số này gấp hơn 2,5 lần so với giá gà trắng ngoài thị trường (10.000 đồng/kg).
Bên cạnh đó, một số cơ sở nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nuôi cá tra đang gặp vướng mắc ở khâu thu hoạch cá giống, cá thịt do cần phải tập trung số lượng công nhân vượt quá quy định của ngành y tế.
Trong những ngày gần đây, vấn đề của ngành cao su trở nên nổi cộm. Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sáng 26/7, việc vận chuyển hàng hóa, thu mua mủ cao su tiểu điền gặp nhiều rào cản về giấy thông hành, giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày. Ngoài ra, lái xe từ TP.HCM về tới địa phương phải cách ly đủ 21 ngày, khiến các đơn vị vận tải không dám vận chuyển mủ cao su.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Tổ trưởng tổ công tác Trần Thanh Nam cam kết, sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương xử lý các khó khăn khi thu hoạch, vận chuyển hàng hóa, đồng thời giúp một số tỉnh phương pháp thống kê số liệu đầu mối kinh doanh nông sản. Bên cạnh đó, sẽ thúc đẩy các chuỗi liên kết bằng việc tăng cường liên hệ cung - cầu giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác.
Về nguồn cung cấp hàng hóa nông sản, đến 15h chiều 26/7, có tổng 414 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với tổ công tác của Bộ NNPTNT. Gồm: rau củ 103 đầu mối; trái cây 107 đầu mối; thủy hải sản 159 đầu mối; lương thực 25 đầu mối; các mặt hàng khác 20 đầu mối.