Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xe buýt ở Tân Sơn Nhất bị khách 'ngó lơ'

Không chủ động thời gian, chờ tuyến lâu và tuyến không đa dạng là những nguyên nhân chính khiến hành khách hạ cánh Tân Sơn Nhất ngó lơ xe buýt dù phải chen chúc đón taxi.

Vào mỗi dịp cao điểm, sân bay Tân Sơn Nhất lại xuất hiện cảnh hành khách chật vật tìm taxi, xe công nghệ. Trái ngược, khu vực đón xe buýt tại cả ga quốc nội và quốc tế lại không có bóng người.

Là người thường xuyên du lịch, công tác bằng đường hàng không, chị Phạm Hồng Thu (28 tuổi) cho biết luôn ưu tiên taxi công nghệ thay vì xe buýt.

"Hơn 20 phút mới có một chuyến xe buýt, trong khi gọi taxi sẽ chỉ mất khoảng vài phút. Bất tiện thứ hai là từ trạm xe buýt, tôi phải đi taxi tiếp để về nhà còn taxi chỉ cần một lần di chuyển là đến nơi", chị Phạm Hồng Thu (28 tuổi) nói.

Theo chị Thu, bên cạnh việc không muốn chờ đợi, những hành khách ra lẫn vào Tân Sơn Nhất đều lo ngại trễ giờ, đặc biệt với người sắp khởi hành. Để xe buýt công cộng tại sân bay đến gần với hành khách hơn, chị Thu cho rằng cần rút ngắn thời gian chờ đợi cũng như bố trí tuyến buýt đa dạng hơn thay vì 1-2 tuyến như hiện nay.

xe buyt Tan Son Nhat anh 1

Khu vực đón xe buýt tại sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên vắng vẻ. Ảnh: Thư Trần.

Tương tự, Huỳnh Viết Nhân (27 tuổi) cho rằng xe buýt chỉ giúp tiết kiệm chi phí nhưng đổi lại hành khách phải mất nhiều thời gian. Trong trường hợp chuyến bay hạ cánh và không bận rộn, anh Nhân và bạn bè ưu tiên đón xe buýt cho chiều về. Hồi tháng 6, nam hành khách cho biết cũng đi xe buýt do đón taxi khó khăn.

"Xe rất rộng nhưng lúc rời sân bay chỉ khoảng 3-4 khách, một số người lên sau rải rác các trạm trong thành phố, tuy nhiên cũng không quá đông", Nhân cho hay.

Nói về tình hình hiện tại, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng vận tải Sở GTVT TP.HCM, cho biết hiện nhu cầu khách đi xe buýt tại sân bay vẫn có, tuy nhiên chưa đáng kể. Nguyên nhân là nhiều hành khách chưa nắm thông tin, số khác có hành lý cồng kềnh, thường ưu tiên xe cá nhân, taxi.

Ông Hải cho hay hiện sân bay được bố trí 2 tuyến buýt là 152 và 109. Trong đó, tuyến 152 được điều chỉnh giờ hoạt động trễ hơn (đến 22h thay vì chỉ đến 19h như trước đây). Ngoài ra hành khách còn được mang hành lý với trọng lượng không quá 10 kg. Để tiếp tục khuyến khích khách tiếp cận xe buýt ở sân bay, thời gian tới, Sở GTVT nghiên cứu phương án quy định đặc thù cho khách mang nhiều hành lý.

xe buyt Tan Son Nhat anh 2

Trái với xe buýt, khu vực đón taxi tại ga quốc nội - sân bay Tân Sơn Nhất luôn đông đúc vào dịp cao điểm. Ảnh: Thư Trần.

Theo ông Hải, với 2 tuyến xe buýt từ khu vực sân bay vào trung tâm, Sở GTVT TP.HCM đang nghiên cứu mở rộng các tuyến xe buýt, trước mắt những tuyến có hành trình ngay khu vực sân bay, sau đó có thể có những tuyến ra Bến xe miền Đông, miền Tây.

"Ngoài ra, chúng tôi đang nghiên cứu xem xét có tuyến xe buýt nhỏ trung chuyển từ sân bay ra khu vực lân cận như siêu thị, công viên từ đó hành khách có thể đón phương tiện khác dễ dàng hơn, giảm bớt áp lực cho khu vực sân bay trong giờ cao điểm", ông Hải nói và cho biết loại hình buýt nhỏ này vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu.

Không riêng vấn đề vắng khách đi buýt tại sân bay, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), cho biết nhiều năm qua, giao thông công cộng tại TP.HCM đứng trước áp lực phải gia tăng hành khách, chất lượng phục vụ lẫn hiệu quả khai thác.

xe buyt Tan Son Nhat anh 3

Khách chờ đón xe buýt tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Thư Trần.

Điều này đặt ra thách thức cho TP.HCM, đó là tỷ lệ hành khách sử dụng giao thông công cộng năm 2020 chiếm 20%, đến năm 2030 chiếm 30%. Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ này tại đô thị lớn nhất cả nước chỉ chiếm 9,7%, trong số đó, xe buýt chỉ chiếm 5%.

Gợi mở giải pháp thu hút hành khách đến với xe buýt tại sân bay Tân Sơn Nhất nói riêng và thành phố nói chung, TS kinh tế hàng không Lương Hoài Nam cho rằng có làn đường ưu tiên riêng cho xe buýt (Bus lane) từ Hàm Nghi (quận 1) đến sân bay Tân Sơn Nhất.

"Làn đường này sẽ ưu tiên xe buýt, taxi, xe ôm công nghệ, hoặc tất cả loại hình giao thông công cộng, trừ xe cá nhân", ông Nam nêu quan điểm và cho rằng tắc đường sẽ không còn là nỗi lo của phần lớn hành khách ra vào Tân Sơn Nhất khi có bus lane. Đồng thời, làn đường này cũng giúp xe buýt di chuyển thuận lợi, "chia lửa" cho lượng lớn người đi lại trong thành phố.

Theo đề án "Tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn 2021-2030", TP sẽ mở rộng mạng lưới xe buýt, đảm bảo kết nối đến các vùng đô thị, đầu mối giao thông, hoàn thiện các dự án có khối lượng vận tải lớn như metro, xe buýt nhanh.

TP.HCM hiện có 128 tuyến buýt hoạt động, gồm 91 tuyến trợ giá, 37 tuyến không trợ giá. Trong đó có 101 tuyến buýt nội tỉnh và 27 tuyến buýt kết nối đến các tỉnh liền kề.

Đình chỉ công việc nhân viên xe buýt thu tiền hành lý ở TP.HCM

Một hành khách đi xe buýt mang theo vali và bị thu thêm 10.000 đồng. Nhân viên tự ý thu thêm phí mà không đưa vé đã bị tạm đình chỉ công việc.

Thư Trần

Bạn có thể quan tâm