Mô hình dự án “tháp hải đăng Marina”. |
“Đồng ý!”
"Chúng ta muốn tạo một dấu ấn cho Đà Nẵng nhưng dấu ấn ấy phải mang tính bền vững. Dòng sông Hàn như một dải lụa giữa lòng thành phố, rất có hồn và nên thơ. Làm một cái cọc đâm vào giữa lòng sông thì sẽ bị “động” ngay. Ai cũng muốn thành phố phát triển tốt hơn, đầu tư nhiều hơn nhưng không phải bằng mọi giá".
Kiến trúc sư Phạm Phú Bình
Tại cuộc họp quy hoạch kiến trúc ngày 25/12 do ông Văn Hữu Chiến, chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, chủ trì, đại diện nhà đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư DHC cho biết “ngọn hải đăng” cao 25 tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, du khách ngắm cảnh, khai thác dịch vụ, lưu trú...
Chủ đầu tư đưa ra hai phương án: phương án 1 là xây dựng tháp mô phỏng theo tháp cổ Alexandria (Ai Cập) - một trong 7 kỳ quan của thế giới; phương án 2 có chất liệu từ kính trong suốt, với hình dáng ngọn hải đăng vươn lên như hình con sóng nở bông hoa từ dưới sông lên...
Chủ đầu tư đề nghị lãnh đạo Đà Nẵng cho chủ trương quy hoạch sớm để nhà đầu tư triển khai xây dựng.
Khi chủ đầu tư đưa ra phương án, hầu như tất cả lãnh đạo các sở ngành được hỏi ý kiến đều đồng ý. Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Việt Hùng không có ý kiến và thống nhất phương án nhà đầu tư nêu. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Trung đồng ý với việc cho xây “ngọn hải đăng”.
Ông Trung nói việc xây dựng không ảnh hưởng đến dòng chảy cũng như hoạt động giao thông trên sông Hàn. Riêng đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường cũng nói “đồng ý”, tuy nhiên cần lưu ý khi xây dựng tránh việc rác từ phía thượng nguồn sông Hàn đổ về sẽ vướng lại ở công trình gây ô nhiễm.
Tuy nhiên, cũng tại cuộc họp, một kiến trúc sư đang công tác tại Sở Xây dựng đã đứng dậy xin có ý kiến đề nghị lãnh đạo Đà Nẵng hết sức lưu ý đến công trình này vì nó nằm ở vị trí giữa lòng sông Hàn, nếu vội vã quyết định cho làm và trường hợp gặp sai sót thì 100 năm sau vẫn không thể khắc phục nổi. Kiến trúc sư này nói cần lấy ý kiến của các tổ chức phản biện xã hội và công chúng vì dòng sông Hàn là “báu vật của toàn dân”.
Theo vị kiến trúc sư này, “ngọn hải đăng” chỉ là tên gọi của công trình, còn thực tế đây sẽ là khách sạn cao cấp.
Sau khi có ý kiến ngược chiều này, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Văn Hữu Chiến khẳng định đồng ý về vị trí xây dựng. Theo ông Chiến, đây là một công trình điểm nhấn kiến trúc của Đà Nẵng kết hợp khai thác dịch vụ lưu trú cao cấp. Tuy nhiên, ông Chiến giao Sở Xây dựng chủ trì lấy thêm ý kiến của các chuyên gia về phương án kiến trúc công trình, hạn cuối là ngày 15/1/2015.
“Hết sức cân nhắc”
Kiến trúc sư Phạm Phú Bình - ủy viên ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam, phó chủ tịch Hội Tư vấn xây dựng Việt Nam nhận định: “Đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm nên phải hết sức cân nhắc”.
Theo ông Bình, việc xây dựng công trình tháp hải đăng phải tính lại, vì công trình có quy mô hình khối rất lớn chắc chắn sẽ cản trở dòng chảy. Ông Bình nói với tư cách là một kiến trúc sư, ông không tán thành xây dựng công trình tháp hải đăng.
“Bởi dòng sông Hàn mang giá trị cảnh quan, môi trường, bây giờ chúng ta làm một khối trên dòng sông như thế. Chúng ta dùng từ “ngọn hải đăng”, nhưng thực chất công trình đó như một cọc bêtông lớn, đâm vào lòng sông. Điều này gây một phản cảm rất lớn, thực chất chủ đầu tư tranh thủ vị trí đắc địa để khai thác nghỉ dưỡng”.
Còn kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, phó chủ tịch Hội Quy hoạch Việt Nam kiêm chủ tịch Hội Quy hoạch Đà Nẵng, nói: “TP thống nhất vị trí, xây dựng tháp hải đăng như vậy là quá vội vàng”.
Sơ đồ vị trí dự kiến xây “ngọn hải đăng”. |
Ông Huy cho hay ở các nước trên thế giới, hầu như các dòng sông nằm trong TP đều không có công trình nào vươn ra sông. Không ai lại xây dựng công trình “ngọn hải đăng” trên sông hết, chủ yếu họ làm ở cửa biển, vịnh biển. Chẳng qua làm công trình mang tên ngọn hải đăng ở đây để che lấp một mục tiêu, mục đích nào đó.
Ông Huy cho rằng khi xây dựng công trình “ngọn hải đăng” trên sông Hàn, chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng xấu đến dòng chảy, cảnh quan con sông.
Theo ông Huy, khi muốn xây dựng công trình này cần phải công khai, lắng nghe ý kiến của các đơn vị tư vấn, chuyên gia. Đặc biệt là lắng nghe ý kiến của người dân bởi vì dòng sông Hàn là tài sản chung của nhân dân.
“Cá nhân tôi không tán thành với việc xây dựng công trình tháp hải đăng trên sông Hàn và cũng không nên xây một công trình nào trên mặt sông, ngoại trừ những cây cầu”, ông Huy nói.
Ông Vũ Quang Hùng, phó giám đốc Sở Xây dựng kiêm chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng, cho biết vào đầu tháng 1 sẽ có một cuộc họp để lấy ý kiến của các tổ chức phản biện xã hội về việc xây dựng công trình này.
“Dùng để làm gì phải mang tính hiệu quả”
Chiều 30/12, khi phóng viên đề cập công trình “ngọn hải đăng” xây giữa sông Hàn, ông Lê Minh Đức, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư DHC, cho biết: “Dự án này đang đợi ý kiến, sau ngày 15/1 mới biết cụ thể. Công trình có một số công năng, có mục tiêu ngắm cảnh bắn pháo hoa, nhưng hiện phải làm kỹ hơn”.
Ông Đức cũng cho biết tòa tháp sẽ tạo hiệu ứng ánh sáng, tường bằng kính, phía trên có đèn. Theo ông Đức, hiện cũng chưa quyết định hết công năng sử dụng dự án vì còn phụ thuộc kiến trúc, song dùng để làm gì phải mang tính hiệu quả và đạt mỹ quan theo quy định.
“Vấn đề công năng phụ thuộc kiến trúc, môi trường, an ninh nữa, nói tóm lại là nhiều vấn đề, khi bổ sung công năng sẽ công bố đầy đủ”, ông Đức nói.
DHC hiện đang thực hiện công trình bến du thuyền gần vị trí xin xây dựng công trình “ngọn hải đăng”. Ngoài ra, DHC cũng vừa được Đà Nẵng đồng ý cho xây một sân đỗ trực thăng trên sông Hàn, cách “ngọn hải đăng” không xa.