-
Nhiều vấn đề nóng được chất vấn trong phiên sáng 9/11
Trong phiên chất vấn buổi sáng 9/11, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời nhóm câu hỏi về chính sách với cán bộ công chức, viên chức. Với chính sách với cán bộ là công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Nội vụ cho biết Chính phủ không ban hành Nghị định riêng mà lồng ghép vào các nghị định tuyển dụng, sử dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.
Theo ông, người dân tộc thiểu số là đối tượng được cử tuyển đi học đại học, sau khi tốt nghiệp về địa phương thì được xét tuyển chứ không qua thi. Chính phủ cũng quy định số lượng công chức, viên chức là dân tộc có cơ cấu nhất định trong bộ máy và người dân tộc khi tuyển dụng được miễn ngoại ngữ và tin học…
Trong khi đó, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã trả lời chất vấn về hiệu quả của Đề án liên thông các thủ tục hành chính, đăng ký khai tử và xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất. Ông nhấn mạnh đây là vấn đề Chính phủ rất quan tâm.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết trước khi Thủ tướng phê duyệt Đề án liên thông thủ tục hành chính, đăng ký khai tử và xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất thì có rất nhiều vấn đề bất cập được người dân quan tâm, báo chí phản ánh. Trong đó, có việc người dân đến các cơ quan Nhà nước phải khai lại các thông tin trùng lặp, có người phải đi lại nhiều lần mới làm xong thủ tục.
-
Chủ tịch Quốc hội trả lời chất vấn của nữ đại biểu
Cũng trong sáng 9/11, nữ đại biểu Trần Thị Quốc Khánh trong ngày chất vấn đầu tiên đã chất vấn Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng “bao giờ xây dựng Luật Hành chính công?”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết bà sẽ trả lời, nếu đại biểu thấy không thỏa đáng thì Thủ tướng sẽ giải trình thêm. Bà Ngân cho biết các đại biểu Quốc hội khóa XIII và XIV đều nhận thấy sự kiên trì của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh trong đề xuất xây dựng Luật Hành chính công (sau này chuyển thành dịch vụ công).
Sau nhiều lần trao đổi giữa Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết chưa thể ban hành luật này vì một số lý do.
Trước hết, các quy định về hành chính công đều được quy định trong từng dự án luật trong hệ thống pháp luật hiện hành. Hai là dự thảo luật do đại biểu chuẩn bị chưa rõ đối tượng, phạm vi và nội hàm nên chưa thể trình Quốc hội ban hành.
“Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đánh giá cao sự kiên trì của đại biểu. Chúng tôi đã bố trí thời gian cho ban soạn thảo làm việc nhưng vì những lý do trên nên chưa thể trình Quốc hội”, bà Ngân nói.
-
Khoảng 1 triệu người nghỉ hưu có mức lương thấp
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mở đầu buổi chất vấn chiều 9/11. Ông cho biết nhận được 5 câu hỏi. Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) về vấn đề lương hưu cho những người nghỉ trước 1953, Phó thủ tướng cho biết có khoảng 600.000 người nghỉ hưu trước năm 1953 và khoảng 400.000 người nghỉ hưu ở các thời điểm khác nhau nhưng lương hưu rất thấp - dưới 3 triệu đồng, thậm chí có người chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng.
Vì thế, Chính phủ tính toán phương án có một khoản bù thêm do ngân sách Nhà nước đảm bảo, áp dụng với khoảng 400.000 người với mức 500.000 đồng/người/tháng. Tính ra mất khoảng 2.400 tỷ/năm.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nguồn thu nên các cơ quan có thẩm quyền đã lùi thời điểm thực hiện chính sách cải cách lương thay vì đầu 2021 sẽ lùi sang 1/7/2022. Riêng đối với những người nghỉ hưu trước năm 1953, ông cho biết Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng sẽ xem xét.
-
Có tiêu cực, móc nối giữa bác sĩ và trình dược viên công ty thuốc
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) phản ánh bệnh nhân chữa bằng BHXH nhưng vẫn phải ra hiệu thuốc mua thuốc do bác sĩ điều trị kê, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu nguyên nhân trước hết do chính sách thanh toán của BHYT còn những điểm chưa phù hợp.
“Chúng ta khám chữa bệnh bằng BHYT, mệnh giá mức trung bình có tăng lên nhưng đến nay mới được khoảng 1,1 triệu đồng/người/năm, chưa bằng 1/3 của Philippines và chưa bằng 1/4 Thái Lan. Giá thuốc của Việt Nam cũng chỉ rẻ hơn khoảng 10-15% các nước ASEAN”, ông Đam cho biết.
Vì vậy, BHXH không thể thanh toán hết các loại thuốc mà chỉ thanh toán với những dạng thông thường, còn những loại thuốc biệt dược thì người bệnh phải bỏ tiền túi. Theo Phó thủ tướng, hàng năm Việt Nam có 120.000 tỷ tiền thuốc thì bảo hiểm thanh toán khoảng 36-37%, là mức cao so với một số nước. Ông cho rằng cần duy trì và tăng tỷ lệ BHYT.
Nguyên nhân thứ hai, Phó thủ tướng cho biết có nhiều bệnh nhân phản ánh có tiêu cực, móc nối giữa bác sĩ điều trị và trình dược viên ở công ty thuốc và nhà thuốc, kê đơn cao để ăn hoa hồng.
“Việc này trong ngành y tế nhiều năm chúng tôi chỉ đạo rất quyết liệt, có hiện tượng đó nhưng không phải tất cả”, ông Đam nhấn mạnh.
Để khắc phục, ông cho rằng phải minh bạch thông tin. Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế đẩy mạnh tin học hóa, tập trung đẩy nhanh tiến độ cung cấp dịch vụ công, nền tảng khám chữa bệnh từ xa. Tới đây sẽ kết nối toàn bộ hệ thống quản lý của các cơ sở y tế và nhà thuốc, làm hóa đơn điện tử, bệnh án điện tử để kiểm soát tốt việc này.
-
Chính phủ lập đoàn công tác xác minh vụ cách chức hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng
Trước chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Minh Hiền và Dương Minh Ánh về tự chủ đại học, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết chúng ta đã thực hiện tự chủ đại học nhưng chỉ được một số bước, vừa rồi có kết quả tốt. Có 5 điểm có tính nguyên tắc cho toàn thế giới và một điểm có tính nguyên tắc cho Việt Nam và một số nước có hoàn cảnh tương tự mà ta cần hiểu rõ.
Một là, đại học không chỉ là nơi làm ra tri thức, mà còn là nơi làm việc, sinh hoạt của tri thức có mặt bằng nhận thức xã hội cao hơn mặt bằng chung nên đại học cần xây dựng mô hình tiên tiến để lan tỏa tính sáng tạo, khoa học ra toàn xã hội.
Hai là, đã tự chủ phải luôn gắn với trách nhiệm giải trình, mọi hoạt động của cơ sở giáo dục đại học phải theo quy chế công khai để toàn xã hội giám sát.
Ba là, tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư tiền nữa. Ở các quốc gia, Nhà nước vẫn phải đầu tư để đặt hàng và xây dựng cơ sở vật chất.
Bốn là, tự chủ đại học không có nghĩa là không quản lý.
Năm là, tất cả quốc gia, cả Chính phủ, xã hội và nhà trường thực hiện tự chủ nhưng vẫn phải đảm bảo cơ chế cho một số đối tượng như con người nghèo không bị giới hạn cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học.
Sáu là, khái niệm chủ sở hữu của đại học có thay đổi. Vì đóng góp vào trường đại học không chỉ là tiền, máy móc mà còn là trí tuệ. Đóng góp này là của toàn xã hội.
Về câu hỏi có nên bỏ chủ quản không, Phó thủ tướng cho biết thực ra luật pháp nước ta giờ không còn chủ quản mà chỉ còn khái niệm cơ quan quản lý và cơ quan chủ sở hữu. Theo Phó thủ tướng, có hai việc quan trọng là tất cả trường đại học phải thành lập hội đồng trường với tư cách là cơ quan thực quyền. Cùng với đó, các trường đều phải xây dựng quy chế điều hành, quản lý nội bộ và công khai cho toàn dân biết để giám sát.
“Đây là quá trình chuyển đổi, có nhiều việc chưa được quy định rõ và chưa có tiền lệ nên khi xử lý cần bình tĩnh và xu hướng là phải ủng hộ”, Phó thủ tướng nói và cho biết trưa nay Chủ tịch Quốc hội có đề nghị ông nói rõ hơn về trường hợp trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Theo Phó thủ tướng, việc cách chức hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng là quyết định có ý kiến khác nhau, đã trao đổi với Bộ Tư pháp nhiều lần, Chính phủ yêu cầu rất thận trọng.
“Chính phủ, Thủ tướng đã lập đoàn công tác, gồm cả Bộ Tư pháp để vào xem xét, phân tích, báo cáo, sau đó công khai minh bạch cho toàn dân biết, nhưng tinh thần là Chính phủ công minh, ủng hộ tự chủ để tạo điều kiện cho trường phát triển”, ông Đam thông tin.
-
Đạo đức xã hội và ứng xử xuống cấp là có thật
Trả lời chất vấn về đạo đức xã hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận đây là vấn đề lớn và không ai có thể nói tất cả hành vi của mình đều là chuẩn mực.
“Thực trạng đạo đức xã hội và ứng xử xuống cấp là có thật. Nhiều tài liệu đánh giá xuống cấp đáng báo động ở một số mặt, thể hiện rõ ở các hành vi phạm tội, các hành vi gian dối, không trung thực, bị đồng tiền chi phối”, Phó thủ tướng nói.
Nhưng nhìn ở 2 mặt, Phó thủ tướng nhận định câu chuyện hình thành văn hóa, đạo đức xã hội là dài hơi. Xuống cấp từ khi bắt đầu đổi mới sang cơ chế thị trường. Song, những điểm lớn nhất của đạo đức xã hội được làm bật lên bởi nhân dân, có 5 điểm được thế giới ghi nhận.
Thứ nhất, Việt Nam có lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. "Chúng ta không dám nói hơn nhưng không kém quốc gia nào", Phó thủ tướng nói.
Hai là đạo đức còn nằm ở tình yêu thương đồng loại. “Có đất nước nào mà dịch bệnh, lũ lụt như vừa rồi người dân thương nhau, giúp đỡ nhau đến vậy”, Phó thủ tướng nói.
Ba là người dân luôn hòa ái, cởi mở, thân thiện, là điểm đến hấp dẫn của du lịch.
Bốn là tính yêu lao động, chịu thương chịu khó. Theo Phó thủ tướng, nếu không có đức tính này thì không thể thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển như hôm nay.
Năm là tinh thần vươn lên và đức hiếu học được nhân dân Việt Nam thể hiện rất rõ. “Như vậy để thấy các hiện tượng xuống cấp là đáng báo động, nhưng không phải vì thế mà nhìn nhận đạo đức xã hội và con người Việt Nam một cách thiếu công bằng”, Phó thủ tướng chia sẻ.
Phân tích về nguyên nhân, nhiều ý kiến nhận định nguyên nhân khách quan là mặt trái của kinh tế thị trường, mạng xã hội. Chủ quan về yếu kém của văn hóa, giáo dục. Nhưng ông Đam chia sẻ thêm 3 nguyên nhân. Nguyên nhân sâu xa là trong mỗi con người sự đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, chưa có khi nào cái tốt hoặc cái xấu thắng tuyệt đối.
Hai là cả thế giới khi suy yếu về đạo đức trong từng thời kỳ thì không chỉ do bất cập về giáo dục, văn hóa mà là bất cập của cả hệ thống. Ba là mọi người công nhận kinh tế thị trường có mặt trái, nhưng ông khẳng định mặt trái không bao giờ bằng mặt tốt nên phải đẩy mạnh mặt tốt.
Giải pháp đã có nhiều, song Phó thủ tướng cho rằng muốn góp phần cho cái tốt nhiều lên thì phải làm cho toàn dân hiểu rõ cái gì tốt, cái gì xấu.
Phó thủ tướng cũng lưu ý phải kết hợp giữa giáo dục, tuyên truyền, vận động các phong trào với việc phát hiện và xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó, phải nêu gương từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Đặc biệt, Phó thủ tướng lưu ý chúng ta phải thật sự chú trọng các vấn đề xã hội, trong đó có đạo đức và văn hóa.
-
Khi nào hoàn thành đường gom cao tốc Hà Nội - Bắc Giang
Trả lời câu hỏi của đại biểu về những bất cập thiếu đường gom tại dự án cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết dự án này hoàn thành vào năm 2016, mục tiêu ban đầu chỉ lưu thông ôtô. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng, nhu cầu của người dân rất lớn, đường gom thì chưa hoàn chỉnh. Từ năm 2019, Bộ GTVT đã họp với UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND tỉnh Bắc Giang, nhà đầu tư…
Qua rà soát, ông Thể cho biết tuyến đường này không đảm bảo quy chuẩn đường cao tốc, không an toàn nếu vận hành như cao tốc.
“Chúng tôi đi kiểm tra lại toàn bộ biển báo trên tuyến đường này, thay thế toàn bộ biển báo có chữ cao tốc đổi thành tuyến Hà Nội - Bắc Giang. Như vậy tuyến này đang quản lý như một quốc lộ”, ông Thể cho hay.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đi kiểm tra, khảo sát và kết luận tuyến này cần thêm 43 km đường gom. Ông cho biết Bộ quyết định tận dụng 21 km đường hiện hữu, còn 22 km buộc đầu tư, giải phóng mặt bằng.
“Đến nay, chúng tôi đã được bàn giao mặt bằng 16 km, nhà đầu tư cũng hoàn thành 14 km, còn lại hơn 7 km chúng tôi đang tập trung triển khai nốt”, ông Thể nói. Ông cho biết sau khi hoàn thành toàn bộ các đường gom của tuyến này, Bộ sẽ điều chỉnh lại cụ thể các đoạn tuyến xe máy được lưu thông.
-
Đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu cấp điện cho tất cả hộ dân
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết hiện có 100% xã, trong đó 99,6% hộ dân đã được cấp điện từ lưới điện quốc gia. Ông khẳng định việc cung cấp điện lưới quốc gia cho tất cả hộ dân được coi là nhiệm vụ ưu tiên của Quốc hội và Chính phủ.
Để thực hiện, Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết đến nay trần nợ công của Việt Nam đã về ngưỡng an toàn, Bộ Công Thương đã làm việc với các nhà tài trợ và báo cáo Chính phủ, Chính phủ đồng ý và báo cáo Quốc hội bố trí đảm bảo mục tiêu huy động được hơn 21.000 tỷ đồng.
“Thực hiện theo đúng kế hoạch, đến 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu cấp điện cho tất cả hộ nông dân ở các vùng miền núi xa xôi và hải đảo”, Bộ trưởng nói.
-
Chính phủ sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu lớn
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết mỗi bộ ngành, địa phương đều có dữ liệu của mình và thường không giống nhau. Ông khẳng định không có chồng chéo, nhưng gặp vấn đề ở chất lượng dữ liệu và khả năng kế thừa.
Hiện, có 6 cơ sở dữ liệu quốc gia vì có khá nhiều trường dùng chung. Cũng có nhiều đơn vị xây dựng data center (trung tâm dữ liệu) nhưng vốn ít, không đạt chuẩn. Chính phủ sẽ đầu tư data center lớn, các đơn vị cần thì nên thuê.
“Dữ liệu quốc gia sẽ đề cập đầy đủ, toàn diện các giải pháp để xử lý cả vấn đề dữ liệu và cả vấn đề data center”, Bộ trưởng nói.
-
Quá tải đơn giám đốc thẩm, vận động cán bộ tòa án làm cả cuối tuần
Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về giải pháp giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết đã tập trung lực lượng để giải quyết nhanh số lượng đơn. Đặc biệt, ngành tòa án động viên cán bộ, công chức làm cả ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật để phân loại đơn, giải quyết và ưu tiên giải quyết những đơn sắp hết hạn và đơn đã được nhiều cấp trả lời.
Cùng với đó là việc tập huấn để nâng cao chất lượng, kỹ năng giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm cho các thẩm phán, thẩm tra viên.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, năm 2020, TAND Tối cao nhận được 16.200 đơn và đã giải quyết được 9.188 đơn, với yêu cầu của Quốc hội không đạt được 60% nhưng so với những năm trước, đây tỷ lệ đã cao hơn nhiều. Những năm tới, theo xu thế này, ông Bình cho rằng số đơn sẽ tăng lên trung bình 10% nên “tình hình sẽ rất căng”.
“Theo quy định của Hiến pháp, chúng ta chỉ có 2 cấp xét xử, nhưng với tình hình đơn thư nhiều như thế này có nguy cơ thành nhiều cấp xét xử. Vì vậy, vấn đề không chỉ động viên anh em, huy động cán bộ, mà phải tổng kết để đề ra giải pháp căn cơ hơn thực hiện”, Chánh án tòa tối cao chia sẻ.
-
Doanh nghiệp, người dân tiết kiệm được 6.700 tỷ nhờ Cổng dịch vụ công
Trả lời câu hỏi về Chính phủ điện tử tác động thế nào đến biên chế các cơ quan Nhà nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay Chính phủ điện tử tác động rất tích cực đến nền kinh tế. Còn việc tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế được thực hiện theo Nghị quyết 18, 19 và 39 của Bộ Chính trị.
Theo ông Dũng, hiệu quả kinh tế đã rất rõ. Đối với cơ quan Nhà nước, mỗi năm Chính phủ điện tử giúp tiết kiệm 1.200 tỷ nhờ có gửi, chuyển văn bản điện tử. Ngoài ra còn có hệ thống họp, giải quyết công việc của Chính phủ mỗi năm tiết kiệm được 169 tỷ đồng. Rồi Trung tâm báo cáo quốc gia, trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ mỗi năm tiết kiệm được 460 tỷ, Cổng Dịch vụ công quốc gia tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp 6.700 tỷ.
“Thủ tướng đã giao Văn phòng Chính phủ thực hiện như vậy và không tăng một biên chế nào và không tăng bộ máy nào”, Bộ trưởng nói.
Ông cũng cho biết thêm Chính phủ sẽ không thực hiện các dự án nữa mà doanh nghiệp điện tử, viễn thông xây dựng và Văn phòng Chính phủ thuê lại. Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng thay đổi rất nhiều lề lối làm việc của công chức.
“Ở bộ phận nào, cán bộ nào mà không xử lý đúng thời gian theo quy định thì đều bị công khai, theo đó để xem xét, đánh giá cán bộ”, ông Mai Tiến Dũng nói.
-
Lừa đảo, gian lận thương mại trên mạng phát triển rất nhanh
Đối với hàng giả, hàng nhái, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận còn tồn tại dưới nhiều hình thức và biến tướng. Những năm gần đây, lực lượng chức năng đã tập trung đánh mạnh vào hệ thống buôn lậu được tổ chức rất tinh vi, liên vùng. Đối với môi trường thương mại điện tử, điều kiện còn dễ dàng, cả trong môi trường xuyên biên giới. Hệ thống quản lý và các cơ sở pháp lý ở Việt Nam hiện nay còn thiếu, chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng.
“Vì vậy, việc lừa đảo và gian lận thương mại trên môi trường mạng phát triển rất nhanh. Mục tiêu, nhiệm vụ tới đây của ngành công thương là xây dựng lại Nghị định 52, trong đó xác định trách nhiệm tất cả trách nhiệm của các cơ chế liên quan từ đấu tranh, ngăn chặn gian lận thương mại điện tử, thu thuế gắn với các hoạt động quảng cáo, giới thiệu hàng hóa trên môi trường mạng”, Bộ trưởng nói.
-
Giảm ùn tắc đường vào cảng Cát Lái
Trả lời câu hỏi của đại biểu về tình trạng xe container ra vào cảng Cát Lái, gây ùn tắc, tai nạn, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận tình trạng ùn tắc ở khu vực phía đông TP.HCM. Để giải quyết việc này, ông Thể cho hay Chính phủ đã có chủ trương cho di dời một số cảng, giảm tải cho cảng Cát Lái.
Thứ nhất, ông Thể nhấn mạnh sẽ hạn chế về quy mô, không cho mở rộng thêm cảng Cát Lái. Thứ hai, Bộ và TP.HCM triển khai xây dựng các cầu vượt, tránh cho xe đi về cảng giao cắt với các đường trong đô thị. Thứ ba, Bộ và TP.HCM sẽ đẩy mạnh phát triển vận tải thủy, cố gắng các container từ miền Tây đi về TP.HCM vận chuyển bằng đường thủy.
Bộ vừa qua cũng nâng cầu Bình Lợi để tàu container từ Đồng Nai, Bình Dương có thể đến trực tiếp cảng Cát Lái. Bên cạnh đó, ông cũng thông tin thêm Bộ sẽ phát triển các cảng mới như cảng Bình Điệp ở phía nam TP.HCM để khai thác; triển khai cao tốc Bến Lức - Long Thành để xe từ miền Tây giảm tải cho giao thông TP.HCM khi có xe các tỉnh đi qua.
Bộ cũng đang trình Chính phủ phê duyệt dự án cao tốc Đồng Nai - Vũng Tàu, thuận lợi cho xe đi cảng Thị Vải - Cái Mép không phải qua Cát Lái. Với những công trình đang, sắp triển khai, ông Thể cho rằng tình trạng ùn tắc ở khu vực này sẽ được cải thiện.
-
Chủ tịch UBND ra tòa giải quyết án hành chính thì không còn thời gian làm việc
Về băn khoăn có phải năng lực giải quyết án dân sự không cao bằng án hình sự, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết năm 2020, khoảng 650.000 vụ được giải quyết; trong đó 80.000 vụ hình sự và hơn 500.000 vụ dân sự, kinh doanh thương mại. Chính vì con số án dân sự nhiều như vậy nên việc giải quyết không thể so với hình sự.
Bên cạnh đó, đánh giá chất lượng vụ án không phải căn cứ vào đơn mà tất cả chỉ tiêu về đánh giá chất lượng xét xử căn cứ vào tiêu chí Quốc hội đặt ra.
“Không thể căn cứ vào số lượng đơn mà đánh giá chất lượng ngành tư pháp”, ông Bình cho biết tất cả chỉ số này đã được báo cáo gửi tới Quốc hội.
Về việc có dè dặt hay không trong xử lý án hành chính, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết tỷ lệ án hành chính có nhiều vấn đề: Tỷ lệ thấp, kháng nghị nhiều, Chủ tịch UBND ít tham gia, bản án xong không được thi hành. Theo ông Bình, đây là tồn tại kéo dài nhiều năm và cần nhiều giải pháp. Vì thực tế có những việc tòa muốn xử nhưng UBND không tham gia nên không thể xử được.
“Rất nhiều địa phương đã kiến nghị rồi, ta phải lắng nghe. Ví dụ, TP.HCM hay Hà Nội mỗi năm có 1.500-2.000 vụ án hành chính, nếu chủ tịch hay phó chủ tịch buộc phải ra tòa tham dự, giải quyết các vụ án này thì không còn thời gian làm việc khác”, ông Bình dẫn chứng và cho rằng cần tổng kết, lắng nghe, xem xét lại việc này.
Thừa nhận có chánh án ở một số địa phương dè dặt trong xử lý án hành chính, song ông Bình khẳng định đây không phải nguyên nhân chủ yếu của việc chậm giải quyết án hành chính.
-
"Ngành du lịch dự kiến thất thu 23 tỷ USD"
Trả lời chất vấn về chiến lược phát triển ngành du lịch, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đưa ra một số con số cụ thể.
Đến năm 2019, số khách quốc tế đến Việt Nam là 18 triệu lượt, khách nội địa đạt 85 triệu, tổng thu du lịch đạt 35 tỷ USD, đóng góp GDP là 9,2%. Trong khi đó, chỉ tiêu mà Bộ Chính trị đặt ra là phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đón 17-20 triệu khách quốc tế, 82 triệu khách nội địa; đóng góp của du lịch vào GDP đạt 10% và doanh thu trên 25 tỷ USD.
"Như vậy, so với chỉ tiêu mà Bộ Chính trị đặt ra, ngành du lịch đã cơ bản đạt được. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam năm 2017 tăng 12 bậc so với năm 2015, năm 2019 tăng 4 bậc so với 2017 và cũng đạt được nhiều giải thường trong nước và quốc tế”, ông nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thiện khẳng định năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch dự kiến thất thu 23 tỷ USD, số lượng khách quốc tế giảm 80%, du lịch nội địa giảm 50%. Về giải pháp, ông cho biết sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam; tập trung phát triển nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng hàng không, du lịch; tăng cường quảng bá, xúc tiến; bảo vệ, phát triển bền vững với môi trường…
-
Vì sao chậm cổ phần hóa tại doanh nghiệp Nhà nước?
Lý giải vì sao chậm cổ phần hóa tại doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng Covid-19 và diễn biến trên trường quốc tế ảnh hưởng đến thị trường tài chính trong nước và trên thế giới. Do đó, các doanh nghiệp cổ phần hóa phải cân nhắc thời điểm phê duyệt phương án và bán cổ phần.
Bên cạnh đó, việc rà soát phương án cổ phần hóa doanh nghiệp phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục; doanh nghiệp cơ cấu lại trong giai đoạn này hầu hết là doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp dẫn đến chậm trong việc cổ phần hóa, thoái vốn.
Về nguyên nhân chủ quan, một số bộ ngành địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chưa thực hiện nghiêm túc triển khai cổ phần hóa; công tác lập kế hoạch cổ phần hóa chưa sát với thực tế; vai trò người đứng đầu doanh nghiệp chưa cao…
-
Chất lượng quy hoạch đô thị thấp do thiếu tầm nhìn
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời đại biểu Trần Văn Mão về quy hoạch đô thị. Ông đánh giá quy hoạch ngày càng hoàn thiện nhưng về tổng thể, công tác xây dựng quy hoạch còn hạn chế, chất lượng một số quy hoạch đô thị còn thấp do thiếu tầm nhìn và công tác dự báo về dân số, đất đai, kinh tế - xã hội hạn chế… Từ đây dẫn đến xác định không chính xác cấu trúc phát triển không gian.
Bên cạnh đó, chúng ta chưa tính toán đầy đủ và thiếu điều kiện thực hiện, nhất là nguồn lực và công tác giải phóng mặt bằng; việc lập quy hoạch chưa đồng bộ, thậm chí còn mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch; thời gian lập quy hoạch kéo dài.
Nguyên nhân chủ yếu là việc đổi mới phương pháp xây dựng quy hoạch còn nhiều nội dung bất cập, hệ thống pháp luật về phát triển, quản lý đô thị còn chưa đồng bộ; trình độ, tư duy, năng lực của cán bộ trong cơ quan thẩm định chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống thông tin phục vụ cho quy hoạch còn yếu…
Cũng theo ông Hà, việc lấy ý kiến người dân, chuyên gia về lập quy hoạch còn hình thức. Thời gian qua đã sửa đổi, bổ sung một số quy định nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, các quy định pháp luật đã có sự đồng bộ, thống nhất, bãi bỏ một số quy hoạch không phù hợp, bãi bỏ giấy phép và chứng chỉ quy hoạch…
Cùng với đó, bổ sung các quy định về đấu thầu, kết hợp tư vấn trong nước và nước ngoài. Nhờ đó, chất lượng quy hoạch đã được nâng cao hơn song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
-
Xây dựng hồ chứa nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long
Trả lời về câu hỏi xây dựng hồ chứa nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà nhấn mạnh khu vực này đang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Ông nêu 3 vấn đề của nước mặt Đồng bằng sông Cửu Long là quá thừa vào mùa lũ, quá ô nhiễm và quá thiếu và xâm nhập mặn vào mùa khô.
Ông cho rằng việc xây dựng các hồ chứa lớn ở tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười là hết sức thích hợp để tích trữ nước ngọt. Khu vực này cũng cần sớm hệ thống hạ tầng tích trữ nước, xử lý nước thải đồng bộ thì mới có thể đảm bảo sản xuất kinh tế.
Còn về nước ngầm, Bộ trưởng Hà cho rằng dữ liệu nghiên cứu còn hạn chế, chưa đủ để đánh giá nhiều. Nhưng ông nhấn mạnh việc khai thác quá mức nước ngầm không chỉ làm hạ mà còn suy giảm chất lượng nước ngầm. Cần cân đối giữa cung cấp và khai thác nước ngầm, bởi nếu hoàn toàn không khai thác nước ngầm cũng là một điều rất lãng phí.
-
“Ngay trong đội ngũ cán bộ, nhiều người sử dụng giấy tờ giả”
Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn về tình trạng mua bán giấy tờ giả trên mạng và tình trạng giả mạo các trang website quảng bá các dịch vụ làm giấy tờ, chứng chỉ giả diễn ra công khai. Ông cho biết các lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều tổ chức, băng nhóm sản xuất, đường dây làm giấy tờ giả, chứng chỉ giả có quy mô rất lớn, có vụ thu đến 1.500 mẫu dấu và công cụ, máy móc phục vụ làm con dấu giả, giấy tờ giả.
Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận có thể thực hiện hầu hết công đoạn làm giấy tờ, chứng chỉ giả, từ chế tạo phôi bằng, con dấu trên tài liệu... Các đối tượng sẵn sàng làm giả tất cả loại giấy tờ, chứng chỉ giả, kể cả bằng tốt nghiệp các trường đại học, bằng lái xe giả. Theo Bộ trưởng Công an, những loại đối tượng này gồm 2 nhóm: Làm giấy tờ giả để hoạt động lừa đảo và làm giấy tờ, chứng chỉ giả phục vụ cho tuyển dụng, đánh giá cán bộ.
“Ngay trong đội ngũ cán bộ, nhiều người sử dụng giấy tờ giả”, đại tướng Tô Lâm cho biết.
Về giải pháp, ông cho rằng cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo cơ quan chức năng và người dân về phương thức mua bán giấy tờ; tiến hành rà soát việc sử dụng các văn bằng, chứng chỉ giả và xử lý nghiêm.
“Trước nay với người sử dụng giấy tờ giả chỉ nặng về xử lý hành chính, ít khi xử lý hình sự, nhưng đã đến lúc cần xử lý hình sự”, Bộ trưởng Công an kiến nghị và dẫn chứng việc dùng giấy phép lái xe giả có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
-
Trả lời câu hỏi về chính sách cho đồng bao dân tộc thiểu số ở miền núi, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh đây là vấn đề lớn, thời sự mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm, có nhiều chỉ đạo. Ông cho biết thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều sự đầu tư lớn về nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc miền núi.
“Nhưng so với nguyện vọng của đồng bào, so với yêu cầu thì chưa đáp ứng được. Đây là sự trăn trở rất lớn”, Phó thủ tướng nói.
Ông nhấn mạnh Chính phủ dự kiến trình dự án luật về đồng bào dân tộc và miền núi, song thấy sẽ rất mất thời gian và khó khả thi. Nên Chính phủ đã thống nhất xây dựng đề án và đã được Quốc hội thông qua. Ông nhấn mạnh đây là quyết sách mang tính lịch sử, xác định có 4 mục tiêu là xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân; không để ai bị bỏ lại phía sau; giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách với vùng phát triển…
Về kinh phí thực hiện, Phó thủ tướng cho biết là hơn 100.000 tỷ đồng, thực hiện trong 2 giai đoạn 2020-2025 và 2026-2030. “Trong thời gian dài như thế, số vốn lớn như thế, cử tri băn khoan về dự án cũng là đúng thôi. Đây là quyết tâm rất lớn của Chính phủ, đề ra 8 giải pháp”, ông cho hay.
Chính phủ sẽ đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho các tỉnh, bộ, ngành để kiểm tra việc thực hiện các dự án, cấp nào không hoàn thành sẽ xử lý trách nhiệm. Chính phủ thành lập ban chỉ đạo, chỉ đạo từng hạng mục công trình, từng mục tiêu đề ra.
“Chính phủ sẽ có giải pháp phù hợp, hiệu quả, kiên quyết phòng chống tham nhũng, lãng phí, đảm bảo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trực tiếp đến đối tượng được thụ hưởng”, ông Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Xây hồ chứa nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng việc xây dựng các hồ chứa lớn ở tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười là hết sức thích hợp để tích trữ nước ngọt.