Văn bản số 9837/BGTVT-KCHT do Bộ trưởng Đinh La Thăng ký chiều 18/9, nêu rõ: để đáp ứng năng lực vận tải, phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách và nâng cao tính thẩm mỹ công trình nhà ga trên các tuyến đường sắt quốc gia, Bộ GTVT yêu cầu Tổng công ty Đường sắt VN (TCT ĐSVN) khẩn trương rà soát, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các ga đường sắt. Với các ga trọng điểm, ga có lượng hành khách lớn cần ưu tiên nâng cấp, cải tạo, sửa chữa hoàn thành trước 30/6/2014.
Một góc ga Hà Nội. |
Riêng đối với ga Hà Nội và ga Sài Gòn, xây dựng ít nhất 2 cầu vượt bộ hành qua các đường có ke ga đón khách, đảm bảo thuận lợi cho hành khách. Tại ga Hà Nội, hoàn thành trước ngày 20/12/2013; ga Sài Gòn phải hoàn thành trước ngày 30/1/2014. Kinh phí lấy từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế năm 2013, 2014.
Bộ trưởng giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông phối hợp với TCT ĐSVN rà soát, lựa chọn các ga trọng điểm để cải tạo, hoàn thành trong tháng 9/2013.
Trước đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng và Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp đã “vi hành” tại ga Hà Nội kiểm tra những bất cập trong quá trình đón tiễn khách lên tàu, nhất là việc hành khách phải đi vòng, thậm chí đi trực tiếp trên các đường ray để lên tàu. Ga Hà Nội có số lượng tàu ra vào ga lớn nên việc khách đi lại trực tiếp trên đường ray gây mất an toàn.
Hơn nữa, mỗi khi có tàu đỗ ở đường số 1, hành khách muốn lên, xuống tàu ở các đường số 3, 4, 5, 6… sẽ phải đi vòng xuống 2 đầu đường ke ga rất vất vả.
Trao đổi với PV, ông Vũ Đình Rậu - Trưởng ga Hà Nội cho biết: "Ga Hà Nội có 6 đường ke và 11 đường ray, trong đó có 2 đường không sử dụng. Nếu có cầu vượt để hành khách lên và xuống tàu mà không phải đi vòng hoặc băng qua đường ray sẽ an toàn và thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để tìm được vị trí xây cầu vượt trong mặt bằng hạn hẹp của ga cũng khá khó khăn".
Thực trạng này cũng xảy ra tại nhiều ga trọng điểm trên các tuyến đường sắt như ga Vinh, Huế, Đông Hà, Sài Gòn…
Hồi tháng 5, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã có công văn yêu cầu TCT ĐSVN khẩn trương rà soát, thực hiện sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các ga đường sắt; Rà soát, lập kế hoạch nâng cấp, cải tạo, sửa chữa mái che, ke ga hành khách và các công trình phụ trợ của toàn bộ các ga đường sắt. Quá trình thực hiện cần nghiên cứu vị trí ke ga, cao độ ke ga phù hợp đảm bảo thuận tiện cho hành khách lên, xuống tàu. Ưu tiên nâng cấp, cải tạo, sửa chữa trước các ga trọng điểm, ga có lượng hành khách lớn.