Ngày 25/7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân ký ban hành chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.
Mỗi năm, TP có hàng nghìn công trình xây dựng không phép, sai phép bị phát hiện và xử lý. Những công trình này đã phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các quận, huyện phải chấn chỉnh tình trạng xây dựng không phép, sai phép. Ảnh: Quang Huy. |
Thành ủy TP nhận định nguyên nhân khách quan của tình hình xây dựng sai phép, không phép chủ yếu xuất phát từ nhu cầu nhà ở của người dân nhập cư. Mặt khác, thành phố chưa thực hiện tốt quy hoạch và chưa có chương trình nhà ở cho người nhập cư với quy mô mỗi năm khoảng 200.000 người.
Bên cạnh đó, công tác quản lý về đất đai, quy hoạch, xây dựng chưa quyết liệt, có nơi còn buông lỏng, xảy ra tiêu cực.
“Có biểu hiện người vi phạm chi tiền cho thanh tra, công chức thì được làm ngơ, lực lượng môi giới, 'cò' bán đất, nhà trái pháp luật không bị xử lý”, chỉ thị nêu.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa Sở Xây dựng và các quận, huyện trong xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng còn chồng chéo, sơ hở, thiếu hiệu quả.
Ban Thường vụ Thành ủy TP đưa ra hàng loạt giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này. Về nhân lực, thành phố tổ chức lại lực lượng thanh tra, giao cấp quận, huyện xử lý công trình không phép, sai phép còn Thanh tra Sở Xây dựng xử lý các công trình lớn, đặc thù, phức tạp.
Lực lượng thanh tra xây dựng và quản lý trật tự đô thị được bố trí đông hơn, mạnh hơn ở các địa bàn có nguy cơ xảy ra xây dựng không phép, trái phép cao.
Một công trình ở quận 2 xây dựng khi chưa được cấp phép. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Thành ủy TP giao các quận, huyện; phường, xã, thị trấn rà soát, lập danh sách tổ chức, cá nhân chuyên nghiệp đã xây dựng các công trình không phép, trái phép tại địa phương để nhắc nhở, cảnh báo và yêu cầu viết cam kết không vi phạm.
"Đối với các đối tượng đã xây dựng và môi giới bán công trình vi phạm có quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng cho người mua và trật tự đô thị, móc ngoặc với một số công chức thoái hóa để xây dựng và mua bán trái pháp luật, cần giao cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, điều tra làm rõ", Thành ủy TP.HCM chỉ đạo.
Kết quả xử lý các tổ chức, cá nhân sai phạm này cần công khai kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng trong quý III và quý IV năm 2019.
Theo thống kê, năm 2017 TP.HCM có 2.856 công trình vi phạm, qua năm 2018 là 2.419 công trình. Sáu tháng đầu năm 2019, con số đã là 1.550. Các điểm nóng về xây dựng trái phép, không phép tập trung ở các địa phương như quận Bình Tân, quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh.