Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn

Pratt Industries là một ví dụ nổi bật về cơ hội phi thường dành cho giới doanh nhân khi tham gia xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, vì tình yêu đối với rừng.

Một nhà máy sản xuất của Pratt Industries. Ảnh: Papnews.

Sau khi đi dạo một vòng qua Công viên Freshkills, tôi dừng lại ở khu vực xếp dỡ hàng của nhà máy Pratt Industries trên eo biển Arthur Kill ở bờ biển phía tây thuộc đảo Staten và quan sát một chiếc xà lan lớn đang lặng lẽ lướt lại để buộc hàng, trên chiếc xà lan là 400 tấn giấy loại mà Thành phố New York thải ra hàng ngày và được thu gom lại để tái chế.

Nhìn đường chân trời của Manhattan đang tỏa ánh sáng lung linh ở đằng xa, tôi chợt nhớ đến nhận định của CEO Anthony Pratt khi trả lời một phóng viên không lâu sau khi cơ sở này khai trương vào năm 1997. Khi đó, ông cũng nhìn về phía Manhattan và nói với cô phóng viên nọ rằng: “Cô nhìn thấy một thành phố ở đó. Nhưng nếu cô quan tâm đến rác thải, thì nó thực sự là một khu rừng đô thị tự làm mới bản thân mỗi ngày. Tiềm năng ở đây là rất lớn".

Tôi biết đến dòng họ Pratt đáng kính nể khi tới làm việc trong chính quyền của Bloomberg và cũng được nghe câu chuyện kể về cuộc hành trình của ông của Anthony từ chỗ chỉ một người nhập cư Do Thái nghèo khổ phải chạy trốn khỏi châu Âu đang bị quân phát xít chiếm cứ trở thành một ông trùm ngành tái chế và sản xuất thùng hộp ở Australia.

Pratt Industries là một ví dụ nổi bật về cơ hội phi thường dành cho giới doanh nhân khi tham gia xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Là một trong những nhà sản xuất thùng hộp hàng đầu thế giới, Pratt đã phát triển được một hệ thống sản xuất tuần hoàn tích hợp. Và tập đoàn có trụ sở tại Australia này đã đưa cách tiếp cận vòng lặp kín mang đậm hơi thở đổi mới sáng tạo đối với ngành sản xuất thùng hộp sang Mỹ vào thập niên 1990.

Với những thành công đạt được ở thị trường Mỹ, họ đã phát triển được 100 cơ sở tại 26 tiểu bang, tất cả đều sử dụng 100% giấy tái chế. Nhờ kiểm soát được chuỗi cung ứng của chính mình, họ có thể tối đa hóa hiệu suất và giảm bớt những bất trắc.

Trong hầu hết trường hợp, nhà máy tái chế, nhà máy sản xuất giấy và nhà máy sản xuất thùng hộp của họ đều được đặt gần nhau; công ty này sở hữu các nhà máy tái chế có hợp đồng hợp tác dài hạn với chính quyền của các khu vực đô thị, làm nhiệm vụ cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cho các nhà máy sản xuất giấy và các nhà máy giấy lại là nơi cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cho các nhà máy sản xuất thùng hộp.

Tại cơ sở sản xuất thùng hộp của Pratt ở Thành phố New York, cũng là một trong những cơ sở lớn nhất trên thế giới, họ đã xây dựng được một vòng lặp kín đặc biệt hiệu quả thông qua việc dành phần lớn số bìa các tông sản xuất được để làm hộp đựng pizza nhằm cung cấp cho thành phố cuồng pizza này. Giấy được nghiền thành bột nhão và hoàn nguyên vào buổi sáng có thể đã trên đường tới các cửa hàng bán pizza chỉ 12 giờ sau đó.

Giải pháp tích hợp tuần hoàn của Pratt là ví dụ tuyệt vời cho thấy những lợi ích của nền sản xuất vòng lặp kín tại địa phương mà Walter Stahel đã chỉ ra. Với cách làm này, Pratt không chỉ loại bỏ được khâu trung gian mà còn giảm bớt được mức độ tiêu thụ năng lượng và khí thải bằng cách hạn chế các nhu cầu vận chuyển.

Nói ngắn gọn, công ty này đã tạo ra các tổ hợp công nghiệp sinh thái có hiệu suất vận hành rất cao, liên tục đầu tư vào các trang thiết bị tái chế và phân loại rác tiên tiến. Chính nhờ mong muốn giảm bớt rác thải và chi phí trong chuỗi cung ứng mà công ty này đã từ một doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong một nhà máy có diện tích chỉ tương đương một phòng khách bình thường đã lột xác trở thành một tập đoàn lớn với doanh thu hơn 3 tỷ USD mỗi năm và cho đến giờ vẫn thuộc quyền sở hữu và lãnh đạo của dòng họ Pratt.

Ron Gonen/NXB Công thương & Thaihabooks

SÁCH HAY