Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Xây dựng nền kinh tế không phụ thuộc là rất quan trọng với Việt Nam'

Ông Emanuel Pastreich, ứng viên tổng thống Mỹ độc lập, khẳng định nền kinh tế Việt Nam cần tư duy tự chủ và độc lập trong thời điểm kinh tế toàn cầu biến động vì dịch Covid-19.

Trong thời điểm nền kinh tế toàn cầu lao đao vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia duy trì tăng trưởng dương và hiện vẫn kiểm soát tốt sự lây lan của dịch bệnh.

Trao đổi với Zing, ông Emanuel Pastreich, Chủ tịch Viện châu Á tại Washington (Mỹ), ứng cử viên độc lập trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020, nhận định Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này trong tương lai gần.

Ông cũng nhấn mạnh rằng thế hệ trẻ Việt Nam cần nhận thức rõ về tự chủ kinh tế và có tinh thần hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích quốc gia giống như thế hệ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Biến động kinh tế toàn cầu

- Ông có nghĩ dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy quá trình phân ly kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc?

- Đại dịch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Trước tiên, chúng ta phải hiểu rằng vấn đề của Mỹ và Trung Quốc là mối quan hệ không lành mạnh giữa hai quốc gia.

Hai nước hợp tác với nhau để sản xuất và phân phối hàng hóa nhưng không có mối liên kết giữa các sinh viên, công dân, chuyên gia hay quan chức chính phủ. Mỹ và Trung Quốc hội nhập kinh tế nhưng không có bất cứ sự hợp tác xã hội, văn hóa hay chính trị nào. Đó là một tình trạng nguy hiểm.

Co hoi cua kinh te Viet Nam anh 1

Ông Emanuel Pastreich, Chủ tịch Viện châu Á tại Washington (Mỹ), ứng cử viên độc lập trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020. Ảnh: Facebook nhân vật.

- Có ý kiến cho rằng Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ông nghĩ sao về nhận định này?

- Tôi đồng ý rằng trong ngắn hạn, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ việc Mỹ và một số quốc gia khác chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần cân nhắc kỹ lưỡng về các chính sách kinh tế, đặc biệt là thương mại.

Việc giảm nhập khẩu nhiên liệu như dầu mỏ và than đá sẽ giúp giảm thâm hụt thương mại và ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, Việt Nam cần xem xét đến việc tự huy động vốn để xây dựng các nhà máy mà không phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Người Việt Nam thế hệ Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ về sự cần thiết của nền kinh tế tự chủ. Tuy nhiên ngày nay, nhiều người bị ám ảnh bởi những điều mới mẻ đến từ nước ngoài.

Thách thức của thế hệ trẻ Việt Nam không giống với thế hệ trước, nhưng tư duy độc lập và việc xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ vẫn rất quan trọng đối với người Việt.

Kiểm soát tốt dịch bệnh đem lại cơ hội kinh tế

- Khi nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh và thương chiến, Việt Nam là một trong số ít quốc gia duy trì tăng trưởng dương và đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Đây có phải một cơ hội tốt đối với nền kinh tế Việt Nam?

- Việt Nam đã làm tương đối tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không phải là tốc độ tăng trưởng mà là chất lượng cuộc sống của người dân. Nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng không thành công nếu tiền chỉ đổ vào túi của một số ít người, trong khi số đông còn lại gặp khó khăn trong công việc, không khí và nước bị ô nhiễm.

Lợi thế của Việt Nam là sự chăm chỉ, nhiệt tình và đạo đức nghề nghiệp của người lao động. Đây là điểm mạnh cần được khai thác để xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn.

Ngoài ra, hầu hết chuyên gia trên thế giới đều cho rằng an ninh lương thực sẽ là vấn đề chính của toàn cầu trong vòng 20 năm nữa. Chìa khóa thành công của Việt Nam là dự đoán tương lai của thế giới và tìm ra cơ hội từ đó.

- Vậy ông nghĩ sao về tương lai của nền kinh tế Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sau khi đại dịch kết thúc?

- Đông Nam Á là khu vực có tiềm năng lớn với đội ngũ lao động chăm chỉ và sáng tạo. Vấn đề là các nước khu vực có thể mắc phải sai lầm khi theo đuổi kế hoạch phát triển lỗi thời và không mang lại lợi ích lâu dài.

Co hoi cua kinh te Viet Nam anh 2

Lợi thế của Việt Nam là sự chăm chỉ và nhiệt tình của người lao động. Ảnh: Việt Linh.

Yếu tố quan trọng nhất của kế hoạch phát triển phải là khoa học. Giới khoa học cho rằng Đông Nam Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng ngập lụt do nước biển dâng vì biến đổi khí hậu.

Đó là một thách thức lớn đòi hỏi những thay đổi và kế hoạch dài hạn. Tất cả chúng ta cần nỗ lực hết sức để đảm bảo rằng Việt Nam có thể tự sản xuất lương thực và đủ chỗ ở cho tất cả người dân trong trường hợp có lũ lụt.

Giữ chuyên gia giỏi ở lại

- Ở cuộc phỏng vấn gần nhất với Zing, ông từng đề cập đến kế hoạch 30 năm của Việt Nam để phát triển công nghệ và tăng kỹ năng của người lao động. Theo ông, Việt Nam đang đứng ở đâu trong kế hoạch này?

- Việt Nam đã có những tiến bộ to lớn. Kỹ năng của người lao động Việt Nam cũng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, Việt Nam cần có tầm nhìn xa hơn và một kế hoạch xây dựng đội ngũ chuyên gia có hệ thống hơn. Các bạn phải đảm bảo rằng các chuyên gia giỏi nhất của Việt Nam sẽ ở lại Việt Nam, lập kế hoạch vì lợi ích của đất nước thay vì chỉ làm giàu cho chính họ.

Điều đó có nghĩa là xây dựng một nền văn hóa vì lợi ích chung, hy sinh lợi ích cá nhân cho xã hội và đất nước. Nhiều người nghĩ rằng suy nghĩ này là lỗi thời. Tuy nhiên, tình huống của những người Việt Nam trẻ tuổi không khác nhiều so với tình huống mà thế hệ trước từng đối mặt.

Các bạn cần trả lời câu hỏi Việt Nam đang ra sao và sẽ trở thành như thế nào.

- Vậy ông dự đoán Việt Nam sẽ mất bao lâu để đạt được mục tiêu kinh tế đã đặt ra?

- Rất khó để đưa ra dự đoán chính xác. Trong ngắn hạn, chi phí lao động cạnh tranh là một lợi thế nhưng phải được xử lý cẩn thận. Nếu Việt Nam kiếm được nhiều tiền từ chi phí lao động cạnh tranh, tất cả khoản lời đó cần được sử dụng để đảm bảo rằng người lao động Việt Nam có lương hưu và được chăm sóc y tế, người trẻ Việt Nam được giáo dục tốt và đất nước được chuẩn bị để đối phó với biến đổi khí hậu.

Co hoi cua kinh te Viet Nam anh 3

Chi phí lao động cạnh tranh là một lợi thế của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.

Sự ổn định về xã hội và chính trị cũng là điểm mạnh của Việt Nam, nhưng chúng ta vẫn cần chuẩn bị trước cho tình trạng môi trường bị ô nhiễm hoặc khoảng cách giàu nghèo gia tăng.

- Theo ông, ngoài các cơ hội, Việt Nam cần đề phòng những ảnh hưởng tiêu cực nào từ làn sóng đầu tư nước ngoài mới?

- Việt Nam cần nhìn vào dòng chảy đầu tư. Đó là một dòng chảy khách quan và khoa học. Mục đích của các nhà đầu tư nước ngoài không bao giờ là lợi ích của nước sở tại. Vì vậy, Việt Nam cần có một kế hoạch dài hạn của riêng mình.

Kế hoạch sẽ dựa trên những dự đoán về tình hình thế giới năm 2050 chứ không nhìn vào con đường phát triển của Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc 20 hay 50 năm trước.

Nếu đầu tư nước ngoài đáp ứng chiến lược của Việt Nam, hãy cân nhắc. Nếu không, cần phải từ chối. Chiến lược sẽ xem xét đến tác động của biến đổi khí hậu, sản xuất lương thực trong nước, sự phân phối của cải và khả năng tự phát triển công nghệ và chuyên môn của Việt Nam.

'Đón sóng đầu tư rời TQ, Việt Nam cần có kế hoạch 30 năm'

Ông Emanuel Pastreich, ứng cử viên độc lập trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020, nói với Zing Việt Nam cần chuẩn bị kỹ trước xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng quốc tế mới.

Bất động sản công nghiệp sẵn sàng đón 'sóng' chuyển dịch sản xuất

Với 96.500 ha đến từ 335 khu công nghiệp trên cả nước cùng tỷ lệ lấp đầy 75%, bất động sản công nghiệp Việt Nam đạt được hiệu suất cho thuê hấp dẫn.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm