Theo ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam, đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng lên chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng xu hướng sản xuất chuyển từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục. Trong đó, Việt Nam vẫn là một điểm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu.
Nhu cầu tăng mạnh so với nguồn cung
Thống kê của Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 11/2019, cả nước có 335 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đạt 96.500 ha. Trong số đó, 256 khu công nghiệp đã hoạt động với tỷ lệ lấp đầy lên đến 75%, 79 khu công nghiệp đang xây dựng, đền bù và giải phóng mặt bằng, đảm bảo nguồn cung trong tương lai.
Mặc dù đại dịch Covid-19 tạo tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, tỷ lệ lấp đầy quý I/2020 vẫn đạt 72% - một tín hiệu tích cực về niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam.
Các tỉnh công nghiệp trọng điểm ở miền Bắc và miền Nam có sự tăng trưởng về tỷ lệ lấp đầy và giá thuê theo năm khá tốt.
Cụ thể, theo báo cáo quý I/2020 của Jones Lang LaSalle (JLL), giá đất KCN trung bình tại miền Bắc đạt 99 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước với tỷ lệ lấp đầy đạt 72%.
Thị trường miền Bắc đang thu hút phần lớn tập đoàn lớn muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất bên cạnh cơ sở tại Trung Quốc với nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển khá tốt và vị trí gần thị trường 1,4 tỷ dân với các khu vực trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Do khởi đầu muộn hơn khu vực phía Nam nên miền Bắc có lợi thế trong việc thu hút các ngành công nghệ cao tiên tiến hơn.
KCN miền Bắc được đánh giá là thu hút nhiều ngành công nghệ cao, tiên tiến hơn khu vực phía Nam. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong khi đó, là nơi dẫn đầu sự phát triển công nghiệp của cả nước, khu vực phía Nam tập trung số lượng lớn các ngành truyền thống như cao su, nhựa, các ngành công nghiệp dệt may. Giá thuê ghi nhận đạt mức 103 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước với tỷ lệ lấp đầy lên đến 82%. Tỷ lệ lấp đầy này đã tăng vọt so với mức trung bình chỉ 50 - 60% vài năm trở về trước.
Đáng chú ý là giá thuê ở phía Nam tăng nhanh hơn so với phía Bắc (với mức tăng giá thuê tính đến hết tháng 2/2020 tại Hà Nội là 8,5%, Bắc Ninh là 12,9% trong khi giá thuê ở Bình Dương tăng 54% và ở Đồng Nai là 21%). Điều đó cho thấy sự thiếu hụt nguồn cung bất động sản công nghiệp tại miền Nam đang căng thẳng hơn so với miền Bắc.
Bên cạnh đó, khảo sát doanh nghiệp nhận thấy hệ thống cơ sở hạ tầng (đường cao tốc, điện, cảng) tại miền Nam không được đầu tư tốt bằng miền Bắc và miền Bắc gần nguồn cung từ Trung Quốc hơn.
Thị trường non trẻ với nhiều thách thức
Mặc dù các khu công nghiệp đang phát triển một cách có hệ thống hơn trong những năm gần đây, so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường non trẻ.
Ngành công nghiệp chủ đạo phần lớn vẫn là những ngành sản xuất cơ bản với sự góp mặt của một số sản phẩm trung cấp, chủ yếu là ngành thâm dụng lao động với nhu cầu về nhà xưởng có tiêu chuẩn thấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài đang hướng đến tìm kiếm những thị trường có lực lượng lao động lành nghề và có trình độ công nghệ cao.
Hệ thống cơ sở hạ tầng ở Việt Nam kết nối chưa thật sự đồng bộ và xuyên suốt. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Mặc dù Việt Nam có mức chi tiêu cho phát triển cơ sở hạ tầng cao so với các nước láng giềng, nhưng việc phát triển được một hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ và xuyên suốt vẫn còn là một chặng đường dài. Nhiều dự án còn chậm tiến độ do sự chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, huy động vốn cũng như mô hình đầu tư công-tư (PPP) chưa hiệu quả.
Quy trình giao thương xuyên biên giới vẫn cần nhiều cải thiện cả về thời gian và chi phí. Theo báo cáo “Doing Business 2020” của World Bank, Việt Nam vẫn xếp hạng dưới vị trí thứ 100 ở 4 chỉ số: khởi nghiệp, nộp thuế, giao dịch qua biên giới và giải quyết phá sản. Ví dụ, doanh nghiệp mất đến 384 giờ để nộp thuế ở Việt Nam, trong khi con số này ở Singapore là 64 giờ, Malaysia là 174 giờ và Indonesia là 191 giờ. Chi phí giao dịch qua biên giới ở Việt Nam cũng kém cạnh tranh hơn so với hầu hết quốc gia trong khu vực.
Phát biểu tại tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2020 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), TS. Phạm Sỹ Thành cho rằng có hai yếu tố sẽ ảnh hưởng mạnh đến tình hình sản xuất công nghiệp tại Việt Nam trong thời gian sắp tới, đó là triển vọng kinh tế ảm đạm thậm chí có nguy cơ suy thoái sẽ làm giảm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa ở bên ngoài dẫn đến ngừng trệ hoặc dừng hẳn hoạt động sản xuất của một số ngành trong nước.
Cụ thể, tất cả nền kinh tế chủ chốt ở châu Âu và Mỹ sẽ có mức tăng trưởng âm trong năm 2020, Trung Quốc thậm chí đã suy giảm tới 6,8% trong quý I vừa qua. Thứ hai, triển vọng thương mại quốc tế suy giảm cũng làm giảm nhu cầu sản xuất.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng nhận định sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế kĩ thuật số sẽ xóa sạch lợi thế của các nền kinh tế dựa vào thâm dụng lao động, giảm sự cồng kềnh của các chuỗi sản xuất, dẫn đến việc nhà đầu tư không còn quá phụ thuộc vào việc chọn một nước có nhiều lao động giá rẻ để đặt cơ sở sản xuất.
Tất cả những điều này sẽ làm nhu cầu về cơ sở hạ tầng – trong đó có cơ sở hạ tầng công nghiệp - suy giảm, khiến cho bên cung ứng bất động sản sẽ không thực sự hào hứng với việc mở rộng quy mô trong thời gian tới.