Scandal ngôi vị hoa hậu
Hiện nay, theo quy định của Bộ VH-TT-DL mỗi năm chỉ cho phép tổ chức tối đa hai cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia. Đến hẹn lại lên, năm nay sẽ diễn ra cuộc thi Hoa hậu Việt Nam nên nguyên tắc là chỉ còn một suất. Và suất đó năm nay đã thuộc về một tân binh là cuộc thi Hoa hậu Đại dương.
Nghe đâu, giấy phép cuộc thi này có được là nhờ mối quan hệ của một người đẹp là chỗ thân tình của đơn vị tổ chức. Hết suất để tổ chức các cuộc thi mang tầm quốc gia thì người ta nghĩ ra hàng loạt các cuộc thi quy mô lớn nhỏ khác nhau núp bóng dưới các tên gọi như hoa khôi, nữ hoàng, người đẹp…
Chính vì vậy mà hàng năm, ngoài hai cuộc thi cấp quốc gia, nước ta còn có hàng loạt các cuộc thi sắc đẹp cấp vùng miền, ngành nghề, đoàn thể trung ương khác. Đó là chưa kể đến những cuộc thi cấp tỉnh. Cứ thế, danh sách các cuộc thi nhan sắc ngày một dài ra, nào là Nữ hoàng biển, Nữ hoàng trang sức, Nữ hoàng cà phê, Hoa khôi xứ trà, Hoa hậu Dân tộc, Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam…
Thí sinh Hoa khôi Áo dài Việt Nam - Đường tới Vương miện Hoa hậu Thế giới. |
Mới đây, những lùm xùm xung quanh chương trình truyền hình thực tế Hoa khôi Áo dài Việt Nam - Đường tới Vương miện Hoa hậu Thế giới thêm một lần nữa cho thấy những bất cập trong việc quản lý, cấp phép việc tổ chức các cuộc thi nhan sắc ở nước ta. Sau khi có giấy phép tổ chức cuộc thi Hoa khôi Áo dài Việt Nam (Công ty BHD và Elite Vietnam phối hợp tổ chức), đồng thời cùng thời điểm BHD hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất chương trình truyền hình thực tế Đường tới vương miện - Miss World Vietnam hay Đường tới vương miện Hoa hậu Thế giới.
Với lợi thế một bên là đơn vị nắm bản quyền đưa thí sinh dự thi nhiều cuộc thi nhan sắc đẳng cấp quốc tế và một bên là đơn vị có kinh nghiệm sản xuất chương trình truyền hình lâu năm, BHD và Elite Việt Nam bèn tính đường gộp cả hai chương trình trên để cho ra đời chương trình “Miss World Vietnam - Đường tới vương miện - Hoa khôi Áo dài Việt Nam”. Sau khi bị “tuýt còi”, đơn vị sản xuất đã phải giải trình và cuối cùng được chấp nhận với tên gọi “dài ngoằng” như trên. Việc các cuộc thi nhan sắc bắt đầu tràn lên màn ảnh nhỏ cũng dự báo một cuộc đua mới trong thời gian tới.
Điều đáng nói là, trong mớ bòng bong các cuộc thi nhan sắc đó, số cuộc thi tổ chức chuyên nghiệp, uy tín chỉ đếm được trên đầu ngón tay trong khi các cuộc thi lôm côm thì lại quá nhiều. Gần như rất nhiều cuộc thi đều bị dính những lùm xùm như bị thí sinh tố là mua bán giải, không minh bạch, ưu tiên “gà nhà”… Ngoài ra, ngay cả trong nước, các cuộc thi cấp “làng” đến cấp quốc gia cũng vướng không ít những điều tiếng bởi sự không minh bạch lẫn bất cập trong khâu tổ chức, lựa chọn thí sinh.
Gần đây nhất, cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam 2014, thí sinh đoạt giải hình thể đẹp nhất đã không ngần ngại vứt danh hiệu vào sọt rác và đưa ra những lời tố cáo ban tổ chức gạ gẫm mua giải thưởng. Hay như cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam gần như năm nào tổ chức cũng dính tai tiếng. Cụ thể, năm 2007, ngay sau nhận danh hiệu Á hậu, người đẹp Trương Thị May liền bị tố cáo khai gian trình độ học vấn, chưa có bằng tốt nghiệp THPT và là dân tộc Kinh nhưng khai là dân tộc Khmer để đủ điều kiện dự thi.
Năm 2013 cuộc thi dính lùm xùm xung quanh người đẹp đăng quang là Hoa hậu Nguyễn Thị Ngọc Anh vì bị một thí sinh đoạt giải phụ tố vương miện hoa hậu được mua với giá 1,5 tỷ đồng. Gần đây nhất là scandal hoa hậu Triệu Thị Hà (đoạt giải năm 2011) xin trả vương miện và lý do được cô chia sẻ trên báo chí là do bị ban tổ chức o ép, lợi dụng sức lao động, nhất là bị ban tổ chức bắt đi tiếp khách lúc nửa đêm không rõ lý do.
Làm hoa hậu “ao làng”
Những cuộc thi nhan sắc trong nước lùm xùm một thì những cuộc thi gắn mác hoa hậu tổ chức ở nước ngoài càng lùm xùm gấp mười. Đến nay chả ai nhớ nổi có bao nhiêu cuộc thi nhan sắc do cộng đồng người Việt ở hải ngoại tổ chức, chỉ biết tính riêng tại Mỹ, sơ sơ cũng có không dưới 10 cuộc thi hoa hậu dành cho người Việt như: Hoa hậu người Việt toàn cầu, Hoa hậu người Việt thế giới, Hoa hậu phu nhân người Việt thế giới, Hoa hậu Việt Nam thế giới…
Ngọc Trinh đăng quang Hoa hậu quốc tế Việt Nam 2011 tổ chức tại Mỹ với rất nhiều những lùm xùm tai tiếng chuyện mua bán giải. |
Của đáng tội, các cuộc thi trên gần như cuộc nào cũng dính vào những lùm xùm, đa phần là chuyện mua bán giải. Khi cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thế giới 2014 mới đây ồn ào vì bị nghệ sĩ tố đối xử tệ bạc mới lòi ra thêm nghi án thiếu minh bạch trong kết quả khi hai đơn vị đồng tổ chức thay phiên tố xung quanh chuyện dàn xếp kết quả.
Cho đến nay chả ai kiểm chứng thực hư bởi chỉ là cuộc “đấu võ mồm” giữa hai bên, chỉ biết rằng sau khi trao vương miện kèm danh hiệu Hoa hậu Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ cho 5 trong tổng số 12 thí sinh dự thi tại Nhật xong, do bị tước giấy phép tổ chức chương trình tại Việt Nam nên ban tổ chức phải rinh qua Campuchia tổ chức đêm gala đăng quang cho hoa hậu.
Trước đó, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu cũng liên tục dính scandal. Sau khi dậy sóng với Ngọc Trinh, cuộc thi này vào năm 2012 tiếp tục khiến dư luận nổi sóng khi trao danh hiệu cao nhất cho Julia Hồ - một cô gái nổi tiếng với những hình ảnh ăn chơi thác loạn. Năm ngoái, cuộc thi Hoa hậu người Việt thế giới 2013 diễn ra tại bang California (Mỹ) trở nên ồn ào khi trao giải Á hậu 1 cho ca sĩ Quế Vân - một trong bốn thí sinh đến từ Việt Nam.
Dù vướng nghi vấn từng có chồng và hai con, nhưng giọng ca sinh năm 1983 vẫn tham gia cuộc đua nhan sắc của các quý cô làm dấy lên tin đồn về việc cô bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua giải thưởng. Không chỉ vậy, Quế Vân còn bị cơ quan quản lý văn hóa xử phạt hành chính 13 triệu đồng vì hành vi thi chui. Từ sau cuộc thi này, nhiều người đẹp khác như Phan Hoàng Thu, Huỳnh Thúy Anh, Cao Thùy Linh... cũng chọn cách thi chui và chấp nhận bị phạt tiền để được nổi tiếng.
Cuộc thi Hoa hậu phu nhân người Việt thế giới được tổ chức tại Mỹ vào tháng 12-2012 dành cho những phụ nữ người Việt đã kết hôn cũng làm người ta “té ngửa” khi trao danh hiệu Á hậu 2 cho nghệ sĩ hài Thúy Nga trong số 17 thí sinh tham dự. Cuộc thi trên cũng dính lùm xùm mua bán giải khi một thí sinh tham gia đứng ra tố ông Phan Minh Chánh, Trưởng ban tổ chức cuộc thi - đã gạ mình mua giải á hậu. Thí sinh này cũng cung cấp nhiều nội dung bằng tin nhắn cho thấy ông Phan Minh Chánh ra giá cho ngôi vị á hậu từ 45.000 - 50.000 USD, còn hoa hậu được bán với giá lên đến 85.000 USD.
Lắm tai tiếng, đủ phiền hà… thế nhưng người ta vẫn tổ chức và chân dài vẫn đi thi. Đơn giản, với những cuộc thi nặng mùi thương mại như thế ban tổ chức thu lợi một kiểu, các hoa hậu, á hậu ao làng cũng kiếm chác bằng nhiều con đường khác. Từ một cô gái ít ai biết tới, khi có danh hiệu (chả cần biết cuộc thi thế nào), các người đẹp có thể tiến thân vào thế giới giải trí rồi tiếp tục các chiêu trò để giữ vững tên tuổi.
Người từng đội vương miện, dù chỉ là của một cuộc thi còi cọc cũng phải có cái giá khác hẳn một người đẹp vô danh tiểu tốt. Chưa kể, danh sách các chân dài có danh hiệu ngày càng dài ra trong các vụ bắt bớ liên quan đến bán dâm thời gian qua cũng là một phần cho câu trả lời cho thực trạng trên.