Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xăng dầu giảm, điện lại đòi tăng giá!

Những yếu tố đầu vào trong cơ cấu giá thành điện đều giảm và thuận lợi nhưng ngành điện vẫn đề xuất tăng giá thêm 9,5%.

Mặc dù chưa có thông báo chính thức về đề xuất tăng giá điện từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhưng theo nguồn tin riêng, EVN đã có dự thảo về phương án tăng giá điện gửi Bộ Công thương với mức tăng 9,5% so với giá bình quân hiện nay. Đây là mức đề xuất tăng cao nhất trong vòng ba năm qua, với giá điện bình quân mới dự kiến sẽ là 1.652,19 đồng/kWh, tăng thêm 146,34 đồng/kWh so với hiện tại.

Giá điện tăng cao kỷ lục

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng việc EVN đề xuất tăng giá “là điều hợp lý”. Dự kiến nếu mức tăng giá trên được chấp thuận, EVN sẽ thu về khoảng 7.000 tỷ đồng. Số tiền này được cho là dùng để bù đắp một phần lỗ tỷ giá 8.000 tỷ đồng trong năm 2013, phí tài nguyên, chi phí lưới điện nông thôn và áp lực đầu tư thêm các dự án. Bên cạnh đó, năm nay giá than bán cho điện tăng 4%-10% khiến ngành điện đội chi phí thêm khoảng 1.500-1.800 tỷ đồng.

Theo ông Trần Viết Ngãi, hằng năm vốn đầu tư của EVN vào các dự án nhiệt điện, lưới điện nông thôn hơn 1.200 tỷ đồng. Với giá điện thấp như hiện nay thì ngành điện chỉ lãi vài trăm tỷ đồng, chưa thấm vào đâu so với vốn đối ứng cho một dự án. Những tháng gần đây thủy điện cạn nước, EVN phải chạy dầu trong khi giá than, khí đều tăng khiến cho giá nguyên liệu đầu vào tăng lên dẫn đến EVN sẽ lỗ nặng. “EVN đã lập phương án tăng giá trình Bộ Công thương; thế nhưng thời điểm tăng còn phải chờ Chính phủ xem xét, cân nhắc, có thể giá điện phải qua năm 2015 mới được điều chỉnh”, ông Ngãi chia sẻ.

Vị này cũng cho rằng, giá điện tăng lên mức 1.652,19 đồng/kWh vẫn nằm trong khung giá bán lẻ điện giai đoạn 2013-2015 mà Chính phủ quy định mức tối đa là 1.835 đồng/kWh. Mức giá điện nếu được điều chỉnh sẽ tương đương khoảng 8 cent/kWh và có thể chấp nhận được, bởi giá điện hiện nay của Việt Nam mới chỉ khoảng 7 cent/kWh, thấp hơn giá thế giới 2-3 cent/kWh. Tuy nhiên, ông Ngãi cũng cho rằng bên cạnh tăng giá điện, EVN nên tiết giảm biên chế (hiện số lượng khoảng 110.000 người), quản lý tốt hơn tránh tổn thất điện năng và thất thoát vốn ở các dự án, từ đó sẽ giảm giá thành điện.

Giá đầu vào giảm sao lại tăng giá?

Trái quan điểm trên, chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long lại cho rằng, theo Quyết định 69 của Thủ tướng, nguyên tắc việc điều chỉnh giá điện gắn kèm với sự biến động của các thông số đầu vào cơ bản. Đó là tỷ giá, giá nhiên liệu, cơ cấu sản lượng điện huy động thực tế và giá mua giao dịch trên thị trường phát điện cạnh tranh. Có nghĩa là giá điện có thay đổi khi các yếu tố đầu vào thay đổi, dựa vào đó để tính toán có thể tăng hoặc giảm.

Trong năm 2014, EVN đã gặp nhiều thuận lợi với các yếu tố đầu vào trên. Giá dầu sụt giảm tới 30% giúp chi phí sản xuất điện từ chạy dầu giảm. Thủy điện gặp nhiều thuận lợi, với giá thành thấp chỉ bằng một nửa so với giá bán điện bình quân. Cũng nhờ đó giá điện EVN mua được theo giao dịch trên thị trường phát điện cạnh tranh cũng xuống thấp. Đặc biệt, hai năm qua EVN kinh doanh đều có lãi, dự kiến năm nay sẽ không nằm ngoài kịch bản đó.

Ông Long phân tích có ba yếu tố hình thành cơ cấu giá điện gồm chi phí phát điện, phân phối, bán lẻ (thuế, phí…). Trong đó, chi phí phát điện rất quan trọng, nhất là thủy điện, bởi đây là hình thức chi phí thấp, phụ thuộc vào tình hình thủy văn, ảnh hưởng trực tiếp đến giá điện. Vì vậy, Bộ Tài chính, Bộ Công thương cần đặt ra vấn đề tỉ trọng mua điện từ nguồn thủy điện như thế nào để giảm giá bình quân đầu vào, hay như năng lực quản trị của EVN, nỗ lực giảm tổn thất điện năng, chi phí sản xuất ra sao… để khẳng định việc tăng giá của EVN là hợp lý hay không. “Một điều khó là EVN vẫn chưa công bố giá thành, nên rất khó nắm được cơ cấu giá thực sự ra sao và có hợp lý hay không. Khi giá thành được công bố thì mọi vấn đề sẽ rõ ràng hơn”, ông Long nêu quan điểm.

Cũng theo ông Long, “nhà đèn” tranh thủ lạm phát năm nay thấp để tăng giá là không hợp lý. Thực tế hiện nay cộng đồng DN vẫn còn khó khăn, thu nhập của người dân vẫn thấp, nếu tăng giá điện vô hình trung không gỡ khó được cho các đối tượng này, lại đi ngược với chủ trương của Chính phủ. “Đừng vì lạm phát thấp mà nhân cơ hội tăng giá. Đây là quan điểm vô cùng nguy hiểm. Điện là đầu vào của rất nhiều ngành, lĩnh vực, giá điện tăng sẽ đẩy chi phí cho các DN lên, khả năng cạnh tranh DN giảm đi”, vị chuyên gia cảnh báo.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

“Người tiêu dùng sẽ không đồng thuận”

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, vào dịp cuối năm, người dân phải dồn tiền chi tiêu nên việc tăng giá điện đưa ra lúc này chắc chắn sẽ vấp phải tâm lý không đồng thuận từ người tiêu dùng. Hơn nữa, cho dù lạm phát thấp nhưng sức chi tiêu của người dân cũng thấp. Bên cạnh đó giá điện tăng sẽ tác động trở lại khá lớn các ngành sản xuất khác như sắt thép, xi măng, giấy…

Theo ông Doanh, việc tăng giá điện cần có lộ trình phù hợp. Mức tăng 9,5% là quá cao, mức tăng phù hợp chỉ nên ở mức 4,5%-5%. “Năm nay giá dầu giảm, dự kiến năm 2015 giá than và dầu giảm nữa, nên phương án tăng giá của EVN cũng phải tính đến các yếu tố này và phải có lộ trình, không nên gây ra cơn sốc cho nền kinh tế”, ông Doanh lo ngại.

- Ngày 9/1/2014, Thanh tra Chính phủ đã công bố một số vi phạm của EVN liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Trong đó cơ quan thanh tra chỉ rõ có 6 dự án nguồn điện gồm nhiệt điện Ô Môn 1, nhiệt điện Phú Mỹ 1 và 4, nhiệt điện Nghi Sơn 1, nhiệt điện Hải Phòng 1, nhiệt điện Quảng Ninh 1, đều có hạng mục khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa. Khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa này trên thực tế được xây dựng nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis… với tổng giá trị đầu tư trên 595 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí này đều nằm trong tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, do đó sẽ được tính vào giá bán điện.

- Trong năm 2012-2013, EVN đều có lãi lớn, đặc biệt sau hai lần tăng giá vào ngày 21/12/2012 và ngày 1/8/2013. Năm 2012, tổng doanh thu bán điện của EVN lên tới hơn 143.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 5.000 tỷ đồng. Đặc biệt lần tăng giá 5% ngày 22/12/2012, EVN thu lợi 6.000-7.000 tỷ đồng, và đợt ngày 1/8/2013 cũng thu về 7.000 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất năm 2013 của EVN là 177.850 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất toàn tập đoàn đạt 9.197 tỷ đồng, riêng công ty mẹ đạt lợi nhuận sau thuế là 8.239 tỷ đồng.

- Tại cuộc họp giao ban tuần mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã giao nhiêm vụ cho Cục Điều tiết điện lực chủ trì, phối hợp với Tổng cục Năng lượng và EVN nghiên cứu phương án điều chỉnh giá điện, báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một quan chức Bộ Công thương khẳng định, từ nay đến cuối năm 2014 giá điện sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, vị này cho biết qua năm 2015, giá điện có thể sẽ được điều chỉnh nhưng thời điểm cụ thể chưa được tiết lộ.

EVN phải bán điện theo cơ chế thị trường

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong buổi lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Phó Thủ tướng yêu cầu EVN thực hiện việc trên nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện. Đảm bảo kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất, kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu EVN tiếp tục quá trình phát triển thị trường điện lực theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (thị trường bán buôn từ năm 2015, thị trường bán lẻ điện từ năm 2021).

“Ngoài ra, tăng cường công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và tiêu thụ điện. Từng bước thay thế các công nghệ lạc hậu, tiêu thụ nhiều điện năng bằng các công nghệ tiêu hao ít điện năng” - Phó Thủ tướng nói.

TRÀ PHƯƠNG

Giá xi măng sẽ phải tăng theo giá điện

Xi măng là ngành tiêu thụ điện lớn. Giá điện tăng, ngành xi măng phải chấp nhận sống chung với nó. Các DN xi măng phải tìm cách tiết giảm chi phí và điều chỉnh giá bán. Bản thân hiệp hội cũng không dám bàn thêm về giá điện nữa, vì đó là quyết định của Chính phủ nên đành phải chấp nhận. Giá điện, xăng dầu hiện chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành sản xuất của ngành xi măng. Bình quân một tấn xi măng dùng khoảng 100 kWh điện, nếu giá điện tăng 9,5%, chi phí giá thành xi măng sẽ thêm gần 15.000 đồng/tấn. Trong lúc kinh tế khó khăn, các DN đều chắt bóp từng đồng, giảm chi phí tối đa để duy trì sản xuất kinh doanh, nhưng giá điện tăng sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến giá cả và đầu ra của sản phẩm. Việc tăng giá điện phải tiến hành từng bước và cân nhắc, chọn thời điểm thích hợp. Giá điện tăng sẽ tạo sức ép đối với các mặt hàng, ảnh hưởng lớn tới mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Ông NGUYỄN QUANG CUNGChủ tịch Hiệp hội 
Xi măng Việt Nam

Ngành điện cần công khai giá thành

Giá điện chiếm khoảng 6% cơ cấu giá thành phôi thép, còn các thép thành phẩm khác chiếm gần 10%, mỗi tấn thép cần khoảng 600 kWh điện. Với mức giá điện tăng 143 đồng thì giá thép sẽ bị đội lên gần 90.000 đồng/tấn.

Điều chỉnh giá điện cần có cơ sở và tính toán giá thành cụ thể để mọi người hiểu rõ. Ngành điện cần công khai, minh bạch giá điện, đồng thời cơ quan quản lý cần có sự so sánh giá điện với các nước có cùng mặt hàng cạnh tranh với các DN trong nước.

Ông NGUYỄN VĂN SƯA, Phó Chủ tịch Hiệp hội 
Thép Việt Nam

Vì sao giá xăng dầu vẫn cao?

Từ khi Nghị định 83 có hiệu lực (1/11/2014) đến nay, giá xăng dầu trong nước chỉ được điều chỉnh giảm nhỏ giọt và mức giá hiện nay vẫn cao hơn nhiều so với các nước.

 

http://plo.vn/thoi-su/xang-dau-giam-dien-lai-doi-tang-gia-517782.html

Theo Trà Phương/ Pháp luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm