Phải giảm theo quy luật thị trường
Theo nhiều chuyên gia, các cơ quan chức năng hiện nay hoàn toàn có thể kiểm soát được cước phí vận tải. Nhưng thực tế, dường như các cơ quan đó không thực hiện quyền của mình thường xuyên, nên cước vẫn đứng im. Sau khi Bộ Tài chính và Bộ GTVT gửi công văn yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp quản lý giá cước vận tải, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu tích cực gì.
Tại các bến xe Hà Nội, nơi có lượng xe khách (chạy dầu, loại nhiên liệu giảm mạnh so với đầu năm) vẫn chưa có thêm DN giảm cước. Còn ở các địa phương, hiện vẫn đang trong quá trình chuẩn bị. “Chúng tôi đã họp triển khai, có công văn yêu cầu doanh nghiệp giảm giá cước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xin để lại sau ngày 2/9 mới giảm”, ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở GTVT Nghệ An nói. Tại Lào Cai, ông Đặng Văn Lương, quyền Giám đốc Sở GTVT cho hay: UBND tỉnh giao Sở Tài chính tham mưu yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá cước.
Phân tích về tình trạng doanh nghiệp chây ì giảm cước bà Nguyễn Thị Bình cho rằng, đang có dấu hiệu các doanh nghiệp vận tải bắt tay không giảm giá. Vì thế, cần sự vào cuộc của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương). Tuy nhiên, dường như mảng vận tải đang bị Cục này bỏ ngỏ.
Bà Nguyễn Thị Bình - Chuyên gia Kinh tế vận tải ĐH Việt - Đức
Ngày 1/9, ông Thân Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, hiệp hội đã gửi công văn yêu cầu các doanh nghiệp thuộc hiệp hội giảm cước. “Giá xăng dầu giảm 10%, dứt khoát phải giảm cước. Nếu không, khách hàng, xã hội sẽ không chấp nhận. Tuy nhiên, xăng dầu vừa qua biến động tăng giảm liên tục, có hãng giữ giá từ đầu năm, vì thế cần phân loại giữa các doanh nghiệp, không thể đánh đồng”, ông Thanh nói.
Ông Thanh cũng cho rằng, trước khi “trách” doanh nghiệp vận tải không giảm giá cước, Chính phủ cần xem lại cơ cấu giá xăng dầu đã minh bạch, hợp lý chưa. “Trong cơ chế thị trường, các doanh nghiệp đều phải cạnh tranh. Vậy vì sao kinh doanh xăng dầu lại được lãi định mức, bất kể hiệu quả lao động, tỷ lệ thất thoát xăng dầu ra sao”, ông Thanh nêu ý kiến.
Bà Nguyễn Thị Bình, chuyên gia về kinh tế vận tải thuộc Đại học Việt - Đức cho hay: Nhóm nghiên cứu của bà đã thống kê cho thấy, xăng dầu chiếm 40% chi phí vận tải. Vì vậy, khi giá xăng dầu giảm như hiện nay, giá cước tất yếu phải giảm theo quy luật thị trường. Dù doanh nghiệp vận tải có tốn chi phí in vé, thay đổi đồng hồ taxi... khi thay đổi giá, nhưng không thể vì thế mà trì hoãn không giảm giá cước.
Theo bà Bình, với quy định hiện nay, mỗi khi giá xăng dầu giảm, doanh nghiệp vận tải buộc phải kê khai lại các yếu tố hình thành nên giá cước vận tải. Nếu không tiến hành kê khai lại giá, người tiêu dùng và cơ quan chức năng có thể đặt nghi vấn về việc gian lận thuế của các doanh nghiệp. “Hiện Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã gửi công văn đốc thúc các cơ quan chức năng về việc giảm giá cước, đây là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, kể cả khi bộ ngành không nhắc nhở, nếu các sở địa phương làm tích cực, chủ động, giá cước vận tải vẫn có thể kiểm soát được”.
Giá xăng, dầu giảm nhưng giá cước vận tải, taxi vẫn chưa giảm. |
Phân tích về tình trạng doanh nghiệp chây ì giảm cước bà Nguyễn Thị Bình cho rằng, đang có dấu hiệu các doanh nghiệp vận tải bắt tay không giảm giá. Vì thế, cần sự vào cuộc của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương). Tuy nhiên, dường như mảng vận tải đang bị Cục này bỏ ngỏ.
Yêu cầu vẫn… trên giấy
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam nói: “Vấn đề giá taxi, cước vận tải không giảm dù giá dầu diesel từ đầu năm đến nay đã giảm xuống khá nhiều là trách nhiệm của các cơ quan quản lý ngành như: Giao thông, Tài chính. Khi chi phí đầu vào của nền kinh tế giảm, lợi ích cho ngân sách mới xuất hiện trở lại. Giờ không kiểm soát được việc giá cước vận tải, taxi, để cho sự độc quyền phân mảng như hiện nay thì rất khó”.
Một chuyên gia giấu tên cho rằng: “Nếu đợt tăng giá xăng dầu, doanh nghiệp tăng cước ngay, thì khi giá xăng dầu giảm cũng phải giảm giá phù hợp. Còn đối với doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá như trước có thể không giảm cũng được xem là hợp lý. Cũng cần có cái nhìn khách quan trong vấn đề này. Điều quan trọng là phải xử lý các doanh nghiệp chây ì, tăng theo chi phí nhiên liệu nhưng lại không giảm khi chi phí này giảm”, vị này cho hay.
Sau khi Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu tăng cường quản lý giá cước vận tải đường bộ, Bộ GTVT lập tức có văn bản gửi các sở GTVT địa phương phối hợp với cơ quan tài chính địa phương tiến hành kiểm tra, giám sát thực hiện kê khai và niêm yết giá cước vận tải theo quy định. Đồng thời bộ này có văn bản đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô tại địa phương tuyên truyền các đơn vị vận tải kê khai giá, niêm yết giá, điều chỉnh giảm giá cước phù hợp với mức giá nhiên liệu giảm. Các sở GTVT báo cáo với UBND tỉnh, Bộ GTVT, Bộ Tài chính kết quả triển khai trước 30/9.
Trong khi đó, Vụ Vận tải (Bộ GTVT) sẽ phối hợp với Tổng cục Đường bộ, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và mời Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiểm tra việc thực hiện tại địa phương. Kết quả báo cáo hai bộ (Tài chính và GTVT) trước ngày 5/10.
Ảnh hưởng thu ngân sách
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, việc giá dầu giảm xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng có ảnh hưởng đến ngân sách là điều có thể thấy ngay trong ngắn hạn. Mức độ ảnh hưởng nặng nhẹ thế nào còn phụ thuộc vào cả nguồn thu của ngành tài chính. Tuy nhiên, với giá dầu thế giới giảm, hiện Việt Nam mới lo ảnh hưởng trước mắt mà quên đi việc cần nhìn những lợi ích ở trung hạn. Giá dầu giảm, kéo giá gas giảm sẽ giúp các hộ gia đình tiết kiệm được một khoản chi phí sinh hoạt hằng ngày. Việc này sẽ tạo tác động lan tỏa trong việc tiết kiệm chi phí của hộ gia đình, doanh nghiệp, kéo theo chuyển sang tiết kiệm trong đầu tư.
Xăng giảm 1.198 đồng/lít
Chiều 3/9, liên Bộ Công Thương - Tài chính có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giảm mạnh giá bán lẻ xăng A92 và xăng sinh học E5 với mức 1.198 đồng/lít. Theo đó, giá bán lẻ xăng A92 và xăng sinh học E5 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) xuống còn lần lượt 17.330 đồng/lít và 16.840 đồng/lít.
Liên bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp giảm 111 đồng/lít đối với mặt hàng dầu diesel 0,05S, xuống còn 13.310 đồng/lít. Mặt hàng dầu hỏa giảm 123 đồng/lít xuống còn 12.280 đồng/lít. Dầu madút loại 3,5S giảm 785 đồng/kg xuống còn 9.350 đồng/kg. Cơ quan quản lý cũng yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức 300 đồng/lít.
Với lần điều chỉnh giá này, tính từ tháng 6 tới nay, giá xăng đã giảm 5 lần liên tiếp. Tính từ đầu năm 2015, giá xăng có 7 lần giảm giá và 4 lần tăng giá. Giá xăng sau 15h chiều 3/9 rẻ hơn giá xăng đầu năm khoảng 548 đồng/lít.