Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xác tàu đắm hé lộ bí mật về kho tàng gốm sứ Trung Quốc

Kho tàng gốm sứ từ xác một tàu buôn thế kỷ 14 của Trung Quốc, được phát hiện ngoài khơi bờ biển phía nam Hàn Quốc, cung cấp nguồn thông tin vô tận cho các nhà nghiên cứu.

Một tàu buôn bị đắm từ thế kỷ 14, mang theo những món hàng hóa vô giá của Trung Quốc, được phát hiện vào năm 1976 ngoài khơi bờ biển phía nam Hàn Quốc. Nó cung cấp nguồn thông tin vô tận về đồ sứ Trung Quốc, thương mại hàng hải và văn hóa Đông Á thời đó.

Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc tại Seoul kỷ niệm 40 năm phát hiện chiếc thuyền kho báu ở huyện Sinan bằng triển lãm đặc biệt vào năm 2016, kèm theo đó là kết quả của nhiều thập kỷ kiểm tra 24.000 di vật đã được phục hồi.

gom su Trung Quoc anh 1
Triển lãm tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc tại Seoul. Ảnh: Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc.

Gần đây nhất, bảo tàng đã mở cuộc trưng bày đặc biệt gồm 180 món trong số 800 đồ sứ tráng men đen lấy từ xác tàu. Bảo tàng cũng có góc trưng bày cố định dành riêng cho kho báu tàu đắm Sinan.

“Đây là cơ hội hiếm có để nhìn thấy những đồ sứ tráng men đen cao cấp được sản xuất tại các lò nung khác nhau ở Trung Quốc thế kỷ 14”, giám tuyển Kim Young Mi nói với South China Morning Post.

Con tàu bị lãng quên

Những đồ sứ này có liên quan mật thiết đến việc tiêu thụ trà Trung Hoa. Chúng được sản xuất tại tỉnh Giang Tây, tỉnh Hà Bắc và đặc biệt là tỉnh Phúc Kiến, nơi có lò nung Kiến Dao nổi tiếng sản xuất các sản phẩm thượng hạng.

Triển lãm bao gồm 60 bát trà từ lò Kiến Dao trong thời kỳ Nam Tống (1127-1279). Trong thời kỳ này, người ta đặt bột lá trà vào bát sâu, thêm nước ấm và khuấy để tạo bọt khi uống. Phương pháp này sau đó được thay thế bằng cách pha trà bằng nước ấm và lá trà.

Năm 1323, một tàu buôn lớn rời Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, đi về hướng đông đến cảng Hakata ở Fukuoka của Nhật. Con tàu nặng 260 tấn, dài 34 m và rộng 11 m, chở gốm sứ Trung Quốc, đồ gỗ sơn mài và đồ thủ công kim loại.

Ở phần dưới của thân tàu là bể lớn đựng nước, 8 triệu đồng xu nặng 28 tấn và những mảnh gỗ đàn hương đỏ được sử dụng để làm đồ nội thất.

gom su Trung Quoc anh 2
Con tàu được khôi phục và trưng bày dưới dạng bản sao thu nhỏ. Ảnh: Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc.

Các nhà nghiên cứu nghi ngờ những đồng xu bằng đồng có thể được đưa tới Nhật Bản để nấu chảy làm tượng Phật hoặc trao đổi, vì các đồng tiền này đã không còn lưu thông ở Trung Quốc lúc bấy giờ. Nhưng con tàu không bao giờ đến đích. Nó trôi dạt về phía bắc, có thể trong cơn bão mùa hè, và nằm lại eo biển giữa đảo Imja và đảo Jeung thuộc huyện Sinan.

Sau khi chìm xuống đáy biển và bị chôn vùi trong bùn, con tàu đã bị lãng quên trong hơn 650 năm cho đến năm 1975, khi ngư dân Choi Pyong Ho vớt được một chiếc bình cũ và năm đồ gốm khác.

Không biết nguồn gốc những đồ gốm này, anh bỏ chúng ở góc nhà cho đến khi em trai anh, một giáo viên tiểu học, đến thăm Choi trong kỳ nghỉ đông, nhìn thấy chúng và báo cáo phát hiện với chính quyền địa phương.

Những thứ này sau đó được xác nhận là đồ sứ màu xanh xám và gốm sứ trắng thời Tống và Nguyên, bao gồm một chiếc bình men lớn vô giá với hoa văn mẫu đơn từ lò nung Long Tuyền ở tỉnh Chiết Giang. Ngoài ra còn có 7 món đồ sứ men ngọc bích mà quý tộc Trung Quốc rất yêu thích.

Kho báu vô giá

Tin tức về kho báu lan truyền nhanh chóng, thu hút các nhà thám hiểm dưới đáy biển, có người còn tìm cách bán 122 đồ gốm được lấy từ xác tàu. Những vụ việc này đã thúc đẩy các nhà chức trách khởi động hoạt động trục vớt dưới biển.

Điều này kéo dài cho đến năm 1984. Khoảng 24.000 di vật được thu hồi, bao gồm 20.000 đồ gốm, vật dụng bằng đất không tráng men và đồ tạo tác kim loại. Trong số 20.000 món đồ gốm, 60% là men xanh xám và trắng từ lò Long Tuyền, cho thấy chúng rất phổ biến trong khu vực.

Nhiều món đồ có gắn thẻ gỗ dùng làm biên lai vận chuyển. Các thẻ này ghi lại ngày lên tàu, cảng khởi hành và khách hàng đã đặt hàng từ Trung Quốc.

“Những phát hiện trên tàu hé lộ cho chúng ta thấy loại hàng hóa nào được giao dịch qua các tuyến đường biển trong khu vực, cũng như lối sống và văn hóa thời đó”, Kim nói. Giám tuyển Kim cho biết “người Nhật Bản sử dụng gốm sứ Trung Quốc để uống trà, thắp hương và cắm hoa”.

Các quan chức cấp cao, samurai thượng lưu và đền thờ của Mạc phủ Kamakura (1192-1333) đã đặt hàng gốm sứ Trung Quốc và các mặt hàng xa xỉ khác cho mục đích tôn giáo, trò tiêu khiển hoặc đơn giản là để chứng minh sự giàu có của họ.

Các nhà nghiên cứu nghi ngờ phải mất 40 ngày để các thương nhân Trung Quốc chuẩn bị và đóng gói các mặt hàng trước khi gửi chúng từ cảng Ninh Ba, phía nam Thượng Hải, đến Hakata, vào mùa hè năm 1323.

Các dụng cụ nhà bếp và những món đồ khác trong xác tàu cho thấy các thủy thủ đã nấu mì, rau xào và thịt, thêm các loại gia vị như hạt tiêu, gừng và đinh hương vào thức ăn của họ và chơi các trò chơi trên tàu trong suốt chuyến đi dài đến hai tháng đến Hakata.

Sau nhiều năm nỗ lực để khử muối, hóa rắn và lắp ráp 720 mảnh vụn, con tàu đã được khôi phục và trưng bày tại Viện nghiên cứu di sản văn hóa hàng hải quốc gia tại Mokpo, thành phố cảng phía nam gần nơi con tàu được tìm thấy.

Phát hiện về xác tàu Sinan năm 1976 cũng bắt đầu nhiều cuộc khai quật dưới đáy biển khác, từ đó chính quyền Hàn Quốc đã thu hồi 14 xác tàu thuộc nhiều niên đại khác nhau.

“Trớ trêu thay, tai nạn thương tâm xảy ra vào thế kỷ 14 đã mang đến cho chúng ta một vận may văn hóa”, chuyên gia Park Ye Lee từ Viện nghiên cứu di sản văn hóa hàng hải quốc gia cho biết.

Giải mã ngôi nhà ma ám ở Hong Kong và người thuê nhà 'không bỏ cuộc'

Cặp đôi đồng tính Mỹ thuê căn hộ ma ám ở Hong Kong với nhiều tình huống rùng rợn đã quyết tâm truy tìm sự thật ẩn giấu đằng sau. Đây là ghi chép của họ về căn hộ.

Ngôi làng hẻo lánh cất giấu bí mật của người thiếp Ngô Tam Quế

Mã Gia Thôn là ngôi làng hẻo lánh ở Quý Châu gắn liền với sự sụp đổ của một triều đại phong kiến và số phận mỹ nữ nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Tuyết Mai

Theo South China Morning Post

Bạn có thể quan tâm