Đêm 14/8, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành nhiều văn bản, yêu cầu các địa phương cách ly những tổ dân phố có người mắc Covid-19 để ngăn dịch lây lan.
38 "điểm nóng" có 2 người mắc bệnh trở lên
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, cho biết từ "ổ dịch" ban đầu là Bệnh viện C, đến nay cơ quan chức năng đã xác định 38 "điểm nóng" thuộc 22 phường, xã ở 7 quận, huyện có 2 ca mắc Covid-19 trở lên.
Trước tình hình đó, đơn vị đã đề xuất Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP Đà Nẵng chỉ đạo UBND các quận, huyện lập chốt kiểm soát tại những nơi có người nhiễm SARS-CoV-2 để ngăn chặn dịch lây lan.
Theo bác sĩ Thạnh, sau gần 20 ngày "đi khắp ngõ, gõ cửa từng nhà", lực lượng chức năng đã đã xác định gần 10.400 người thuộc diện F1 và hơn 11.800 trường hợp F2. Những người có nguy cơ mắc bệnh đã được cơ quan y tế đưa đi cách ly, theo dõi sức khỏe.
Bác sĩ đang điều trị cho những ca mắc Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Bên cạnh đó, CDC Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm y tế các quận, huyện đã lấy mẫu bệnh phẩm của gần 100.000 người để xét nghiệm. Kết quả, có 325 người mắc Covid-19.
Theo bác sĩ Thạnh, một tín hiệu rất mừng là các bệnh viện đã điều trị khỏi và làm thủ tục xuất viện cho 25 trường hợp. Trong số những bệnh nhân còn nhiễm SARS-CoV-2, có 103 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính sau thời gian điều trị. Trong đó, 65 bệnh nhân âm tính lần 1; có 13 trường hợp âm tính lần 2; 24 bệnh nhân âm tính lần 3 và 1 người âm tính SARS-CoV-2 lần 4.
Phong tỏa hàng loạt khu phố để ngăn dịch lây lan
Ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết địa phương đã cách ly y tế gần 20 khu dân cư - nơi được xác định là những "điểm nóng" về dịch Covid-19.
Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng, từ 0h ngày 15/8, UBND quận Hải Châu đã phong tỏa các tổ dân phố 29, 30, 43, 44 và gần 5 km đường Trưng Nữ Vương (đoạn từ số nhà 427 đến 471 và từ số nhà 574 đến số 620, phường Hòa Thuận Tây).
Ở quận Liên Chiểu, nhà chức trách đã cách ly y tế tổ dân phố 31, khu vực Hòa Phú 1 (phường Hòa Minh), trong vòng 14 ngày. Khu vực này có 40 hộ dân, với hơn 160 khẩu, trong đó 3 người bị nhiễm SARS-CoV-2.
Còn tại quận Thanh Khê, chính quyền TP Đà Nẵng cũng áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với toàn bộ tổ 39, phường Thanh Khê Đông và ngõ 390 thông ra số nhà 402 đường Lê Duẩn, phường Tân Chính (cùng quận Thanh Khê).
Lực lượng chức năng phong tỏa thôn Yến Nê 2 (huyện Hòa Vang). Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ông Đinh Viết Hồng Lễ, Chủ tịch UBND phường Hòa Khê (quận Thanh Khê), cho biết ngày 14/8, cơ quan chức năng đã cách ly y tế tại 5 tổ dân phố 55, 56, 57,58, 59. Khu vực này có gần 380 hộ với hơn 1.600 khẩu.
Theo ông Lễ, ngõ 113 Trần Xuân Lê là nơi sinh sống của 30 hộ dân nhưng đã có 9 bệnh nhân mắc Covid-19. Điều đáng nói, những người nhiễm SARS-CoV-2 đều là thành viên của 2 gia đình.
"Ngành y tế đã ghi nhận trên địa bàn phường có 12 người mắc Covid-19 nên phải phong tỏa một số khu vực trong vòng 14 ngày để phòng, chống dịch", ông Lễ nói và cho biết từ ngã tư đường Trần Xuân Lê giao Hà Huy Tập hướng về bờ hồ (giáp sân bay), an ninh đã được thắt chặt.
Còn tại huyện Hòa Vang, sau khi phát hiện 2 ca mắc Covid-19, chính quyền đã phong tỏa thôn Yến Nê 2 (xã Hòa Tiến). Khu vực này có 2 người mắc Covid-19 nên nằm trong diện "nội bất xuất, ngoại bất nhập" từ 2 hôm trước.
Ở phía đông thành phố, chính quyền quận Sơn Trà cũng phong tỏa khẩn cấp chung cư A3 Vũng Thùng (đường Vân Đồn) và B1 (đường Dương Văn Nga, cùng phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), nơi có 90 hộ với 211 nhân khẩu. Chung cư B1 có 4 ca mắc Covid-19 và A3 có 2 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Ông Chinh cho biết lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các đơn vị liên quan bảo đảm cuộc sống cho người dân trong vùng cách ly y tế, nhất là cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết với chính sách bình ổn giá.
Gõ cửa từng nhà để tìm người nghi nhiễm
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thừa nhận bản đồ lây nhiễm Covid-19 của Đà Nẵng đã xuất hiện thêm nhiều điểm mới.
Người đứng đầu UBND Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương ngoài việc phong tỏa những nơi có người mắc bệnh, phải khẩn trương khoanh vùng những khu vực có nguy cơ cao, sẵn sàng kích hoạt biện pháp cách ly y tế sớm nhất có thể, để dập dịch.
Các nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cho người dân. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cũng đã yêu cầu ngành y tế phối hợp các địa phương rà soát, điều tra dịch tễ tại 38 "điểm nóng" để sớm xác định những trường hợp nghi nhiễm đưa đi cách ly.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thì dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng Đà Nẵng kiểm soát tốt tình hình. Thời gian qua, đội ngũ y tá, bác sĩ đã làm việc cật lực tại các bệnh viện để điều trị cho những ca mắc Covid-19. "Các bệnh viện luôn sáng đèn, một số bác sĩ, điều dưỡng đã làm việc đến quên ngủ và kiệt sức", bà Yến chia sẻ.
Ngoài cộng đồng, hàng trăm nhân viên thuộc các đơn vị liên quan cũng đang xuống các khu dân cư gõ cửa từng nhà điều tra dịch tễ, truy vết những diện nghi vấn (F1, F2) để cách ly, phòng dịch.
Cùng với đó, ngành y tế cũng đang tăng tốc lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cho hàng trăm người dân ở vùng có nguy cơ lây nhiễm nhằm sớm phát hiện các trường hợp F0, F1, F2 để đưa vào các cơ sở cách ly, điều trị.
Sáng 15/8, Bộ Y tế cho hay Việt Nam ghi nhận một ca mắc Covid-19 mới là người nhập cảnh, được cách ly tại Nam Định. Hiện Việt Nam ghi nhận tổng cộng 930 ca mắc Covid-19. Trong đó, 437 bệnh nhân đã được chữa khỏi Covid-19.
Trước đó, Bộ Y tế đã công bố thêm 15 người ở Đà Nẵng mắc Covid-19. Từ ngày 25/7 đến 18h ngày 14/8, tại địa phương có 325 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 25 người khỏi bệnh và 16 ca tử vong.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.