Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xác định 3 kẻ tấn công ở sân bay Istanbul

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 3 kẻ xả súng và đánh bom tự sát ở sân bay Ataturk, thành phố Istanbul hôm 28/6 đều đến từ những nước thuộc Liên Xô cũ.

Khủng bố đẫm máu tại sân bay Thổ Nhĩ Kỳ Theo CNN, hai kẻ tấn công đấu súng với nhân viên an ninh khi cố tiến vào khu vực nhà ga quốc tế sân bay Ataturk. Một trong hai kẻ tấn công kích nổ khối thuốc nổ bên ngoài tòa nhà.

Một trong 3 kẻ tấn công được xác định là Osman Vadinov, người Chechnya. Tên này đã đến Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2015 từ Raqqa, thủ phủ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Hai kẻ còn lại là người Uzbekistan và Kyrgyzstan. Theo CBS News, 3 kẻ này được cho là đã thuê một căn hộ ở Faith, khu dân cư khá gần sân bay Ataturk, và đã sống ở đây vài tuần cho đến vài tháng trước khi vụ tấn công xảy ra.

Ba kẻ này gây nghi ngờ cho lực lượng kiểm soát an ninh sân bay khi mặc đồ mùa đông vào mùa hè. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Yildirim cho biết chúng đã "rút súng từ trong túi và bắn loạn xạ" khi đang cố gắng vượt qua khu vực kiểm soát an ninh.

san bay Atartuk,  Istanbul,  IS anh 1
Hình ảnh được cho là của 3 kẻ tấn công sân bay Ataturk, Istanbul. Ảnh: Reuters

Lực lượng chống khủng bố Thổ Nhĩ Kỳ đã rà soát các khu vực dân cư ở Istanbul và bắt giữ 13 đối tượng tình nghi. Ít nhất 9 đối tượng tình nghi khác cũng đã bị bắt ở thành phố Izmir với các cáo buộc tài trợ tài chính, vận chuyển và chiêu mộ cho IS.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng vụ tấn công đêm 28/6 ở sân bay Ataturk, thành phố Istanbul làm 44 người chết và hơn 240 người bị thương là do IS tiến hành.

Từ lâu IS đã chiêu binh từ các nước Hồi giáo thuộc Liên Xô cũ. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, khoảng từ 5.000 đến 7.000 người đến từ Nga và các nước Liên Xô cũ khác đã gia nhập IS ở Syria và Iraq. Rất nhiều người Hồi giáo ở phía nam Chechnya đã sống ở Thổ Nhĩ Kỳ và Moscow liên tục cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ bất hợp tác trong việc tìm kiếm các phần tử khủng bố khả nghi.

Khi chiến tranh ở Syria nổ ra, biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria bị buông lỏng, cho phép quân và vũ khí qua lại cả hai phía cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải siết chặt kiểm soát dưới sức ép từ Mỹ. Kể từ khi hợp tác tích cực hơn với Mỹ trong cuộc chiến chống IS, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành mục tiêu tấn công của tổ chức này.

Mai Linh

Bạn có thể quan tâm