Theo AP, loài sinh vật này được xác định là một con cá mặt trời Mola tecta, hay còn gọi là cá mặt trời bịt mắt.
Cái tên kỳ lạ được chuyên gia về loài cá mặt trời Marianne Nyegaard, đến từ Đại học Murdoch ở Australia, nghĩ ra. Nhà nghiên cứu tìm ra loài cá này vào năm 2017 và đặt tên "kẻ bịt mắt" cho chúng vì bằng cách nào đó chúng đã thoát khỏi tầm mắt của các nhà khoa học trong nhiều năm.
Loài cá này hay bị nhầm lẫn với cá mặt trời Mola mola, vốn là loài phổ biến hơn và thường được phát hiện ở khu vực eo biển Santa Barbara.
Hình dáng kỳ lạ của loài cá mặt trời bịt mắt. Chúng không có đuôi và thân mỏng như đĩa. Ảnh: Thomas Turner. |
Xác của sinh vật này được phát hiện bởi một thực tập sinh của Khu bảo tồn Thiên nhiên Mũi Coal Oil thuộc Đại học California ở Santa Barbara (UCSB).
Các nhà khoa học cho biết có 5 loài cá mặt trời và chúng sống ở những khu vực khác nhau. Có loài sống ở vùng nước nhiệt đới, có loài sống ở vùng nước cận nhiệt và những con cá mặt trời bịt mắt thì sống ở vùng nước ôn đới.
Ông Thomas Turner, nhà sinh vật học tiến hóa tại UCSB, nhận định: "Đây là loài cá kỳ dị nhất mà tôi từng thấy. Chúng khổng lồ, nhưng chúng giống như cái đĩa. Chúng mỏng và hoàn toàn ko có đuôi, chỉ có vây sắc ở trên và dưới, chúng sử dụng hai bộ phận này như cánh chim".
Ông Turner cùng con trai bên cạnh xác con cá dài tới hơn 2 m. Ảnh: Thomas Turner. |
Chuyên gia này cũng mô tả khuôn mặt của loài cá "lúc nào cũng như chúng đang tỏ ra bất ngờ". Những con cá mặt trời bịt mắt sẽ kiếm ăn ở dưới đáy biển và bơi lên mặt nước để tắm nắng.
Đây là lần đầu tiên cá mặt trời bịt mắt được phát hiện ở Bắc Mỹ và mới chỉ là lần thứ hai chúng được phát hiện ở Bắc bán cầu.