Người dân địa phương cho biết, họ không hề được chính quyền và Ban quản lý đập thông báo từ sớm để di dời, bảo toàn tài sản. Khi lũ đã tràn về rồi mới được thông báo, lúc đó đã quá muộn, họ chỉ còn biết tháo chạy thoát thân, tất cả tài sản đều phải bỏ lại.
Xung quanh vụ việc này, ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão thành phố đã chia sẻ.
Ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Nội (Ảnh: Internet) |
- Ông có bình luận gì trước việc xả lũ đột ngột ở thị trấn Eađrăng (huyện Eahleo, Đăk Lăk)?
- Đến giờ chưa thể kết luận việc xả lũ như thế có đột ngột hay không, nhưng việc đó phải được làm theo đúng quy trình vận hành hồ chứa.
Ở vụ việc này, chưa rõ có hay không chuyện phải xả lũ khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho hồ, đập bởi theo quy trình vận hành hồ chứa, đảm bảo an toàn cho hồ, đập là ưu tiên hàng đầu. Có những trường hợp nước lũ quá lớn mà hồ đã đầy rồi thì buộc người ta phải chấp nhận xả lũ đột ngột.
Tuy vậy, dù khẩn cấp tới đâu chăng nữa, các cơ quan chức năng có liên quan cũng phải bằng mọi cách sớm báo cho người dân ở hạ lưu biết để họ có những hướng đối phó ban đầu. Còn nếu không kịp thông báo thì phải xét xem khẩn cấp tới mức độ nào.
Lũ về rất bất ngờ nên bà con trở tay không kịp khiến nhiều gia đình mất sạch tài sản. (Ảnh: VNN) |
- Cần thời gian bao lâu để dự đoán hồ sắp đầy buộc phải xả lũ và bao lâu để ra thông báo cho người dân, thưa ông?
- Mỗi hồ chứa, mỗi khu vực có quy trình riêng, nhưng theo tôi nghĩ, từ khi có ý định xả tới khi quyết định xả thì cũng phải mất vài chục phút. Với các phương tiện thông tin hiện đại như hiện nay, chỉ cần 5-7 phút là có thể điện, thông báo cho các huyện, xã, phường... về việc này.
Và chỉ cần báo sớm trong vòng 1 tiếng là nhân dân đã có thể chuẩn bị các hình thức đối phó tạm thời với nước lũ được rồi.
- Với thiệt hại nặng nề như thế, theo ông ai sẽ phải chịu trách nhiệm về chuyện này?
- Cái này còn phải xem xét chứ chưa thể kết luận ngay được. Đương nhiên liên quan tới việc xả lũ, vận hành hồ chứa, phải xem xét xem khi Ủy ban nhân dân các cấp nhận được thông báo khẩn cấp, họ đã triển khai tới đâu.
- Có ý kiến cho rằng, xả lũ đột ngột như vậy là vì quyền lợi của một nhóm người là chủ sở hữu tài sản đập thủy điện. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi nghĩ, trước hết phải rơi vào những tình huống khẩn cấp, phải đảm bảo an toàn cho hồ chứa thì người ta mới xả lũ đột ngột. Thế nhưng, khẩn cấp đến mấy cũng không tới độ người ta không kịp ra thông báo tới các hộ dân.
Cho dù khoảng thời gian để người dân chuẩn bị các tình huống đối phó với nước lũ không nhiều, chỉ độ vài ba tiếng đồng hồ, nhưng ít nhất cũng đủ để tránh được những sự cố, thiệt hại đáng tiếc về người và của. Trong vụ việc này, cần làm rõ mục đích, trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.
- Có hay không sự vô trách nhiệm của quan chức địa phương trong chuyện xả lũ đột ngột này?
- Nếu vì chuyện này chuyện kia mà người ta không thông báo tới người dân về việc xả lũ thì rõ ràng họ phải chịu trách nhiệm nếu tính mạng, tài sản của người dân bị đe dọa, ảnh hưởng.
Các cơ quan quản lý hồ đập nơi đó, đơn vị vận hành, vĩ mô hơn thì các bộ, ngành, thậm chí cả Chính phủ phải có những biện pháp kiên quyết hơn nữa, cần thiết thì phải xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân sau mỗi vụ xả lũ đột ngột để tránh xảy ra những vụ việc tương tự.
- Nhiều ý kiến cho rằng, do luật pháp chưa đủ sức răn đe, còn nhiều lỗ hổng nên những vụ xả lũ đột ngột vẫn ngang nhiên tái diễn như thế. Ông đánh giá sao về vấn đề này?- Đúng là pháp luật Việt Nam có những lỗ hổng, nhưng không phải nhiều. Các văn bản luật, các quy định đã khá chặt chẽ chuyện này rồi chứ không phải không. Quan trọng là lúc áp dụng thực tế, họ triển khai như thế nào thôi. Các chế tài xử phạt đã sẵn, nhưng quan trọng là chúng ta đã làm nghiêm hay chưa?
- Theo ông, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) có phải chịu trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại của người dân thị trấn Eađrăng?
- Tôi nghĩ là phải có.
- Dư luận cho rằng EVN mà chịu phạt thì giá điện lại tăng. Còn ông, quan điểm của ông thế nào?
- Nên nhớ chẳng cứ phải bồi thường EVN mới tăng giá điện. Người ta tăng theo tính toán của ngành nên việc tăng đó có thể có, có thể không. Pháp luật nghiêm minh, công bằng nên bất kì cơ quan, cá nhân nào vi phạm, làm sai đều bị xử lý.
- Xin cảm ơn ông!
Xin thông tin thêm, trước khi bài phỏng vấn này được đưa lên, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Xuân Khu - Phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc Gia (A0) - đơn vị trực thuộc EVN để nắm bắt thông tin về vụ việc. Tuy nhiên ông Khu đã từ chối trả lời với lý do "đang bận họp"...